Ngày 28/2 cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng đã gây ra nhiều bất ngờ. Từ không khí thân tình lúc đầu chuyển sang căng thẳng, thậm chí phẫn nộ. Nó không chỉ dẫn đến việc Thỏa thuận khoáng sản không được ký kết, mà còn gây nhiều hệ lụy khác.

Nụ cười của Tổng thống Mỹ và Tổng thống Ukraine nhanh chóng biến mất. Sau gần nửa giờ thảo luận, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nêu rõ, tầm quan trọng của ngoại giao trong việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine đã kéo dài trong ba năm qua, hao tổn bao nhiêu xương máu người dân, thiệt hại nặng nề về kinh tế cho cả hai bên.
Như bị điện giật, ông Zelensky hỏi lại Vance về “loại hình ngoại giao” mà ông vừa nhắc. Đấy là giọt dầu làm bốc cháy cuộc tranh luận căng thẳng. Lập tức Vance cáo buộc Zelensky thiếu tôn trọng Tổng thống Trump, “không thể hiện đủ lòng biết ơn đối với sự hỗ trợ của Mỹ”. Ông Trump cũng nổi nóng, kết tội Zelensky “đùa giỡn với Chiến tranh Thế giới thứ III”. Rằng Zelensky “không sẵn lòng tìm kiếm hòa bình”. “Hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”, cuộc họp báo chung sau đó đã bị hủy bỏ.
Thế giới rúng động sau thời điểm đó. Một số nhà lãnh đạo châu Âu, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đã lên tiếng ủng hộ đối với Ukraine, tán đồng với thái độ của “người anh hùng Zelensky”. Pháp và Đức khẳng định sẽ ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Đối với những người ủng hộ Trump hay Zelensky đều có điểm thống nhất chung là: Sự mâu thuẫn trong đàm phán không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước mà còn đặt ra câu hỏi về tương lai của sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao của Mỹ đối với Ukraine. Thỏa thuận khoáng sản bị “xé toạc” là một bước lùi trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Một số học giả Mỹ cho rằng, để sửa chữa sai lầm, ông Zelensky nên thể hiện “lòng biết ơn đối với người dân Mỹ”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại đàm phán, lâu đài hơn là củng cố quan hệ song phương trong tương lai. Họ cho rằng, cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Zelensky và Trump là một tình huống nhạy cảm, phản ánh những căng thẳng trong mối quan hệ từ lâu. Vậy thái độ của Zelensky là đúng hay sai? Cần nhìn từ hai góc độ.
Ông Zelensky đúng ở điểm nào? Ukraine đang phải đối mặt với cuộc chiến sinh tồn bảo vệ đất nước. Ông tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ là hợp lý. Nếu Mỹ quay ngoắt, thay đổi chính sách hỗ trợ, giảm viện trợ thì thật sự đáng lo ngại. Zelensky có quyền đặt câu hỏi về “loại hình ngoại giao” mà phía Mỹ “mập mờ chiến lược”. Kiev cũng rất lo một điều, bất kỳ thỏa thuận nào cũng có thể bất lợi cho họ.
Ngược lại, Zelensky sai ở điểm nào? Ở chỗ, ông đã thiếu kiềm chế, “ném cát vào mặt” Phó Tổng thống Vance và Tổng thống Trump là không khôn ngoan. Đây đâu phải là “phương án tối ưu”. Vì hành động này mà làm mất đi sự ủng hộ của một bộ phận chính trị Mỹ. Thay vì tranh cãi trực tiếp, sao ông lựa chọn cách tiếp cận mềm dẻo hơn để tránh làm tổn hại đến quan hệ song phương?
Phải chăng Tổng thống Ukraine đã đánh giá sai về cách tiếp cận của chính quyền Trump, vốn thiên về đàm phán thực dụng, vì nước Mỹ trên hết, thay vì ủng hộ vô điều kiện?
Dư luận quốc tế cho rằng, lúc này chưa phải ván cờ đã kết thúc. Dù có bất đồng, ông Zelensky nên có thái độ tích cực đối với sự hỗ trợ rất lớn trước đây của chính quyền cựu Tổng thống Biden. Điều này có thể giúp ông có vị thế đàm phán tốt hơn. Thay vì thách thức trực tiếp chính quyền Trump, ông có thể dùng cách tiếp cận thuyết phục, nhấn mạnh lợi ích chung thay vì gây áp lực. Nếu chính quyền Trump không sẵn sàng hỗ trợ Ukraine theo cách Kiev mong muốn, ông nên tìm cách duy trì quan hệ tốt với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa để có phương án dự phòng.
Bây giờ các bạn hãy cùng nhìn sang nước Nga-bên tham chiến của Ukraine. Thái độ của Tổng thống Putin sau thất bại của cuộc đàm phán tại Nhà Trắng như thế nào?
Trước hết Điện Kremlin thể hiện thái độ hài lòng và coi đây là một thắng lợi chiến lược. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong một cuộc họp báo rằng, ông “đánh giá cao những gì diễn ra cuộc đàm phán”. Tới đây Moscow sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán với Kiev. Phản ứng từ các quan chức Nga cũng thể hiện sự “hài lòng”. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng, Zelensky đã nhận được một “cái tát mạnh” của ông Trump.
Truyền thông Nga và các nhân vật thân cận với Điện Kremlin đã tận dụng sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Ukraine để củng cố lập trường của Moscow, coi đây là dấu hiệu suy yếu trong liên minh hỗ trợ Ukraine. Mặc dù vậy, Moscow cũng rất thận trọng, dù Mỹ có giảm hỗ trợ, Ukraine vẫn có khả năng duy trì hoạt động quân sự trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này cho thấy Moscow không hoàn toàn chủ quan trước những diễn biến mới và vẫn theo dõi sát sao tình hình. Và còn Châu Âu đó. Có lẽ lục địa già Châu Âu sẽ liên kết để giúp Ukraine và chống Mỹ.
Sau cuộc gặp căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, các lãnh đạo châu Âu đã không hề ngập ngừng khi lên tiếng ủng hộ Ukraine. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại London để thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định sự “đoàn kết trước sau như một” với Ukraine, nhấn mạnh tiếp tục duy trì hỗ trợ quốc gia này.
Vẫn biết khả năng châu Âu khó thay thế hoàn toàn vai trò của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine, nhưng các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tăng cường năng lực quốc phòng sau khi xung đột Ukraine nổ ra, họ vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ trong các hệ thống vũ khí và hỗ trợ quân sự. Việc thiếu hụt năng lực sản xuất và chuỗi cung ứng quốc phòng khiến châu Âu khó có thể tự đảm bảo an ninh mà không có sự hỗ trợ từ Mỹ.
Thêm nữa, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh của cả hai bên. Mỹ không thể bỏ qua châu Âu để tập trung hoàn toàn vào châu Á. Liên minh với châu Âu vẫn là yếu tố then chốt trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu. Điều này chính ông Trump là người rõ hơn ai hết.
Rốt cuộc, mặc dù châu Âu tuyên bố tăng cường hỗ trợ Ukraine và thể hiện sự đoàn kết trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ, nhưng khó có thể hoàn toàn tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng và thay thế vai trò của Mỹ. Châu Âu xác định đây là điều “khó khăn trong ngắn hạn”. Hợp tác giữa Mỹ và châu Âu vẫn là yếu tố quan trọng để bảo đảm an ninh và ổn định khu vực. Lằn ranh mong manh giữa hợp tác với Mỹ, bảo vệ Ukraine vẫn luôn là bài toán nan giải.
H.Đ