Sunday, March 30, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiĐầu năm, TQ “làm ngơ” vì… đại cục

Đầu năm, TQ “làm ngơ” vì… đại cục

Đã bước qua tuần đầu, tháng thứ ba năm 2025, tình trên Biển Đông có phần yên ả hơn. Nếu thật sự như vậy thì các quốc gia trong vùng có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng trước những khoảng lặng lại thường ẩn chứa những cơn bão lớn.

Quý vị cùng nhớ lại, dịp này năm ngoái ngay từ đầu năm tình hình trên biển đã nóng như lửa táp. Đầu tháng 1/2024, Philippines đã phối hợp với Mỹ trong hoạt động Hợp tác Hàng hải. Một cuộc tuần tra chung kéo bắt đầu ngay từ ngày 3/1, với sự tham gia của 4 tàu hải quân Philippines và 4 tàu của Mỹ, bao gồm 1 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương và 2 tàu khu trục.

Đáp trả tức thì, lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc tiến hành cuộc “tuần tra thường lệ” ở Biển Đông. Hai tàu hải quân Trung Quốc đã bám sát và theo dõi các phương tiện tham gia Hoạt động Hợp tác Hàng hải này. Bộ Tư lệnh Chiến khu miền nam Trung Quốc đe dọa: Hoạt động tuần tra Biển Đông này nhằm “cảnh cáo và trừng phạt các hoạt động gây cản trở và tạo điểm nóng trong khu vực”.

Cứ như thế, các hành động tiếp theo giữa Trung Quốc và Philippines (đương nhiên có sự hỗ trợ của Mỹ) liên tiếp gây căng thẳng. Vào tháng 2/2024, Manila tiếp tục cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu công vụ của Philippines bằng các động tác cơ động nguy hiểm, truy cản tàu tuần tra của nước này. Sau đó lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, cùng các tàu của Cục Thủy sản và Nguồn lợi Thủy sản Philippines nhanh chóng có mặt tại bãi cạn Scarborough từ tháng “để bảo vệ quyền và sự an toàn của ngư dân Philippines”.

Năm nay, không thấy các lực lượng hải quân, không quân Trung Quốc quấy phá trên biển Đông? Điều đó lại thấy có gì “không bình thường” (!). Thế cho nên, các nhà bình luận quốc tế cho rằng, hãy đợi đấy. Phải chăng Trung Quốc đang “im lặng chờ thời” vì một số lý do:

Trước hết có thể Bắc Kinh không muốn gây căng thẳng trong bối cảnh họ đang nỗ lực đàm phán với các nước trong khu vực, đồng thời giữ hình ảnh tích cực trong mắt cộng đồng quốc tế. Về tình hình nội địa, các vấn đề nội bộ nhức nhối trong năm qua có thể khiến chính quyền Bắc Kinh dành ưu tiên nỗ lực phát triển kinh tế và ổn định xã hội hơn là các hoạt động hù dọa trên Biển Đông.

Một nguyên nhân khác là do sự chú ý của quốc tế. Các kênh giám sát từ phía Mỹ và đồng minh về tình hình Biển Đông khiến Trung Quốc thận trọng hơn trong hành động của mình, nhằm tránh những phản ứng mạnh từ cộng đồng quốc tế.

Phải khẳng định, Trung Quốc không hề “sợ” Mỹ theo nghĩa đơn thuần. Có điều họ luôn tính toán rất kỹ khi hành động, đặc biệt là trên Biển Đông. Thời điểm này, có thể có một số lý do khiến Trung Quốc tạm thời “án binh bất động” không muốn gây hấn. Lý do chính yếu là, quan hệ Trung – Mỹ đang trong giai đoạn nhạy cảm. Trung Quốc không dại gì để cho lửa cháy tứ bề. Dại gì khiêu khích Mỹ trong lúc hai nước vẫn đang căng thẳng về thương mại, công nghệ và vấn đề Đài Loan.

Đúng vào dịp này, kể từ ngày 4/3/2025, Mỹ bắt đầu áp thuế nhập khẩu mới đối với Canada, Mexico và Trung Quốc. Hàng hóa từ ba nước đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ sẽ chịu cảnh bạc đãi, chịu thuế từ 10 đến 25%.

Không chỉ lo đối phó với mức thuế “cắt cổ”, quan hệ ngoại giao giữa các cường quốc Mỹ-Nga-Trung hết sức phức tạp. Hai cánh tay của ông Tập đang bị Trump và Putin kéo về hai phía. Có thể cả Nga và Trung Quốc đều bị Mỹ lợi dụng để vơ một món lợi kếch xù từ Ukraine và Trung Đông, với lý do hào nhoáng: đàm phán hòa bình.

Biến nguy thành an, trong khi chiến sự tại Ukraine và Trung Đông đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc sẽ tận dụng tình hình này để củng cố vị thế mà tạm thời ẩn náu các hành động khiêu khích, bắt nạt trên Biển Đông.

Tuy nhiên, chiến lược lâu dài “tằm ăn dâu” vẫn tiếp diễn. Trung Quốc không cần gây hấn mạnh nhưng vẫn âm thầm củng cố vị thế bằng cách gia tăng hiện diện dân sự. Họ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu biển, kiểm soát vùng nước xung quanh các thực thể chiếm đóng nhưng không gây chú ý quá mức.

Dù có vẻ “hiền lành” nhưng Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng ở Biển Đông. Họ chỉ đang chờ thời cơ thuận lợi để hành động mạnh mẽ hơn mà thôi. Cụ thể, từ đầu tháng 1/2025 đến nay Trung Quốc có những hoạt động đáng chú ý:

Ngày 14/2/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Tuyên bố về Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Mặc dù rất tức giận nhưng Bắc Kinh không hề có bất kỳ phản ứng nào. Trung Quốc sao có thể “vui” khi Việt Nam khẳng định đàng hoàng chủ quyền và quyền chủ quyền của nước này.

Việc Việt Nam chính thức công bố đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ là bước đi pháp lý quan trọng, giúp xác định rõ ràng phạm vi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Điều này có thể hạn chế phần nào những yêu sách phi lý của Trung Quốc trong khu vực. Đồng thời, nếu đường cơ sở này được xác định theo UNCLOS, Trung Quốc có thể phải điều chỉnh các hoạt động hàng hải, đánh bắt cá và thăm dò tài nguyên ở khu vực tiếp giáp vùng biển của Việt Nam. Điều này có thể gây khó khăn cho các tàu cá và lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, vốn thường xuyên hoạt động gần khu vực này.

Thôi đành “làm ngơ” vì đại cục, quân đội Trung Quốc tiếp tục triển khai các tàu hải quân, máy bay chiến đấu và trang thiết bị quân sự khác trong khu vực. Các cuộc tập trận hải quân đã diễn ra gần các khu vực tranh chấp, đặc biệt là xung quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm thể hiện sức mạnh quân sự và khẳng định chủ quyền.

Tiếp tục thực hiện các dự án xây dựng trên các đảo nhân tạo mà họ đã chiếm đóng, bao gồm các cơ sở hạ tầng như bến cảng, sân bay và các cơ sở dân sự, phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự. Đồng thời, truyền thông nhà nước thường xuyên công bố các hoạt động và thành tựu của nước này trên Biển Đông, nhằm tăng cường tuyên truyền về chủ quyền và khẳng định sức mạnh bá chủ thế giới.

Trung Quốc cũng đã có các động thái phản ứng mạnh mẽ với các hoạt động của Mỹ và các nước khác trong khu vực, như việc tiến hành các cuộc tuần tra quy mô nhỏ, cảnh báo đối với tàu thuyền của nước ngoài khi tiến gần các khu vực tranh chấp.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới