Sunday, January 19, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam đặt mục tiêu xây nhà máy điện hạt nhân trong...

Việt Nam đặt mục tiêu xây nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm: Thế giới mất bao lâu?

Điện hạt nhân được Hiệp hội Hạt nhân Thế giới công nhận là sạch, ít phát thải carbon.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.


Việt Nam hành động quyết liệt: Hoàn thành Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm
Trưa 15/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, Báo Điện tử Chính Phủ thông tin.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu Việt Nam hướng tới việc xây dựng xong Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm.

Thủ tướng cho biết, yêu cầu cấp bách này là để hướng tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, chúng ta có nhà máy điện hạt nhân; đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu điện sạch, nhất là với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 2 con số thì tăng trưởng điện phải từ 15-18%.

Nói riêng về thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, các chuyên gia thuộc Hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, thời gian thi công nhà máy điện hạt nhân khoảng 6 năm. Đối với các nước đã làm chủ công nghệ điện hạt nhân, thời gian xây dựng công trình từ 6-7 năm là khá thông thường, trong khi một số nước bị kéo dài thời gian do thủ tục và quản lý xây dựng chưa tốt.

Một số nước, như Trung Quốc, với khả năng làm chủ công nghệ và nội địa hóa tới trên 70% các thành phần của điện hạt nhân, một số dự án gần đây đã hoàn thành xây dựng trong 5-6 năm.

Như vậy, có thể thấy mục tiêu hoàn thành Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả. Do đó, ngay trong phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng chỉ đạo một số việc cần làm ngay:

  • Đối với Bộ Công thương, Thủ tướng yêu cầu Bộ khẩn trương điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch cần thiết, hoàn thành trước ngày 28/2.
  • Về nhân lực, hiện Việt Nam đã có khoảng 400 nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan cần tập trung ngay đội ngũ nhân lực này, đồng thời xác định rõ nhu cầu đào tạo và báo cáo, đề xuất ngay.
  • Về nhiệm vụ chuẩn bị hạ tầng, Thủ tướng giao Ninh Thuận làm chủ đầu tư, kêu gọi hợp tác công tư, thu hút đầu tư… để khai thác dân dụng sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận). Ninh Thuận đề xuất và triển khai các công việc liên quan giải phóng mặt bằng, chính sách cho người dân nhường mặt bằng cho dự án.
  • Về hợp tác quốc tế, Thủ tướng giao các cơ quan trong triển khai hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Phía trước dù còn rất nhiều khó khăn về nhân lực và vật lực song dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam hy vọng sẽ hoàn thành được mục tiêu lớn này; đồng thời lập thêm “mốc son mới” cho đất nước trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Thế giới hiện có 440 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động
Statista Research Department cho biết, điện hạt nhân là một trong những nguồn điện carbon thấp chính trên thế giới và được đưa vào danh sách các nguồn năng lượng phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Vì lý do này, công suất điện hạt nhân toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, đặc biệt là ở Châu Á, nơi có hầu hết các lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng và lên kế hoạch ngay từ năm 2024.

Theo kịch bản dự báo của Statista Research Department, điện hạt nhân toàn cầu sẽ đạt 461 Gigawatt điện vào năm 2030 và tăng khoảng 200 Gigawatt sau mỗi 10 năm cho đến ít nhất là năm 2050.

Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) cho biết, tính đến tháng 1/2025, có 440 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động trên 32 quốc gia. Khoảng 20% trong số đó nằm ở Mỹ – quốc gia sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới. Tiếp theo là Trung Quốc, Pháp và Nga.

Riêng năm 2023, Trung Quốc có số lượng dự án lò phản ứng hạt nhân lớn nhất và dự kiến sẽ trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất trong vòng 10 năm tới. Công suất điện hạt nhân được lắp đặt tại quốc gia này được dự báo sẽ tăng gần gấp ba vào năm 2050 so với năm 2040.

Nói về năng lượng hạt nhân, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA) cho biết, đây là nguồn năng lượng carbon thấp duy nhất đã được chứng minh, nó có thể mở rộng và rất đáng tin cậy để triển khai trên quy mô toàn cầu. Năng lượng hạt nhân có thể đóng vai trò then chốt nếu thế giới muốn giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí.

Không chỉ là đáp án cho bài toán mang tên biến đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân còn hướng tới sự phát triển bền vững. Bởi công dụng của công nghệ hạt nhân vượt xa việc cung cấp năng lượng carbon thấp. Nó giúp kiểm soát sự lây lan của bệnh tật, hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, và cung cấp năng lượng cho các sứ mệnh đầy tham vọng nhất của chúng ta là khám phá không gian.

Những công dụng đa dạng này đưa công nghệ này vào trọng tâm của các nỗ lực trên thế giới nhằm đạt được sự phát triển bền vững.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới