Saturday, January 18, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐiều hành Lầu Năm Góc khó tới mức nào?

Điều hành Lầu Năm Góc khó tới mức nào?

Bộ trưởng Quốc phòng là một trong những vị trí quyền lực nhất trong chính phủ Mỹ nhưng nhiệm vụ cũng đầy áp lực và khắc nghiệt.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đề cử ông Pete Hegseth giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

“Lầu Năm Góc quả là rất rộng lớn và nhiệm vụ của nó đa dạng tới mức có thể lấn át hầu hết các tổ chức trên Trái đất này”, ông Ash Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thứ 25 đã từng viết như vậy.

Ông Carter không hề phóng đại. Lầu Năm Góc sở hữu hoặc duy trì số bất động sản với tổng diện tích lớn hơn cả tiểu bang Pennsylvania rộng 119,283km2.

Lượng khí thải carbon của Bộ Quốc phòng Mỹ chiếm khoảng 1% tổng lượng khí thải cả nước Mỹ. Ngân sách hàng năm mà Lầu Năm Góc nhận được là hơn 800 tỷ USD, vượt GDP của Bỉ hay Argentina.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng là tổ chức mua nhiên liệu lớn nhất, là chủ sở hữu các tàu lớn nhất và là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất hành tinh.

Nếu được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, ngày 20/1 ông Pete Hegseth, người dẫn chương trình của kênh truyền hình Fox News và cựu trung đội trưởng bộ binh, sẽ kế thừa lãnh đạo bộ máy đồ sộ này.

Nhiệm vụ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Chức danh bộ trưởng quốc phòng là một trong những vị trí có quyền lực nhất trong chính phủ Mỹ. Người giữ chức vụ này đứng thứ 6 trong danh sách kế nhiệm tổng thống Mỹ, xếp dưới phó tổng thống, hai nhà lãnh đạo quốc hội, các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng tài chính.

Theo Đạo luật Goldwater-Nichols năm 1986, chuỗi chỉ huy quân sự bắt đầu từ tổng thống đến bộ trưởng quốc phòng, rồi sau đó – bỏ qua chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân và các tư lệnh lục quân, hải quân và không quân, đến các chỉ huy chiến đấu phụ trách những khu vực khác nhau trên thế giới.

“Một tổng thống rất khó bỏ qua lời khuyên mà ông nhận được từ bộ trưởng và chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân”, cựu Phó Tổng thống Dick Cheney nhớ lại kinh nghiệm điều hành Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống George H.W. Bush từ năm 1989 đến năm 1993.

Ông Hegseth sẽ không có vai trò trong chuỗi chỉ huy hạt nhân. Tổng thống Mỹ sẽ trực tiếp ra lệnh triển khai vũ khí hạt nhân đến các đơn vị hạt nhân, mặc dù bộ trưởng quốc phòng có thể vẫn được tham vấn khi khủng hoảng xảy ra.

Ông James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống đắc cử Donald Trump, được cho là đã mặc cả đồ bảo hộ đi ngủ vì sợ rằng tổng thống có thể ra lệnh tấn công hạt nhân vào Triều Tiên lúc nửa đêm.

“Bạn không bao giờ được đi nghỉ, cũng không bao giờ được nghỉ phép. Bạn luôn phải làm nhiệm vụ. 24 giờ là 24 giờ. Bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra sai sót. Các cuộc khủng hoảng, dù nhỏ, liên tục diễn ra”, Caspar Weinberger, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống Ronald Reagan, cho biết.

Nhiệm vụ tiếp theo mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải đảm nhiệm là duy trì hoạt động của khối doanh nghiệp quân sự kếch xù của đất nước.

Tuy nhiên, một số lại nằm ngoài tầm kiểm soát của ông chủ Lầu Năm Góc. Chẳng hạn như, Bộ Cựu chiến binh đảm trách vấn đề chăm sóc sức khỏe và các khoản phúc lợi khác, hàng năm chi tới hơn 300 tỷ USD. Bộ Năng lượng là đơn vị thiết kế và chế tạo vũ khí hạt nhân.

Dù vậy, Lầu Năm Góc vẫn có nhiều hoạt động riêng. Cơ quan An ninh Quốc gia, đơn vị tình báo tín hiệu của Mỹ, vượt mặt cả CIA và báo cáo thẳng với Lầu Năm Góc. Văn phòng Do thám Quốc gia, đơn vị chế tạo vệ tinh do thám, cũng như vậy.

Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng khoảng 700.000 nhân viên dân sự, chiếm 1/3 toàn bộ lực lượng lao động dân sự liên bang. Năm 2015, Lầu Năm Góc đã chi tới 84 triệu USD, nhiều hơn toàn bộ ngân sách quốc phòng của một số quốc gia nhỏ, chỉ để mua Viagra và các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không chỉ là một nhà chỉ huy và nhà quản lý mà còn là một nhà ngoại giao.

Ông Cheney chia sẻ: “Hóa ra đây lại là một phần công việc lớn hơn tôi từng nghĩ khi bắt đầu nhiệm vụ. Bạn phải dành khá nhiều thời gian làm việc với các bộ trưởng quốc phòng khác, tham dự các cuộc họp hàng quý của NATO chẳng hạn, rất nhiều thứ nữa”.

Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Joe Biden đương nhiệm, đã đến thăm châu Á hàng chục lần trong 4 năm, cũng như chủ trì các cuộc họp gần như hàng tháng của nhóm Ramstein ở Đức, nơi điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine.

Trên thực tế, ông Hegseth không phải điều hành tất cả những việc này một mình. Giám đốc điều hành (CEO) của Lầu Năm Góc là người giữ chức thứ trưởng quốc phòng. Về cơ bản, họ sẽ điều hành bộ máy này hàng ngày và giúp hoạch định ngân sách. Ông Trump đã đề cử Stephen Feinberg, một tỷ phú đầu tư, cho vai trò đó.

Thế nhưng, ngay cả khi ông Hegseth không quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt trong bộ máy thì ông vẫn cần hoạch định tầm nhìn về quy mô và hướng hoạt động. Khi nào thì Mỹ nên sử dụng vũ lực quân sự? Dùng lực lượng nào, thông thường hay hạt nhân, trên bộ hay trên biển, sẽ được ưu tiên?

Một vị trí khắc nghiệt

Sự nghiệp của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không phải lúc nào cũng tươi sáng. Ông Donald Rumsfeld, người từng 2 lần đảm nhiệm công việc này, lần gần đây nhất là dưới thời Tổng thống George W. Bush, đã so sánh Lầu Năm Góc với “một trong những nhà lãnh đạo già yếu cuối cùng của thế giới” vì luôn bị ràng buộc bởi kế hoạch hóa tập trung và chống lại sự thay đổi.

Bob Gates, cựu Giám đốc CIA dày dặn kinh nghiệm, người kế nhiệm ông Rumsfeld, gần như ghét từng phút giây của công việc của mình. Ông đã phàn nàn trong hồi ký về bộ máy ngột ngạt ở Lầu Năm Góc cũng như nỗi giày vò khi phải đối phó với Quốc hội và Nhà Trắng.

Trong hồi ký của mình, ông Gates nhớ lại việc phải viết thư cho gia đình những người lính đã thiệt mạng ở Afghanistan và Iraq: “Hầu như đêm nào trong bốn năm rưỡi, khi viết thư chia buồn và đọc tin tức về những người đàn ông và phụ nữ, mà chủ yếu đang ở độ tuổi thanh niên, tôi đều khóc”.

Gánh nặng trách nhiệm cũng như sự khắc nghiệt của công việc thường đè nặng lên những người đã từng giữ chức vụ.

Khi Tổng thống Bill Clinton gọi điện cho William Perry, lúc đó đang là thứ trưởng quốc phòng, để đề nghị ông giữ chức vụ cao nhất, ban đầu ông đã từ chối vì quá mệt mỏi sau một năm làm việc tại Lầu Năm Góc và lo ngại thông tin gia đình mình bị tiết lộ với báo chí.

Robert McNamara, người xuất sắc trong quản lý và cải cách doanh nghiệp, cũng đã từ chối khi lần đầu tiên được Tổng thống John Kennedy đề nghị làm bộ trưởng quốc phòng, vài tuần sau khi giữ chức Chủ tịch Ford Motor vào năm 1960.

Mặc dù đã điều hành một trong những công ty quan trọng nhất thế giới, ông McNamara vẫn cho rằng sẽ là “một sai lầm khi đưa một người thiếu kinh nghiệm như tôi vào chính phủ ở một vị trí như vậy”.

Ông Hegseth – người được ông Trump đề cử – có vẻ như sẽ không bị cản trở bởi những lo lắng như vậy.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới