Wednesday, April 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMiếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột!

Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột!

Vậy là sau những tính toán kỹ lưỡng, như bị dồn đến chân tường, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hôm 26/2 đã chấp nhận dự thảo thỏa thuận khoáng sản với Mỹ. Kiev hi vọng văn kiện này thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với nỗ lực tìm kiếm các bảo đảm an ninh của Ukraine.

Vậy là Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thắng và biết thắng từng bước. Bởi ý tưởng “mua” khoáng sản của Ukraine ban đầu đã bị ông Zelensky từ chối thẳng thừng, coi đó là hành động bán nước.

Mấu chốt để chính quyền của Zelensky gật đầu là ở chỗ: Thỏa thuận khoáng sản giữa hai nước sẽ do Quỹ Đầu tư Tái thiết Ukraine quản lý, với sự chỉ đạo, giám sát của cả Kiev và Washington. Thủ tướng Shmyhal nhấn mạnh, Thỏa thuận có liên quan trực tiếp đến các bảo đảm an ninh cho Ukraine. Tổng thống Zelensky và nội các nước này sẽ không xem xét Thỏa thuận nếu thiếu những cam kết ràng buộc liên quan đến an ninh.

Bản Thỏa thuận khoáng sản dự kiến gồm 6 điều khoản chính, trong đó điều khoản quan trọng nhất là, sẽ thành lập Quỹ đầu tư tái thiết – đây là một phần của cấu trúc an ninh lớn hơn (như việc hỗ trợ Ukraine gia nhập NATO, hoặc đưa ra các bảo đảm thay thế).

Một điều khoản khác là về tài trợ cho Quỹ đầu tư tái thiết. Ukraine sẽ đóng góp 50% số tiền thu được từ tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng liên quan. Số tiền này sẽ được đưa vào Quỹ, dưới sự kiểm soát chung của Mỹ và Ukraine. Được biết đây là “một thỏa thuận cực lớn”, có thể lên đến 1.000 tỷ USD, liên quan đến đất hiếm và nhiều khoáng sản khác.

Cần lưu ý tới điều khoản tiếp theo là “phải công nhận đóng góp của Ukraine cho an ninh quốc tế”. Điều này ngầm ý nhắc tới Bản ghi nhớ Budapest (ký năm 1994). Bản ghi nhớ này khẳng định, Ukraine đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy các cam kết an ninh.

Sau khi Thỏa thuận được thông qua, Tổng thống Zelensky cho hay, “đây là bước khởi đầu quan trọng cho thỏa thuận lớn hơn”. Kiev hi vọng sẽ nhận được sự bảo đảm an ninh chắc chắn từ Washington.

Vì sao ông trùm tỉ phú Donald Trump đã “ngửi” thấy mùi khoáng sản đắt giá ở quốc gia có diện tích lớn nhất châu Âu? Vì rằng quốc gia này xếp thứ 40 trong số các quốc gia khai thác khoáng sản, sở hữu khoảng 5% trữ lượng khoáng sản của thế giới (theo Dữ liệu Khai khoáng Thế giới -WMD, năm 2024). Có tới hơn 100 loại tài nguyên khoáng sản, trong đó có sắt, mangan, than chì, titanium, lithium và uranium. Đặc biệt, lithium và than chì là những nguyên liệu quan trọng cho sản xuất pin điện.

Với cái mũi thính nhạy của mình ông Trump thấy rằng, không thể “cho không, biếu không” vũ khí và tiền bạc để chống lại Nga. Phương ngôn Pháp có câu: “Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”. Mỹ ký Thỏa thuận khoáng sản với Ukraine với cái chủ trương rất mĩ miều “mong sớm kết thúc cuộc chiến đã kéo dài ba năm”. Thế nhưng, thật ra đáp số của nó lại là: lợi nhuận. Chủ yếu Mỹ muốn có đủ nguồn cung các khoáng sản quan trọng, đặc biệt là đất hiếm, lithium, titan và các kim loại quan trọng khác.

Ngoài ra, mục tiêu của Thỏa thuận này có phạm vi rất rộng: Một là, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bởi hiện nay, Trung Quốc kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng trên thế giới. Mỹ muốn tìm kiếm các nguồn cung thay thế, và nguồn cung ấy nằm ngay trong lòng đất Ukraine. Hai là, Mỹ sẽ được tiếng là hỗ trợ Ukraine tái thiết kinh tế, khi Cuộc chiến với Nga đã làm nền kinh tế kiệt quệ, việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản có thể giúp nước này thu hút đầu tư và phục hồi nền kinh tế. Ba là, củng cố quan hệ chiến lược. Mỹ không chỉ hỗ trợ Ukraine về quân sự mà còn mở rộng hợp tác kinh tế. Điều này giúp Ukraine giảm sự phụ thuộc vào Nga và tăng cường liên kết với phương Tây. Bốn là, bảo đảm chuỗi cung ứng cho công nghệ và quốc phòng, một khi các khoáng sản quý này rất quan trọng cho sản xuất pin, thiết bị điện tử, công nghệ quốc phòng và năng lượng tái tạo.

Các nhà bình luận đã đọc vị được Donal Trump. Ông ta đã bắn một mũi tên trúng nhiều đích.

Câu hỏi khác đặt ra: Ngài Donald Trump có thật sự muốn chấm dứt chiến tranh giữa hai nước không? Câu này chỉ có Trump mới trả lời được. Bởi đến hiện tại, cách thức thực hiện của ông vẫn còn gây tranh cãi. Chỉ biết rằng, Trump đang tìm cách cắt giảm viện trợ cho Ukraine. Khi bị cắt hầu bao, Ukraine cầm chắc thất bại, buộc phải nhượng bộ Nga để đạt thỏa thuận hòa bình.

Mặt khác, Trump đang gây áp lực buộc Ukraine đàm phán, thúc ép Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga, thậm chí chấp nhận mất một phần lãnh thổ như Crimea hoặc Donbas để đổi lấy hòa bình. Đồng thời, Trump thỏa thuận với Putin để đạt một kết quả có lợi nhất cho Mỹ. Khi ấy Washington sẽ rảnh tay để đối đầu với Trung Quốc.

Qua đây đủ thấy, Trump đúng là có phong cách của một “con buôn” trong chính trị. Ông đặt lợi ích kinh tế và chiến lược của Mỹ lên trên hết, ngay cả khi điều đó có thể gây bất lợi cho các đồng minh. Ông coi chính trị như một thương vụ làm ăn. Ông coi mọi thứ đều có thể thương lượng, kể cả vấn đề chiến tranh và hòa bình.

Đến đây hình bóng Tổng thống Trump ở nhiệm kỳ 2.0 đã khá rõ. Ông là một nhà đàm phán lạnh lùng hơn là một nhà lãnh đạo mang tư duy đạo đức. Ông không quan tâm quá nhiều đến giá trị công lý hay chính nghĩa. Ông chỉ tập trung vào lợi ích thực dụng. Nếu điều đó giúp Mỹ kiếm bộn tiền và giảm gánh nặng tài chính, ngài tỉ phú lõi đời sẵn sàng thay đổi lập trường, kể cả với Ukraine.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới