Saturday, March 29, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLá phiếu của Washington: “Nước Mỹ trên hết”

Lá phiếu của Washington: “Nước Mỹ trên hết”

Việc Mỹ cùng Nga bỏ phiếu chống nghị quyết lên án Moscow tại Liên Hợp Quốc cho thấy sự thay đổi thực dụng trong chính sách đối ngoại của Washington.

Phiên họp của Đại hội đồng LHQ nhân tròn 3 năm ngày bùng phát cuộc xung đột Nga – Ukraine

Ngày 24/2/2025, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tiến hành bỏ phiếu về một nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Điều gây ngạc nhiên lớn là Mỹ, cùng với Nga và 16 quốc gia khác, đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.

Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Washington cũng như phản ánh sự thay đổi quan điểm và tính thực dụng trong cách tiếp cận của Mỹ đối với xung đột Ukraine.

Trước đây, Mỹ luôn đứng về phía các đồng minh châu Âu lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu lần này, Mỹ đã chọn đứng về phía Nga, phản đối nghị quyết do Ukraine và Liên minh châu Âu đề xuất. Theo báo cáo, Mỹ đã đề xuất một nghị quyết thay thế, kêu gọi chấm dứt nhanh chóng xung đột và thúc đẩy hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga. Tuy nhiên, sau khi dự thảo này bị các nước châu Âu sửa đổi, Mỹ đã bỏ phiếu chống, cho rằng các thay đổi này chỉ mang tính “khẩu chiến” thay vì giải quyết xung đột thực sự.

Giới phân tích chính trị quốc tế nhận định: sự thay đổi này xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, chính quyền Tổng thống Trump đã thể hiện mong muốn cải thiện quan hệ với Nga, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế và an ninh. Việc bỏ phiếu chống nghị quyết lên án Nga có thể được xem như một bước đi mở đường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán song phương trong tương lai.

Thứ hai, Mỹ có thể đang tìm kiếm lợi ích kinh tế từ Ukraine. Trong các cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Trump đã đề cập đến khả năng đạt được thỏa thuận với Nga để chấm dứt xung đột, đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm của Ukraine như một hình thức “bồi thường” (!) cho sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.

Quyết định của Mỹ đã gây ra sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế. Các đồng minh châu Âu bất ngờ và thất vọng. Tổng thống Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Mỹ và châu Âu, đồng thời kêu gọi một giải pháp hòa bình bền vững cho Ukraine. Ông cũng cảnh báo về nguy cơ leo thang xung đột nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Ukraine hiển nhiên thất vọng trước quyết định của Mỹ. Chính phủ Kiev cho rằng sự thay đổi lập trường của Washington có thể làm suy yếu nỗ lực quốc tế trong việc đối phó với hành động quân sự của Nga, và đặt ra câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với an ninh và chủ quyền của Ukraine.

Việc Mỹ và Nga cùng bỏ phiếu chống lại nghị quyết lên án Moscow có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong quan hệ quốc tế: làm suy yếu sự đoàn kết giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu; tạo ra khoảng cách trong cách tiếp cận đối với xung đột Ukraine. Đồng thời, Nga không thể không coi động thái này là cơ hội để tranh thủ gia tăng các hành động quân sự tại Ukraine, nhằm có thêm lợi thế trong bàn đàm phán nay mai.

Sự thay đổi quan điểm của Mỹ còn được cho là sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc an ninh toàn cầu. Các quốc gia khác có thể xem đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng thay đổi lập trường vì lợi ích thực dụng, dẫn đến sự mất lòng tin và tăng cường cạnh tranh giữa các cường quốc.

Không nghi ngờ gì nữa, quyết định bỏ phiếu chống của Mỹ phản ánh một chiến lược ngoại giao thực dụng và linh hoạt. Với phương châm “nước Mỹ trước hết”, Chính quyền Tổng thống Trump cho thấy, nói là làm, họ đang ưu tiên lợi ích quốc gia và tìm kiếm các giải pháp nhanh chóng cho các xung đột quốc tế, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc thay đổi lập trường truyền thống và gây ra sự bất đồng với các đồng minh.

Mặc dù động thái này có thể mang lại lợi ích ngắn hạn trong việc cải thiện quan hệ với Nga và tìm kiếm lợi ích kinh tế, nhưng nó cũng đặt ra những thách thức đối với quan hệ với các đồng minh truyền thống và cấu trúc an ninh quốc tế, trong đó có câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với các giá trị dân chủ và nhân quyền, cũng như sự tin cậy của các đồng minh đối với Washington.

Những diễn biến mới và nóng trên cho thấy, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, việc duy trì sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và cam kết quốc tế là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với Mỹ.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới