Friday, January 24, 2025
Trang chủBiển ĐôngHoàng Sa, Trường SaNhìn lại mưu đồ xâm chiếm Hoàng Sa của TQ

Nhìn lại mưu đồ xâm chiếm Hoàng Sa của TQ

Cách đây 51 năm, ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến đẫm máu với hải quân Việt Nam Công hoà.

Việc làm của giới cầm quyền Bắc Kinh đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và không thể tạo ra danh nghĩa chủ quyền cho Trung Quốc. Nhân đây, chúng ta cùng nhìn lại mưu đồ xâm chiếm Hoàng Sa của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Một điều cần khẳng định theo các chứng cứ pháp lý và lịch sử, chưa bao giờ Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc. Cho tới đời nhà Thanh các bản đồ được ấn hành từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đều khẳng định điểm cực nam của Trung Quốc chỉ dừng ở phủ Quỳnh Châu tại vĩ tuyến 18,13 độ vĩ bắc. Hay nói cách khác cương giới của Trung Quốc từ cổ chí kim đều luôn được sử sách địa đồ của họ xác định chỉ nằm tại đảo Hải Nam và không thể vươn xa hơn nữa.

Báo chí Quảng Châu thời bấy giờ đưa tin vào tháng 6/1909, chính quyền Quảng Đông đã đưa hai pháo hạm loại nhỏ do đô đốc Lý Chuẩn dẫn đầu đi một vòng quanh các đảo nằm phía đông đảo Hải Nam, để rồi vào năm 1932 chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch đã nâng cấp chuyến đi của đô đốc Lý Chuẩn là một dấu mốc thời gian để ấn định cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa một cách vô lý.

Chuyến đi của Lý Chuẩn được ghi ngắn gọn là “được lệnh của tổng đốc Quảng Đông và Quảng Tây lúc bấy giờ là Trương Nhân Tuấn, tháng 6/1909 đô đốc Lý Chuẩn dẫn đầu hai chiến hạm Phục Ba và Sâm Hạm cùng 170 quan binh đến “thu phục Tây Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa)”. Trên thực tế, chuyến đi của đô đốc Lý Chuẩn không phải là một chuyến khảo sát hay thị sát như phía Trung Quốc mô tả, cũng chẳng có chuyện thu phục Hoàng Sa như Trung Quốc từng tưởng tượng. Đó chỉ là chuyến đi mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”, không hề lưu dấu hay để lại một dấu tích hoặc luận chứng lịch sử cụ thể trên những điểm mà họ đi qua“.

 Thế nhưng, người Trung Quốc cứ thổi phồng và ngụy tạo chứng cứ biến chuyến đi này thành chuyến đi lịch sử nên mỗi giai đoạn có một kiểu mô tả khác nhau. Tờ Đại Công Báo ở Thiên Tân ngày 8/10/1933, tức đến 24 năm sau, đã vẽ thêm rằng đô đốc Lý Chuẩn cùng đoàn đội của ông ta đến Hoàng Sa và đã đo, vẽ cũng như đặt tên cho 16 đảo ở đây. Song ai có thể tin chỉ chưa đầy 24 giờ thì Lý Chuẩn có thể làm hết từng ấy việc ở Hoàng Sa và vì sao phải đến 24 năm sau bút ký này mới được đưa ra? Chỉ có người Trung Quốc nói cho người Trung Quốc nghe.

Những chứng cứ do phía Trung Quốc đưa ra về quần đảo Hoàng Sa chưa bao giờ xác thực cả về mặt lịch sử lẫn pháp lý. Song mưu đồ xâm chiếm thì đã rõ ngay khi Trung Quốc đưa ra luận điểm để bảo vệ cho chuyến thị sát trái phép quần đảo Hoàng Sa năm 1909 của quan binh nước này, cho rằng quần đảo Hoàng Sa là “quần đảo hoang”, trong khi Việt Nam đã đưa ra những bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh được chủ quyền ở Hoàng Sa từ thế 17.

Sau chuyến đi của Lý Chuẩn 12 năm, tháng 3-1921 chính quyền quân sự Quảng Đông đã ký một sắc lệnh bất hợp pháp sáp nhập Hoàng Sa vào huyện Châu Nhai, phủ Quỳnh Châu lúc bấy giờ. Rõ ràng hành vi xâm phạm chủ quyền có chủ ý của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa diễn ra ngay khi An Nam (tên gọi của Việt Nam lúc bấy giờ) đang trong thời kỳ Pháp thuộc bị Pháp và chính quyền bảo hộ Pháp đang đại diện cho Việt Nam quản lý và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Sở dĩ Trung Quốc muốn xâm chiếm Hoàng Sa là vì trước đó trong chuyến thị sát vùng biển này, tàu quan binh nhà Thanh đã phát hiện một nhóm thương nhân người Nhật đang chiếm cứ đảo Pratas (sau này Trung Quốc gọi là Đông Sa) nằm gần Hoàng Sa. Trung Quốc không muốn quần đảo Hoàng Sa bị các nước mạnh thời đó quản lý nên đã bắt đầu triển khai mưu đồ cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa. Đây là mầm mống gây tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Pháp lúc này đang được xem là đại diện cho Việt Nam. Động thái của Trung Quốc năm 1921 đã khiến Pháp phải nhìn lại, dù tại thời điểm này Trung Quốc chỉ mới xâm phạm chủ quyền Hoàng Sa trên văn bản.

Trước âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc và sự manh nha xuất hiện của người Nhật trên tuyến đường biển quan trọng “nối liền giữa Hong Kong và Sài Gòn”, liên tiếp từ năm 1925-1930 Pháp đã có những động thái khẳng định chủ quyền không chỉ ở Hoàng Sa. Trước hết, đầu tháng 3/1925 toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ của Pháp (tức thuộc về An Nam đang là thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ). Ngày 20/3/1930, toàn quyền Đông Dương đã yêu cầu Bộ thuộc địa Pháp “Cần thừa nhận lợi ích của nước Pháp ẩn chứa trong việc thay mặt An Nam thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Trong bối cảnh Nhật cũng nhăm nhe chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, để ngăn chặn mối họa xâm chiếm của chính quyền Trung Hoa Dân quốc cũng như Nhật Bản, từ năm 1937 Pháp đã ủy thác cho kỹ sư trưởng Gauthier việc xây dựng một trạm hải đăng ở đảo nhỏ Hoàng Sa (đảo Pattle). Sau đó năm 1938-1939, theo nghị định số 3282 do toàn quyền Đông Dương Brievie ký, Pháp đã triển khai quân binh đến đảo Hoàng Sa xây dựng trạm hải đăng, trạm vô tuyến TFS và trạm khí tượng, song song đó cũng xây dựng thêm một trạm khí tượng khác trên đảo Phú Lâm.

Sau khi đánh đuổi quân Tưởng Giới Thạch rời khỏi đại lục chạy sang đảo Đài Loan năm 1949, Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập ở Trung Quốc đại lục (gọi tắt là chính quyền Bắc Kinh) đã tiếp tục mưu đồ cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Đầu tháng 9/1951, theo lời mời của Mỹ, 51 quốc gia đã từng tham gia hoặc có liên hệ với cuộc chiến chống Nhật đã tham gia Hội nghị San Francisco (Mỹ). Điểm đáng chú ý là cả chính quyền Bắc Kinh ở Trung Quốc đại lục và Trung Hoa Dân quốc ở Đài Loan đều không được mời dự. Chính quyền Bắc Kinh phản ứng với nội dung dự thảo Hòa ước San Francisco có liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình tại hai quần đảo này.

Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Chu Ân Lai từ Bắc Kinh không tác động được gì đến các đại biểu dự Hội nghị quốc tế San Francisco. Một bằng chứng rõ ràng là tại hội nghị này, ngày 5/9/1951, đại diện Liên Xô là Andrei Gromyko (sau này là Ngoại trưởng Liên Xô), có lẽ do áp lực từ phía Trung Quốc, đã đưa ra đề nghị trao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Nhưng, kết quả bỏ phiếu tại Hội nghị San Francisco là một minh chứng rất rõ ràng rằng quốc tế đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của đại diện Liên Xô: chỉ có 3 phiếu thuận, 1 phiếu trắng và có đến 47 phiếu chống lại việc trao Hoàng Sa – Trường Sa cho Trung Quốc. Giới phân tích nhận định kết quả này thể hiện sự nhìn xa trông rộng của cộng đồng quốc tế đối với mưu đồ bành trướng của Trung Quốc ở Biển khi bác bỏ yêu sách vô lý của chính quyền Bắc Kinh đối với quần đảo Hoàng Sa.

Hai ngày sau, ngày 7/9/1951, tại hội nghị này Trưởng phái đoàn quốc gia Việt Nam, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu, đã lên tiếng tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó có đoạn: “Và để tận dụng không ngần ngại mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống bất hòa, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xưa đến nay vẫn thuộc cương vực Việt Nam”.

Lời tuyên bố này đã được Hội nghị San Francisco ghi vào biên bản. Và trong tất cả 51 phái đoàn các nước, không có phái đoàn nào phản đối, kể cả Liên Xô. Những sự kiện như thế đã minh chứng rằng cộng đồng quốc tế chưa bao giờ thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Đây được coi là một chứng cứ mang tính pháp lý quốc tế hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Trung Quốc vẫn không từ bỏ mưu đồ xâm chiếm đánh chiếm Hoàng Sa. Lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng khi Pháp rút khỏi Việt Nam, năm 1956 Trung Quốc ngang nhiên đưa hải quân xâm chiếm nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, lợi dụng việc chính quyền Việt Nam Cộng hoà đang gặp khó khăn, Bắc Kinh đã cho lực lượng hải quân gây ra cuộc chiến đẫm máu cho binh sĩ Việt Nam Cộng hoà đánh chiếm nhóm đảo còn lại của quần đảo Hoàng Sa khi chính quyền Việt Nam Cộng hoà đang quản lý và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa theo Hiệp định Geneve 1954 (hiệp định quy định chính quyền Việt Nam Cộng hoà quản lý phần lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 xuống phía Nam, bao gồm quần đảo Hoàng Sa).

Như vậy có thể kết luận rằng cho đến đầu Thế kỷ 20, Trung Quốc chưa có liên quan gì tới quần đảo Hoàng Sa và chưa có yêu sách nào đối với Biển Đông, thậm chí họ còn tự cho rằng không liên quan gì tới quần đảo này. Xin nêu một dẫn chứng cụ thể qua sự kiện tàu buôn La Bellona của Đức bị chìm vì đá ngầm vào năm 1885 và tàu Himeji của Nhật bị đắm vào năm 1896 đều ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị nhà đương cục Trung Hoa ở đảo Hải Nam từ chối trách nhiệm cứu vớt với lý do những vùng này không thuộc lãnh hải và quyền quản hạt của Trung Hoa cho thấy chí ít đến cuối thế kỷ 19, nhà đương cục Trung Hoa xem quần đảo này không thuộc về Trung Quốc.

Một chứng cứ khác là sau khi thua trận trong chiến tranh Trung – Nhật, nhà Thanh đã ký Hiệp ước Shimonoseki ngày 17/4/1895 (Trung Quốc gọi là Hiệp ước Mã Quan). Theo đó, nhà Thanh nhượng cho Nhật Bản vĩnh viễn chủ quyền đầy đủ của quần đảo Bành Hồ, Đài Loan và phần phía đông vùng biển của bán đảo Liêu Đông cùng với tất cả các tài sản có trên đó như: công sự, kho vũ khí…và trong đó không đề cập tới quần đảo Hoàng Sa hay Biển Đông. Như vậy, có thể thấy trong tiềm thức của chính quyền nhà Thanh (Trung Quốc) và chính quyền Nhật Bản chưa hề có khái niệm về quần đảo Hoàng Sa cho đến đầu Thế kỷ 20.

Mưu đồ đánh chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc được manh nha từ năm 1909 và được tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo. Mưu đồ này được lớn lên theo từng năm và được đánh dấu bằng việc sử dụng vũ lực xâm chiếm phía Đông quần đảo này năm 1956 và tiếp tục đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực năm 1974. Mưu đồ này không dừng lại ở đó mà ngày càng được mở rộng cùng với sự lớn mạnh về kinh tế, quân sự của Bắc Kinh. Giới chuyên gia nhận định mưu đồ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa chỉ là một phần trong mưu đồ lâu dài là thôn tính Biển Đông của giới cầm quyền ở Bắc Kinh.

Dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa mới là bước khởi đầu trong chiến lược độc bành trướng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Năm 1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm 6 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa; năm 1995 Bắc Kinh tiếp tục đánh chiếm Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa; năm 2012, Trung Quốc cưỡng chiếm Bãi cạn Scarborough ở phía Bắc Biển Đông. Trung Quốc còn đang mưu toan xâm lấn các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông, cản trở tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Trần Duy HảiNguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia

RELATED ARTICLES

Tin mới