“Hàm hồ” là cách nói lịch sự. Thật ra với trường hợp của ông Quách Gia Khôn – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc- thì phải nói là “ăn không nói có”, khiến người khác phải hàm oan, tức là có khả năng “vỡ quai hàm” về lâu về dài.

Từ lâu ai cũng biết rằng, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tòa trọng tài Liên hợp quốc (PCA) vào tháng 6/2013 đã xổ toẹt cái “Đường lưỡi bò” trên Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ ra. Thế nhưng, hễ cứ quốc gia nào tiến hành các hoạt động hợp pháp trên các thực thể của mình là y như rằng Bắc Kinh lại la ó , phản đối. Họ cho rằng, các người đã làm sai rồi, đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của chúng tôi.
Ông Quách Gia Khôn hôm 19/2 đã “kịch liệt phản đối những diễn biến gần đây của Việt Nam tại quần đảo Nam Sa” (Trường Sa của Việt Nam). Ông này cho rằng, quần đảo Nam Sa gồm hơn 100 đảo lớn nhỏ, hoặc rạn san hô. Bãi cạn Bách Tiêu là thực thể lớn thứ tư ở quần đảo này. Việt Nam đã bất chấp luật pháp, tăng cường cải tạo tại Bãi Thuyền Chài (Trung Quốc gọi là bãi cạn Bách Tiêu). Bãi/đá Thuyền Chài là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Trung Quốc. Từ lâu Việt Nam đã kiểm soát thực thể địa lý này và quy thuộc nó vào địa phận thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Cụ thể, Bãi Thuyền Chài được phân loại là một Đá theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), lần đầu tiên được Hà Nội tuyên bố chủ quyền vào năm 1987.
Ông Quách ngang ngược nói rằng, Bãi này là của Trung Quốc vì nó có tên là… Bách Tiêu, nó là của người Hán từ thời thượng cổ, từ nay và mãi mãi thuộc về quần đảo Nam Sa (!). Nhân đây ông vu cáo Việt Nam rằng, Việt Nam đang xây dựng tại đây một cảng mới, đủ độ sâu cho tầu chiến ra vào. Công việc này được tiến hành một cách bài bản, thông qua một dự án kéo dài ba năm nay, vô hình trung “tạo rủi ro về xung đột trên Biển Đông”. Số liệu căn cứ vào một nghiên cứu của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc.
Cũng theo ông Quách, các công trình khoa học về việc làm cảng ở Bách Tiêu đã được công bố trên tạp chí Hải dương học nhiệt đới, hôm 13/2. Các tàu nạo vét của Việt Nam hiện đang neo đậu ở đầm phá tự nhiên của bãi cạn Bách Tiêu. Việt Nam đã có những “hành động chưa từng thấy” khi họ “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, cho đổ một lượng cát khổng lồ mỗi ngày. Chiều dài của rạn san hô khá dài 23,5 km với 63,8 km vuông bãi ngầm. Nó còn lớn hơn Manhattan (được ví như một hạt của tiểu bang Hoa Kỳ New York. Quận này bao gồm chủ yếu đảo Manhattan được vây quanh bởi các sông Hudson, Đông, và Harlem). Vì vậy, bãi cạn Thuyền Chài có giá trị chiến lược vô cùng quan trọng. Trữ lượng dầu khí ở đây lớn hơn nhiều lần các đảo lân cận.
Mặc cho Bắc Kinh nhiều lần dọa dẫm sẽ “đòi lại” Trường Sa, Việt Nam luôn xác định rằng, phải kiên quyết bảo vệ, giữ vững chủ quyền. Đối với Việt Nam, các căn cứ này tạo ra một vành đai an ninh ở xa lãnh thổ. Hà Nội sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể về ngoại giao, quân sự, để bảo đảm bảo vệ, giữ gìn các lợi ích chính đáng ở Biển Đông.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng chính thức, nhưng theo các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, Bắc Kinh đã tiếp tục có những hành động “vu cáo, bóp méo sự thật”. Hành động này đi ngược với đường lối, chủ trương mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất, làm mất an ninh trên Biển Đông, gây ra những phức tạp không đáng có. Hẳn ông Quách chưa quên hai nước đã nhất trí tăng cường hợp tác về các vấn đề an ninh trong động thái hướng tới xây dựng một cộng đồng “chia sẻ tương lai” trong chuyến đi tới Hà Nội vào tháng 12 năm ngoái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chính Trung Quốc mới là người vừa làm bậy, vừa tung hỏa mù, gây leo thang căng thẳng. Vậy mà, ở đâu có diễn đàn quốc tế là họ tranh thủ loa lên rằng họ là “nạn nhân” họ bị “ức hiếp”.
Cần nói rõ rằng, việc Việt Nam bồi đắp đảo, xây dựng cảng là hoàn toàn hợp pháp, phù hợp với UNCLOS. Việc bồi đắp không làm thay đổi tình trạng trước đó của thực thể địa lý. Nếu trước đó là bãi nửa chìm nửa nổi (LTE), hay bãi đá thì sau vẫn hoàn toàn như thế. Bãi được bồi đắp không có nghĩa nó sẽ hóa thân thành đảo, bởi đã là đảo thì phải có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế. Thêm nữa, về kinh tế, việc đắp đảo có bến bãi tốt sẽ phục vụ tốt hơn cho việc đánh bắt, chế biến hải sản, tiếp nguyên liệu, làm nơi tránh trú bão cho ngư dân. Về lâu dài có thể khai thác, phát triển du lịch.
Trời, biển, đảo của mình thì mình cứ làm sao cho có lợi nhất. Không ai có quyền ngăn cản.
Những lời ăn nói cũ rích, hàm hồ chỉ tổ thiên hạ chê cười.
H.Đ