Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ‘Kỷ nguyên vàng của nước Mỹ bắt đầu ngay bây giờ’, khẳng định sự trở lại ấn tượng của mình tại Nhà Trắng và cam kết đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.
“Tôi đã được Chúa cứu để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” – phát biểu này đã đánh dấu sự kiện ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ lần thứ hai vào ngày 20-1.
Một kỷ nguyên mới được ông Trump khởi động ngay với hàng loạt sắc lệnh hành chính được ký ban ngay những giờ đầu tiên sau khi đăng quang.
Bắt tay ngay với 200 sắc lệnh
Chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức, ông Trump đã ký khoảng 200 sắc lệnh hành pháp, bao gồm việc hủy bỏ 78 sắc lệnh thời ông Biden và áp dụng các chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Các vấn đề từ nhập cư, môi trường cho đến chiến tranh văn hóa đều nằm trong phạm vi điều chỉnh.
Đặc biệt, ông Trump đã ký sắc lệnh ân xá cho khoảng 1.500 người liên quan vụ bạo loạn tại Đồi Capitol vào ngày 6-1-2021 – sự kiện xảy ra tại chính tòa nhà nơi ông vừa tuyên thệ nhậm chức.
Ngoài ra ông cũng đình chỉ đạo luật cấm TikTok trong vòng 75 ngày, rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng như tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía Nam và về năng lượng.
Trên mạng xã hội Truth Social đầu ngày 21-1, ông Trump thông báo sa thải 4 quan chức cấp cao do ông Biden bổ nhiệm và cho biết sẽ làm điều này với hơn 1.000 người nữa – những người mà theo ông là “không phù hợp với tầm nhìn “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của chúng tôi”.
Các nguồn tin từ Đài CNN cho biết từ trước ngày nhậm chức, ông Trump đã cân nhắc áp dụng Đạo luật Quyền hạn khẩn cấp kinh tế quốc tế (IEEPA), nhằm áp đặt các mức thuế quan rộng rãi để tái cân bằng thương mại toàn cầu – một quyết định đầy tranh cãi nhưng thể hiện tầm nhìn mạnh mẽ của ông.
Ông Trump đã bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với một tầm nhìn đầy tham vọng, không chỉ cho nước Mỹ mà còn với vị thế toàn cầu. Tuy nhiên hành trình phía trước không hề dễ dàng, với các thách thức từ trong nước và quốc tế đang chờ đợi.
‘
Rào cản pháp lý và chính trị
Mặc dù được hỗ trợ bởi Tòa án tối cao với 1/3 trong số 9 thẩm phán là những người được ông bổ nhiệm, ông Trump vẫn đối mặt với thách thức từ Quốc hội bị chia rẽ và các vụ kiện tụng tiềm tàng.
Một số đề xuất của ông như rút Mỹ khỏi các thỏa thuận quốc tế và hạn chế nhập cư đã vấp phải sự phản đối từ các nhóm vận động lớn, từ nhóm hoạt động vì môi trường Sierra Club cho đến Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ.
Tuy nhiên, đội ngũ cố vấn của ông Trump khẳng định họ đã chuẩn bị tốt hơn để thực hiện tầm nhìn nhiệm kỳ hai so với lần đầu tiên – thời điểm cuộc đấu đá nội bộ của Đảng Cộng hòa và sự thiếu tầm nhìn xa đã dẫn đến những trục trặc tại tòa án và Quốc hội Mỹ. Các đồng minh của ông cho rằng lần này ông có lợi thế nhờ kinh nghiệm và sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ cử tri lẫn các thẩm phán mà ông từng bổ nhiệm.
Khác với bài phát biểu của ông Trump 8 năm trước, bài phát biểu ngày 20-1-2025 lạc quan hơn cùng những tham vọng táo bạo, bao gồm “cắm cờ Mỹ trên sao Hỏa”. Nhưng để đạt được mục tiêu này, ông phải vượt qua hàng loạt rào cản pháp lý và chính trị.
Trung Quốc và các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang cẩn trọng trước nhiệm kỳ hai của ông Trump. Theo phóng viên Nicole Johnston của Đài Sky News, Bắc Kinh hy vọng sẽ hợp tác với Mỹ trong thương mại nhưng không giấu sự lo ngại về cách tiếp cận cứng rắn của ông.
Với châu Âu, sự trở lại của ông Trump như một sự “tái khởi động” trong quan hệ chính trị, thương mại và an ninh. Tuy nhiên, những hứa hẹn như nhanh chóng chấm dứt xung đột Nga – Ukraine và áp đặt các mức thuế quan mạnh tay vẫn là những dấu hỏi lớn. Câu hỏi là liệu hành động của ông Trump sắp tới có giống với lời nói hay không.
Đặc biệt các nước thành viên NATO cũng theo dõi sát sao mọi động thái của ông Trump, nhất là khi ông yêu cầu họ tăng chi tiêu quốc phòng. Mặc dù vậy, nhiều nước châu Âu cho rằng sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương vẫn là yếu tố không thể thiếu để duy trì ổn định khu vực.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, những bước đi đầu tiên trong nhiệm kỳ mới cho thấy sự quyết tâm của ông Trump trong việc đưa nước Mỹ đạt đến một kỷ nguyên phát triển mới. Câu hỏi lớn đặt ra là liệu ông có thể vượt qua các rào cản để thực hiện những cam kết của mình.
Sự trở lại của ông Trump không chỉ là một câu chuyện chính trị, mà còn là bài kiểm tra lớn về khả năng hiện thực hóa các cam kết táo bạo. Với sự hỗ trợ từ đội ngũ cố vấn dày dạn và một Tòa án tối cao bảo thủ, liệu ông có thể vượt qua rào cản để đưa nước Mỹ thực sự bước vào kỷ nguyên vàng?
Thị trường toàn cầu dè dặt
Thị trường tài chính thế giới đang nín thở theo dõi những động thái đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trái với dự đoán về việc áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc, trước mắt ông chỉ yêu cầu điều tra thâm hụt thương mại của Mỹ, làm dấy lên hy vọng về một cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể được tránh né.
Tuy nhiên căng thẳng vẫn hiện hữu khi ông Trump đe dọa áp thuế 25% lên hàng hóa Canada và Mexico từ ngày 1-2, đồng thời tuyên bố sẽ giảm thâm hụt thương mại với EU thông qua thuế quan hoặc tăng xuất khẩu năng lượng.
Ông Tai Hui, chiến lược gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại JP Morgan Asset Management, cảnh báo: “Các nhà đầu tư cần chuẩn bị cho những thay đổi chính sách đột ngột trong những tuần tới, dù chính quyền mới dường như đã nhận thức được tác động tiêu cực của thuế quan”.
Phản ứng trước những diễn biến này, thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương diễn biến trái chiều: Thượng Hải, Singapore và Seoul giảm điểm trong khi Tokyo, Sydney và Jakarta tăng.
Tại châu Âu, London tăng nhẹ nhưng Frankfurt và Paris lại suy giảm. Đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền chính, đặc biệt là đồng peso Mexico và đô la Canada. Giá dầu cũng chịu áp lực giảm, với dầu WTI mất 1,2%, còn 76,98 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,3% xuống 79,91 USD/thùng.
Bitcoin và các loại tiền điện tử khác, bao gồm cả $Trump, cũng chịu tác động tiêu cực khi không có sắc lệnh nào liên quan đến lĩnh vực này. Bitcoin đã lập đỉnh 109.071 USD trong lễ nhậm chức nhưng sau đó giảm xuống 101.705,40 USD.
T.H