Mỹ triển khai biến thể bom hạt nhân B61-12 tại các căn cứ quân sự ở châu Âu.
Mỹ vừa hoàn tất việc hiện đại hóa dòng vũ khí nhiệt hạch chính của mình, theo tuyên bố của Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ (NNSA).
Biến thể bom trọng lực B61-12 đã được triển khai tại các căn cứ quân sự ở châu Âu trong khuôn khổ chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO.
Dòng bom B61 đã phục vụ hơn nửa thế kỷ. Chương trình Kéo dài tuổi thọ B61-12, khởi động từ năm 2008, nhằm nâng cấp cả thành phần hạt nhân và phi hạt nhân, giúp kéo dài tuổi thọ của bom thêm ít nhất 20 năm. Đầu tháng này, NNSA thông báo đã hoàn thành sản xuất đơn vị cuối cùng của biến thể B61-12.
“Những quả bom trọng lực B61-12 mới đã được triển khai hoàn toàn tại tiền tuyến. Chúng tôi tăng cường khả năng hạt nhân của NATO thông qua các chuyến thăm và hợp tác thường xuyên” – Giám đốc NNSA Jill Hruby phát biểu tại Viện Hudson, RT đưa tin.
Bà Hruby không cung cấp chi tiết về “triển khai hoàn toàn tại tiền tuyến” nhưng các biến thể B61 trước đây đã được lưu trữ tại Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga ước tính có ít nhất 150 quả bom như vậy đang hiện diện tại châu Âu.
Bên cạnh đó, Mỹ dự kiến triển khai bom B61-12 tại Anh. Các báo cáo cho biết Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng xây dựng cơ sở mới tại căn cứ không quân Hoàng gia Anh ở Lakenheath, Suffolk, để lưu trữ loại bom này.
“Quan hệ đối tác chiến lược với Anh rất vững mạnh, cũng như cam kết của họ đối với khả năng răn đe hạt nhân” – bà Hruby nói.
Tháng 11 năm ngoái, Lầu Năm Góc công bố điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân, bao gồm tăng cường hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Ohio và phát triển bom trọng lực B61-13 để đối phó các mục tiêu quân sự lớn và khó khăn hơn. NNSA đã bắt đầu chuyển sang sản xuất loại bom này.
Nga liên tục chỉ trích các hoạt động quân sự của Mỹ, cảnh báo rằng triển khai vũ khí hạt nhân trên toàn cầu có thể dẫn đến phản ứng tương xứng. Tổng thống Vladimir Putin đã sửa đổi học thuyết hạt nhân của Nga, nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào Nga hoặc đồng minh với sự hỗ trợ của quốc gia hạt nhân sẽ được xem là hành động chiến tranh chung.
Những thay đổi nói trên đã được Nga chấp thuận sau khi Mỹ và một số quốc gia phương Tây cho phép Ukraina sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất để tấn công sâu vào Nga, bất chấp cảnh báo của Mátxcơva rằng điều này sẽ làm leo thang xung đột và dẫn đến việc NATO trực tiếp tham gia vào các cuộc giao tranh.
Nga cũng đã tiến hành một “cuộc thử nghiệm chiến đấu” tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik mới nhất của mình nhằm vào một nhà máy quân sự ở Ukraina, nhằm đáp trả các cuộc tấn công xuyên biên giới của Kiev bằng hệ thống ATACMS và HIMARS do Mỹ sản xuất, cũng như tên lửa Storm Shadow/SCALP của Anh-Pháp.
Tháng trước, Nga và Belarus hoàn tất hiệp ước an ninh, theo đó củng cố kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik tại Belarus vào năm 2025. Những tên lửa mà Mátxcơva tuyên bố không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ hiện tại của phương Tây, có khả năng tấn công các mục tiêu trên khắp châu Âu trong vòng vài phút.
T.P