Tuesday, April 1, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCục diện châu Âu thay đổi từ thế cuộc Ukraine

Cục diện châu Âu thay đổi từ thế cuộc Ukraine

Những diễn biến nóng liên tục quanh tình hình Ukraine có thể đặt ra sự thay đổi lớn về cục diện ở châu Âu trong thời gian tới.

Ukraine trước nhiều sức ép

Ngày 21.2 (theo giờ Mỹ), trả lời phỏng vấn kênh truyền thanh của Fox News, Tổng thống Mỹ Donald Trump chê bai Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là người mà bao năm qua “chẳng có lá bài nào” khi đàm phán. Bên cạnh đó, dù thừa nhận Nga đã tấn công Ukraine trước, nhưng ông Trump cũng quy trách nhiệm cho Tổng thống Zelensky và các lãnh đạo phương Tây cách đây hơn 3 năm khi nhấn mạnh: “Nga đã tấn công, nhưng lẽ ra họ đừng để xảy ra tấn công”.

Ông Trump nhấn mạnh Tổng thống Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin phải ngồi vào bàn đàm phán. Chủ nhân Nhà Trắng còn kêu gọi Kyiv sớm ký thỏa thuận cho phép Washington ưu tiên tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine.

Không những vậy, Reuters hôm qua (22.2) dẫn một số nguồn tin độc quyền tiết lộ các nhà đàm phán của Mỹ gây sức ép với Kyiv để tiếp cận các khoáng sản quan trọng của Ukraine. Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin khẳng định Washington đã nêu lên khả năng cắt đứt quyền truy cập của Kyiv đối với hệ thống internet vệ tinh Starlink. Được kiểm soát bởi tỉ phú Elon Musk – “cánh tay phải” của ông Trump hiện nay, Starlink cho phép Ukraine có thể tiếp nhận nhiều thông tin quan trọng trong tác chiến. Nếu mất quyền truy cập vào hệ thống này, năng lực chiến đấu của Ukraine có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là một thảm kịch cho Kyiv khi đang bị Nga lấn át mạnh mẽ trên chiến trường.

Mỹ dọa cắt kết nối Starlink để ép Ukraine chấp nhận thỏa thuận khoáng sản?

Bước ngoặt mới của châu Âu?

Trong phân tích gửi đến Thanh Niên, TS Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group (Mỹ) – đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, chỉ ra yêu cầu của Washington đối với nguồn lợi khoáng sản của Ukraine không phải để đảm bảo an ninh tương lai cho Kyiv, mà là để “thu nợ” những gì Mỹ bỏ ra cho Ukraine dưới thời ông Joe Biden.

“Ukraine hiện nhận ra nguy cơ ngày càng tăng về việc ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn với các điều khoản mà Kyiv không thể chấp nhận. Nhưng họ vẫn có quyền tự quyết, bởi cuối cùng sẽ không có lệnh ngừng bắn nào thành hiện thực nếu người Ukraine không từ bỏ chiến đấu. Có lẽ, họ sẽ chỉ hạ vũ khí nếu nhận được sự đảm bảo an ninh trước Nga. Tuy nhiên, ông Trump cũng đã tuyên bố Mỹ sẽ không triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine, có nghĩa là Kyiv phải tìm đến sự đảm bảo an ninh từ châu Âu”, TS Bremmer phân tích thêm.

Vị chuyên gia cho rằng cách mà Washington và Moscow đang đàm phán báo hiệu rằng số phận của Ukraine và châu Âu sẽ do Mỹ và Nga quyết định.

“Tổng thống Putin không chỉ tìm kiếm một thỏa thuận về Ukraine, mà còn muốn một “cuộc đại tu” trật tự an ninh châu Âu. Ông Putin không chỉ nói rõ rằng sẽ không chấp nhận bất kỳ sự ủng hộ nào của phương Tây trên thực địa ở Ukraine (ngay cả với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình), mà còn yêu cầu các điều khoản an ninh rộng lớn được Moscow đưa ra trong tối hậu thư hồi tháng 12.2021. Trong đó bao gồm cả việc NATO rút quân khỏi Đông Âu và các nước thuộc Hiệp ước Warsaw cũ. Trong khi đó, Tổng thống Trump với dấu hiệu xa rời đồng minh châu Âu có vẻ sẽ đáp ứng mong muốn của ông Putin”, TS Bremmer đặt vấn đề.

Theo ông, nếu điều đó xảy ra thì thỏa thuận của Mỹ – Nga chẳng khác nào thỏa thuận từ Hội nghị Yalta diễn ra vào tháng 2.1945 đã phân chia lại thế giới sau Thế chiến 2.

Không chỉ vậy, những gì đang diễn ra xoay quanh Ukraine còn khiến cho các phong trào cực hữu ở châu Âu tăng cao. Trước mắt là cuộc bầu cử dự kiến diễn ra hôm nay (23.2) tại Đức với sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD ẩn chứa kịch bản tạo ra tác động lớn đến chính trị châu Âu.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới