Ngày đầu tiên nhậm chức ngoại trưởng Mỹ, ông Marco Rubio đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo. Theo giới quan sát, đây là tín hiệu quan trọng về hướng đi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á.
Không chỉ thể hiện sự cam kết đối với các đồng minh truyền thống, đây còn là một thông điệp mạnh mẽ về sự quan tâm của Mỹ đối với an ninh và ổn định tại khu vực Biển Đông, nơi đang ngày càng trở nên căng thẳng bởi các hành động leo thang của Trung Quốc.
Trong cuộc điện đàm, ngoại trưởng Rubio nhấn mạnh “những cam kết vững chắc của Mỹ đối với Philippines” trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa hai nước, được ký kết từ năm 1951, một trụ cột quan trọng trong mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines.
Việc Ngoại trưởng Rubio lựa chọn Philippines làm một trong những quốc gia đầu tiên để liên lạc sau khi nhậm chức cho thấy Washington đang ưu tiên củng cố mối quan hệ với các đối tác chiến lược tại khu vực. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục xây dựng và quân sự hóa các cấu trúc nhân tạo tại Biển Đông, có lẽ, Mỹ và các đồng minh thấy rằng cần tăng cường hợp tác để bảo vệ lợi ích chung, đặc biệt là tự do hàng hải và duy trì luật pháp quốc tế.
Giới phân tích còn tìm thấy khía cạnh mang tính biểu tượng trong động thái của tân ngoại trưởng Mỹ. Có cơ sở để cho rằng: Washington muốn “nhắc nhở” Bắc Kinh rằng, việc chuyển giao Nhà Trắng không hề khiến Mỹ sao nhãng, mà vẫn đang theo dõi sát sao các diễn biến tại khu vực. Đặc biệt, việc đề cập đến “những hành động nguy hiểm” ở Biển Đông trong cuộc trao đổi với ông Enrique Manalo cho thấy chính quyền mới của ông Donald Trump không hề ngần ngại nêu tên và chỉ trích các hành động làm gia tăng căng thẳng tại khu vực nhiều tranh chấp và xô xát này.
Đối với Philippines, cuộc điện đàm này đến vào thời điểm quan trọng. Chính quyền Manila, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr., thời gian qua, đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời tìm cách tăng cường quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là lúc Philippines cũng đối mặt với những thách thức nội bộ, bao gồm áp lực từ các nhóm trong nước kêu gọi chính quyền cần cân bằng giữa việc duy trì quan hệ với Mỹ và không làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.
Trong bối cảnh đó, sự cam kết mạnh mẽ từ phía Mỹ không chỉ củng cố niềm tin của chính phủ Philippines mà còn tạo thêm động lực cho Manila trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đồng thời, nó cũng giúp chính quyền Marcos Jr. có thêm tiếng nói trong ASEAN, khi tổ chức này đang đối mặt với sự chia rẽ về cách ứng phó với Trung Quốc.
Cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng không thể tách rời khỏi bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp; thậm chí, có thể còn sẽ thấp hơn nữa trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump, theo dự báo của nhiều nhà quan sát. Việc Mỹ tiếp tục củng cố liên minh quân sự tại Đông Nam Á có thể khiến Bắc Kinh gia tăng các hành động đối phó. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ leo thang căng thẳng, không chỉ tại Biển Đông mà còn trên các lĩnh vực khác như thương mại và công nghệ. Dù vậy, với Washington, đây vẫn là một bước đi cần thiết để ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, cuộc trao đổi này cũng đặt ra câu hỏi về vai trò của các quốc gia khác trong việc duy trì ổn định tại Biển Đông. Nhật Bản, Úc và các đối tác EU từng đã thể hiện sự quan tâm thông qua các cuộc tập trận chung và tuyên bố ủng hộ luật pháp quốc tế. Như vậy, có thể nói, Mỹ củng cố quan hệ với Philippines không chỉ là vấn đề song phương mà còn là một phần của chiến lược rộng lớn hơn để tạo ra một mạng lưới đối tác nhằm đối phó với các thách thức khu vực.
Mặc dù những cam kết của Mỹ là tín hiệu tích cực, nhưng cũng không thể phủ nhận các thách thức với chính Washington. Đầu tiên, việc cân bằng giữa duy trì hòa bình và không làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc là một bài toán khó, khiến ông Trump và nội các mới phải đau đầu. Một chiến lược quá cứng rắn có thể dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh, trong khi một lập trường mềm mỏng có thể làm giảm lòng tin của các đồng minh.
Thứ hai, việc thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ chung cũng đòi hỏi sự đồng thuận chính trị trong nội bộ Philippines, nơi vẫn tồn tại những ý kiến trái chiều về mối quan hệ với Mỹ. Chính quyền Marcos Jr. sẽ cần thuyết phục không chỉ các nhóm chính trị mà còn cả công chúng về lợi ích lâu dài của việc hợp tác này.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Mỹ và Philippines định hình lại mối quan hệ, không chỉ dựa trên yếu tố quân sự mà còn trên các lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục và văn hóa. Sự phát triển toàn diện trong quan hệ song phương sẽ không chỉ củng cố vị thế của hai nước mà còn góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Tóm lại, cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo vừa qua là một sự kiện quan trọng. Không chỉ khẳng định cam kết của Mỹ đối với Philippines, sự kiện này còn gửi đi một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ đối với tự do hàng hải và luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Trong bối cảnh tình hình khu vực đầy biến động, sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai quốc gia không chỉ mang lại lợi ích song phương mà còn được kỳ vọng giúp khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn này ổn định và hòa bình hơn.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, cả Mỹ và Philippines đều sẽ phải đối mặt với những thách thức nội bộ và quốc tế. Washington và Manila có vượt qua được hay không, câu trả lời còn phải chờ thêm thời gian.
T.V