Sau khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Mỹ, đặc biệt là dưới thời tổng thống Trump đã tìm mọi cách để hạn chế, cản trở sự phát triển của Trung Quốc.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Tổng thống Trump và các cộng sự đã xác định ngay đối tượng cạnh tranh của mỹ là Trung Quốc chứ không phải Nga hay nước nào khác.
Trước hết là ngăn chặn sự phát triển sáng kiến vành đai con đường của Trung Quốc. Đây là Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng xuyên lục địa, đến nay đã có hơn 150 nước tham gia. Washington lo ngại sáng kiến này giúp Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng, đồng thời cho rằng các quốc gia tham gia có thể rơi vào “bẫy nợ” và phụ thuộc vào Trung Quốc.
Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, ông Rubio vừa trả lời phỏng vấn của tờ Breitbart News đã nói thẳng: “không có lợi gì khi sống trong một thế giới, đặc biệt là trong khu vực Tây Bán cầu, nơi chúng ta coi là quê nhà, lại bị bao vây bởi những quốc gia đang mắc nợ Trung Quốc đến mức phải lệ thuộc vào họ”.
Tại khu vực này, Mỹ lo ngại việc Trung Quốc đã đầu tư vào khu vực kênh đào Panama từ xây dựng cảng biển đến vận hành 2 âu tàu quan trọng của kênh đào. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng việc này sẽ đe dọa lợi ích của Mỹ và giúp Trung Quốc chi phối các đối tác thương mại củaMỹ. Vì vậy, Mỹ đã làm mọi cách ép và buộc Panama đã phải tuyên bố rút khỏi sáng kiến vành đai con đường ngay sau chuyến thăm của ngoại trưởng Rubio vào tháng 2-2025.
Ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mỹ cũng đã vận động được các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Úc, Ấn Độ cùng Mỹ tham gia tích cực vào việc ngăn chặn vành đai con đường.
Đầu tháng 3, Tổng thống Trump và Thủ tướng Ấn Độ đã đồng ý hợp tác trong dự án xây dựng tuyến đường vận tải kết nối Ấn Độ với Trung Đông và Châu Âu.
Song song với việc ngăn chặn Trung Quốc thực hiện sáng kiến vành đai con đường, Mỹ đang tìm cách tách nga khỏi Trung Quốc.
Nếu như cuối thế kỷ XX Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã thành công tách Trung Quốc khỏi Liên Xô trong chiến tranh lạnh thì nay Tổng thống Trump lại đang tìm cách tách Nga khỏi Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio cảnh báo: “Nếu Nga trở thành đối tác lâu dài của Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy 2 cường quốc hạt nhân liên kết với nhau để chống lại Mỹ. Thậm chí 10 hoặc 15 năm nữa, nếu xu hướng này tiếp tục, chúng ta có thể thấy mình rơi vào tình huống mà cho dù Nga có muốn cải thiện quan hệ với Mỹ cũng không thể, vì họ đã phụ thuộc vào Trung Quốc.
Đáp trả lại Mỹ, ngày 27-2 người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo trong cuộc họp báo thường kỳ là “bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ thất bại”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lin Jian còn khẳng định: “cả Trung Quốc và Nga đều có chiến lược phát triển và chính sách đối ngoại dài hạn. Bất kể bối cảnh quốc tế thay đổi như thế nào, mối quan hệ của chúng tôi sẽ tiến triển theo tốc độ riêng của mình. Nỗ lực của Mỹ nhằm gieo rắc bất hòa giữa Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ thất bại”.
Sự thật là từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ, Mỹ và Châu Âu đã ra hàng nghìn đòn trừng phạt Nga, và Trung Quốc đã giúp hạn chế thiệt hại từ những đòn trừng phạt đó, làm cho quan hệ Nga – Trung ngày càng bền chặt.
Vì thế, thật dễ hiểu ngay khi nhận chức Tổng thống ông Trump đã có thái độ thân thiện chứ không quá thù địch với Nga như của Tổng thống Biden. Mỹ có thể chấp nhận sự phản ứng của đồng minh phương Tây để đổi lấy việc kéo Nga gần với Mỹ hơn để đối phó với Trung Quốc.
H.L