Thiệt hại kinh tế do tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM và Hà Nội được ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, bao gồm chi phí nhiên liệu lãng phí, thiệt hại thời gian làm việc, hao tổn máy móc và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Ùn tắc giao thông là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến các đô thị trên toàn cầu, gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường và chất lượng sống. Đây là vấn đề toàn cầu phải đối mặt từ lâu.
Theo các báo cáo từ nhiều tổ chức, tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ là gánh nặng với người dân mà còn tiêu tốn nguồn lực to lớn của quốc gia.
Thiệt hại kinh tế trực tiếp
Theo tính toán của Texas A&M Transportation Institute (TTI) năm 2023, ùn tắc giao thông ở Mỹ gây thiệt hại kinh tế trung bình hơn 160 tỷ USD mỗi năm.
INRIX- Hãng cung cấp thông tin về giao thông và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và kinh tế (CEBR) của Mỹ cũng cho biết, thiệt hại sẽ còn tăng lên mức 186 tỷ USD nếu không có bất kỳ giải pháp nào được đưa ra. Con số này bao gồm chi phí nhiên liệu lãng phí, thiệt hại thời gian làm việc và hao tổn máy móc.
Tại Anh, INRIX ước tính rằng tình trạng ùn tắc giao thông ở London năm 2022 đã khiến kinh tế thất thoát hơn 5 tỷ Bảng Anh. Các chuyên gia của INRIX nhận định, trung bình mỗi người London đã lãng phí 156 giờ mỗi năm do ùn tắc.
Tại Việt Nam, đặc biệt ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông đã gây thiệt hại nghiêm trọng.
Theo một báo cáo từ Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông, lượng xe máy và ô tô tăng nhanh đã khiến mạng lưới giao thông đô thị không kịp phát triển. Tình trạng kẹt xe đã khiến người dân mất trung bình 2-3 giờ mỗi ngày để di chuyển.
Theo Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, thiệt hại kinh tế do tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM và Hà Nội được ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu bị lãng phí chiếm tới 30-35% tổng chi phí giao thông hàng ngày. Các cơ quan chức năng ở hai thành phố dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa thể giải quyết được tình trạng này.
Vào năm 2022, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, qua nghiên cứu của đơn vị và Viện Nghiên cứu phát triển TP, mỗi năm TP. HCM thiệt hại khoảng 6 tỷ USD vì tình trạng ùn tắc giao thông. Cụ thể, qua tính toán của Sở và Viện Nghiên cứu phát triển, TP mỗi năm thiệt hại khoảng 138.000 tỷ đồng vì tình trạng ùn tắc giao thông.
Tại Thủ đô Hà Nội, ùn tắc giao thông cũng được xem là vấn nạn đô thị ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Theo Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải, một số nghiên cứu cho thấy thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội vào khoảng 1,2 tỷ USD/năm (số liệu năm 2018). Hiện nay con số này đã tăng lên 3 tỷ USD/năm.
Đối với doanh nghiệp, ùn tắc giao thông còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics và vận tải. Theo một nghiên cứu do Trường đại học Giao thông Vận tải thực hiện, các doanh nghiệp logistics tại TP.HCM đã gánh chịu chi phí gia tăng tới 15 – 20% do ùn tắc giao thông trong giai đoạn cao điểm.
Ngoài những thiệt hại trực tiếp, tình trạng ùn tắc giao thông còn gây hậu quả dài hạn. Chẳng hạn, để đầu tư mới cơ sở hạ tầng nhẳm giảm ùn tắc, các chính phủ đã tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mỗi năm, các nước OECD dành trung bình 3-5% GDP để khắc phục hậu quả giao thông.
Giải pháp đối phó với ùn tắc giao thông hiện nay
Nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp như đầu tư hạ tầng giao thông công cộng, phát triển các hệ thống giao thông thông minh và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp hoặc đi bộ.
Chẳng hạn, Singapore đã áp dụng hệ thống thu phí giao thông điện tử (ERP) nhằm giảm tải xe trong giờ cao điểm, đánh thuế theo mức độ giao thông cụ thể.
Các quốc gia khác như Hà Lan và Thụy Điển đã đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, nhất là hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm hiện đại.
Tại Mỹ, nhiều thành phố đã triển khai các hệ thống giao thông thông minh (ITS), bao gồm đèn giao thông tự động thích nghi điều phối theo dòng xe, cùng các ứng dụng công nghệ số hỗ trợ người lái xe tìm tuyến đi tối ưu.
Tại Việt Nam, Sở GTVT cho biết qua thống kê, từ ngày 1/1/2025 đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông có xu hướng tăng so với thời điểm cuối năm 2024. Lượng tăng trung bình từ 2,8 đến 11,4% tại các khu vực Trung tâm TP.
Phát triển hạ tầng giao thông công cộng được cho là một điểm mấu chốt, như tuyến metro tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo đánh giá của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, tỷ lệ đảm nhận vận chuyển của các loại hình vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội trong năm 2022, chỉ chiếm gần 15% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó, xe buýt thường chiếm 12,2%.
Hà Nội từng đặt mục tiêu xây dựng 7 vành đai lớn song hiện chỉ có vành đai 3, khiến áp lực gồng gánh trở nên quá tải. Dự án vành đai 4, với tổng chiều dài 112,8 km, được khởi công vào giữa năm 2023 và dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành đường song hành Vành đai 4 vào quý 4 năm 2025, sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu.
TP. HCM cũng triển khai các dự án đường Vành đai 3, 4. Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM dài hơn 76km đã được Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư, với tổng mức dự toán là 75.378 tỉ đồng. Nếu dự án này giải quyết được một phần bài toán ùn tắc giao thông ở TP. HCM, đầu tư về hạ tầng giao thông tốt hơn thì thiệt hại kinh tế do ùn tắc giảm đi.
Tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM dài 207 km đi qua 5 tỉnh, thành, gồm TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu, để giải quyết bài toán ùn tắc ở khu vực kinh tế động lực Đông Nam bộ. Tổng chiều dài tuyến đường này gần 207 km, với khái toán tổng mức đầu tư hơn 136.000 tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án giao thông phía Nam từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện các tuyến cao tốc quốc gia là biện pháp mà Chính phủ đang tiến hành ráo riết. Hiện cả nước đang thi công 1.700 km cao tốc, trong đó có một số tuyến vừa đưa vào hoạt động. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án để hoàn thành thêm khoảng 1.200 km cao tốc, bảo đảm thực hiện mục tiêu có ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025.
Kể từ khi Nghị định 168 về tăng mức xử phạt vi phạm giao thông có hiệu lực, ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, tình trạng lưu thông không tuân thủ theo hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông và vạch kẻ đường đã hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, với mật độ lưu lượng phương tiện tăng cao, bề rộng mặt đường nhiều nơi hẹp dẫn đến phương tiện dừng chờ kéo dài.
Ùn tắc không chỉ là vấn đề giao thông mà còn đáng lo ngại về mặt kinh tế và xã hội. Việc hiểu rõ và áp dụng các biện pháp hữu hiệu sẽ góp phần giảm thiệt hại và tăng cường chất lượng sống cho người dân.
T.P