Tuesday, April 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiReam: Mỹ “thúc thủ”?

Ream: Mỹ “thúc thủ”?

Việc Trung Quốc đưa thêm hai tàu chiến cập cảng Ream không chỉ là một sự kiện quân sự đơn thuần, mà còn là một lời tuyên bố mạnh mẽ: Bắc Kinh đã cắm rễ vững chắc tại đây.

Hai tàu của Trung Quốc được cho là đậu tại cầu tàu hôm 17/2/2025 nơi hai tàu hộ vệ khác ở bên phải của cầu tàu đã xuất hiện từ năm ngoái

Trong khi đó, Mỹ – từng là một thế lực áp đảo trong khu vực – lại dường như bất lực trước sự lấn lướt của đối thủ. Phải chăng, Washington đã thực sự “thúc thủ”?

Ngày 16/2, hình ảnh vệ tinh từ tổ chức AMTI (Asia Maritime Transparency Initiative) cho thấy hai chiến hạm Trung Quốc, bao gồm một tàu hộ vệ Type 054A và một tàu đổ bộ Type 071, đã xuất hiện tại căn cứ hải quân Ream. Đây là lần đầu tiên có bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện của các tàu chiến Trung Quốc tại quân cảng này, làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh có thể đang âm thầm thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài sát Biển Đông. Nghi vấn đáng chú ý: sự kiện này diễn ra chỉ vài tháng sau khi Campuchia hoàn tất việc nâng cấp cảng với sự hỗ trợ từ Trung Quốc.

Năm 2019, Mỹ từng ngỏ ý hỗ trợ nâng cấp Ream nhưng bị Campuchia thẳng thừng từ chối. Ngay sau đó, Phnom Penh cho phá bỏ các cơ sở hải quân do Washington tài trợ trước đó – một động thái ví như tín hiệu rõ ràng rằng Campuchia đã chọn con đường khác – con đường dẫn đến Bắc Kinh. Đến năm 2020, thông tin về một thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc sử dụng Ream trong 30 năm xuất hiện. Dù cả Bắc Kinh và Phnom Penh đều bác bỏ, nhưng những hình ảnh vệ tinh, những công trình mở rộng với sự tham gia của kỹ sư Trung Quốc, và nay là sự hiện diện của các chiến hạm, dường như đã thay lời xác nhận.

Tại sao Trung Quốc lại khao khát Ream đến vậy? Câu trả lời nằm ở vị trí chiến lược của căn cứ này. Nằm bên bờ Vịnh Thái Lan, Ream không chỉ giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng xuống Biển Đông mà còn tạo ra một điểm tựa cho chiến lược “chuỗi ngọc trai” – mạng lưới các căn cứ và cảng biển phục vụ mục tiêu kiểm soát hàng hải của Trung Quốc. Nếu thực sự kiểm soát được Ream, Bắc Kinh sẽ có một bàn đạp mới để đối phó với Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Ngược lại, Mỹ nhìn thấy gì từ Ream? Đây từng là một quân bài quan trọng giúp Washington duy trì thế cân bằng ở Đông Nam Á. Nhưng khi Trung Quốc nắm thế chủ động, Mỹ không còn nhiều lựa chọn. Việc hai chiến hạm Trung Quốc hiện diện tại đây chẳng khác nào một con dao găm cắm vào vùng ảnh hưởng của Washington – một bước lấn tới mà nước Mỹ dường như không thể ngăn cản.

Trung Quốc “thắng lợi” tại Ream, nhưng điều đó không có nghĩa Mỹ sẽ khoanh tay đứng nhìn. Nếu không thể bám trụ tại Campuchia, Washington có thể tăng cường quan hệ với các nước khác trong khu vực. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia đều là những đối tác tiềm năng để kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh. Trong năm qua, Mỹ đã liên tục gia tăng hợp tác quốc phòng với Hà Nội và ký kết thêm thỏa thuận với Manila. Đây có thể là những quân cờ mà Washington đặt cược để đối trọng với thế trận đang thay đổi.

Mặt khác, Mỹ vẫn có thể gây áp lực lên Campuchia thông qua các biện pháp ngoại giao và kinh tế. Tháng 11/2021, Washington đã từng trừng phạt một số quan chức Campuchia liên quan đến dự án Ream. Trong tương lai, những động thái cứng rắn hơn hoàn toàn có thể diễn ra. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: điều đó liệu có thực sự thay đổi được cục diện?

Là nước láng giềng của Campuchia và cũng là một trong những đối thủ chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam không thể không lo ngại trước sự kiện này. Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Ream đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thêm một bàn đạp để triển khai lực lượng hải quân gần hơn với Biển Đông. Điều này tạo ra những nguy cơ mới đối với an ninh hàng hải và chủ quyền của Việt Nam.

Một trong những mối đe dọa rõ ràng nhất là khả năng Trung Quốc sử dụng Ream như một trạm trung chuyển cho các chiến dịch quân sự hoặc tuần tra tại Biển Đông, tăng thêm áp lực đối với Việt Nam trong các tranh chấp tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngoài ra, sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ngay sát biên giới biển phía nam cũng có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là đánh bắt cá và khai thác dầu khí của quốc gia hình chữ S.

Trước tình thế này, Việt Nam có thể sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ quốc phòng với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản và Úc nhằm đối trọng với Trung Quốc. Có lẽ vì thế, trong thời gian qua, Hà Nội đã liên tục tăng cường hợp tác quân sự với Washington, bao gồm việc Mỹ chuyển giao tàu tuần tra và hỗ trợ nâng cao năng lực quốc phòng. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN nhằm xây dựng một thế trận chung, tránh để Bắc Kinh tiếp tục bành trướng ảnh hưởng trong khu vực.

Tóm lại, sự hiện diện của hai chiến hạm Trung Quốc tại Ream mới đây là một lời cảnh báo nghiêm túc về sự dịch chuyển quyền lực tại Đông Nam Á. Nó cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng táo bạo hơn, sẵn sàng mở rộng tầm ảnh hưởng bằng mọi cách. Nhưng đồng thời, đây cũng là phép thử để kiểm chứng phản ứng của Washington. Mỹ có thể đã “thua” một trận, nhưng liệu họ có chịu lép vế trước Trung Quốc trong cả điều có thể gọi là “cuộc chiến” trên Biển Đông? Câu trả lời vấn còn ở phía trước.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới