Hôm 25/ 3, Mỹ thông báo rằng, Ukraine và Nga đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trên Biển Đen, sau ba ngày đàm phán tại Riyadh, Ả Rập Xê Út. Đương nhiên, Thỏa thuận còn có nhiều vấn đề quan trọng khác.

Và cũng đương nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump được điểm cộng với vai trò là trọng tài giữa Nga-Ukraine-châu Âu. Có một thứ không “đương nhiên”, đó là những dấu hỏi của cộng đồng quốc tế sau những thỏa thuận này.
Vấn đề cốt lõi nhất trong Thỏa thuận Biển Đen là giải quyết vấn đề then xuất khẩu lương thực ở Ukraine. Các bên cam kết tránh sử dụng vũ lực và ngăn chặn việc sử dụng tàu thương mại cho mục đích quân sự, đồng thời nhất trí về các biện pháp kiểm soát như kiểm tra tàu. Mỹ cam kết hỗ trợ thực hiện trao đổi tù nhân chiến tranh, trả tự do cho những người dân thường bị giam giữ và trả lại những trẻ em Ukraine bị chuyển đi cưỡng bức.
Các bên cũng đồng ý để các bên thứ ba giám sát Thỏa thuận, vốn đã có từ giữa năm 2022 nhưng sụp đổ vào năm 2023, và tiếp tục đàm phán. Cao hơn một bước, Washington cam kết hỗ trợ tìm cách dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế đối với nông nghiệp và xuất khẩu phân bón của Moscow. Về phía Nga, Điện Kremlin “nêu cao cảnh giác” khi tuyên bố: Thỏa thuận sẽ không có hiệu lực trừ khi Nga được kết nối trở lại thị trường nông sản và phân bón thế giới, giảm giá bảo hiểm hàng hải và tăng cường khả năng tiếp cận cảng và hệ thống thanh toán quốc tế.
Vậy là, mừng một phần và còn lo nhiều phần. Con đường hòa bình lâu dài giữa Ukraine – Nga sẽ còn gập ghềnh.
Để quý vị tiện theo dõi, chúng tôi xin khái quát đôi nét chính yếu về Biển Đen (còn gọi là Hắc Hải). Đây là biển nội địa nằm giữa Đông Nam châu Âu và vùng Tiểu Á, được nối với Địa Trung Hải qua eo biển Bosporus và biển Marmara. Biển Đen có diện tích vào khoảng 422.000 km², nơi sâu nhất đến 2210 mét. Sông Danube là dòng sông quan trọng nhất đổ vào Biển Đen. Được mệnh danh là biển ấm nhất Trái Đất. Những quốc gia có đường biên giới ở biển Đen là Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Ukraine, Nga và Gruzia.
Hắc Hải không có nghĩa là nước biển màu đen như hình dung của một số người, nó có màu xanh bình thường như các biển khác. Từ thời cổ đại, người Hy Lạp thường dùng màu sắc để chỉ phương hướng. Màu vàng tượng trưng cho phương Đông, màu đỏ cho phương Nam, màu đen cho phương Bắc và màu xanh cho phương Tây. Hắc Hải nằm giáp Ukraine, phía bắc Hy Lạp cho nên được gọi là Biển Đen.
Trong những năm qua có một số lực lượng đã làm nóng tình hình trên “biển kín”, bởi nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng và đã từng chứng kiến nhiều cuộc xung đột trong lịch sử. Trong bối cảnh hiện đại, đặc biệt là từ năm 2014 đến nay, hai quốc gia thường xuyên có hoạt động quân sự đối đầu trên Biển Đen, không ai khác chính là Nga và Ukraine.
Nga có lực lượng Hải quân Biển Đen đóng tại Sevastopol (Crimea), đây là căn cứ hải quân lớn nhất của nước này trong khu vực. Sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã củng cố sự hiện diện quân sự tại đây, triển khai nhiều tàu chiến, tàu ngầm và hệ thống phòng thủ bờ biển. Từ năm 2022, Hải quân Nga đã phong tỏa một phần Biển Đen và sử dụng khu vực này để tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào Ukraine.
Ukraine tuy có lực lượng hải quân nhỏ hơn nhiều so với Nga, nhưng đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV), thủy lôi, và tên lửa chống hạm để tấn công các tàu chiến và căn cứ quân sự của Nga trên Biển Đen. Một số vụ tấn công đáng chú ý như vụ đánh chìm soái hạm Moscow của Nga năm 2022, hay các cuộc tấn công vào căn cứ Sevastopol và cầu Crimea.
Ngoài Nga và Ukraine, NATO cũng có sự hiện diện ở Biển Đen, với các quốc gia thành viên như Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Bulgaria. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển Bosphorus và Dardanelles, đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết giao thông quân sự vào Biển Đen theo Công ước Montreux.
Dẫu sao, Nga vẫn là con hổ lớn nhất, lực lượng gây chiến chủ động trên Biển Đen, trong khi Ukraine sử dụng chiến thuật phi đối xứng để phản công, đặc biệt là bằng UAV và tên lửa.
Xung đột trên Biển Đen đã gây ra nhiều thiệt hại lớn về quân sự, kinh tế và hàng hải cho cả Nga, Ukraine và các bên liên quan.
Trước hết là thiệt hại về quân sự. Xin dẫn mấy vụ điển hình: Soái hạm Moscow bị đánh chìm (14/4/2022). Tàu tuần dương tên lửa Moscow của Nga, soái hạm của Hạm đội Biển Đen, đã bị trúng hai tên lửa Neptune của Ukraine và chìm. Đây là tổn thất nặng nề nhất của Hải quân Nga kể từ Thế chiến II.
Căn cứ Sevastopol bị tấn công liên tục. Ukraine đã nhiều lần sử dụng UAV và tên lửa tấn công căn cứ hải quân của Nga tại Sevastopol (Crimea), gây thiệt hại cho nhiều tàu chiến, trong đó có tàu đổ bộ lớn Minsk và tàu ngầm Rostov-on-Don vào tháng 9/2023.
Tàu chiến Nga bị UAV tấn công (2023 – 2024). Ukraine sử dụng máy bay không người lái tấn công tàu tuần tra, tàu chở dầu và tàu chiến Nga trong khu vực Biển Đen, làm suy giảm khả năng kiểm soát của Nga.
Kế đến là thiệt hại về kinh tế. Đó là sự gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc Ukraine. Biển Đen là tuyến đường quan trọng để Ukraine xuất khẩu ngũ cốc. Nga đã phong tỏa một phần khu vực này sau khi rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2023, làm giá lương thực toàn cầu tăng cao.
Nga cũng đã mất nhiều tàu vận tải dầu và hàng hóa do Ukraine tấn công các tàu chở dầu của, buộc Nga phải thay đổi tuyến đường vận tải và tăng chi phí bảo hiểm đáng kể.
Ngoài ra còn có những thiệt hại về hàng hải và môi trường. Nhiều tàu dân sự bị tấn công. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau tấn công tàu hàng dân sự trên Biển Đen, làm gia tăng nguy cơ cho các tuyến đường thương mại. Việc các tàu chiến bị đánh chìm và các cuộc tấn công vào hạ tầng quân sự ven biển đã gây ô nhiễm dầu và hóa chất ra biển, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Biển Đen dậy sóng! Biển Đen rực lửa!
Nói thế không ngoa chút nào. Cho nên “Thỏa thuận 25/3” rất có ý nghĩa. Vai trò của Washington trong việc làm trung gian cho thỏa thuận này là đáng kể, thể hiện qua việc tổ chức và dẫn dắt các cuộc đàm phán giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Một số chuyên gia quốc phòng lo ngại rằng, thỏa thuận có thể mang lại lợi ích lớn cho Nga, cho phép nước này củng cố vị thế và tiếp tục các hoạt động quân sự ở các khu vực khác của Ukraine.
Lại nữa, mặc dù Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn trên Biển Đen, nhưng việc coi đây là một “công lớn” Thì không phải. Điều đó còn phụ thuộc vào quan điểm và đánh giá về hiệu quả và hậu quả của thỏa thuận này đối với tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine.
Sau khi kết thúc đàm phán Kiev đã chính thức lên tiếng. Tổng thống V.Zelensky đã bày tỏ sự hoài nghi về ý định của Nga và cảnh báo rằng Moscow “có thể đang thao túng và xuyên tạc các điều khoản của thỏa thuận”. Ông tuyên bố: Nếu Nga vi phạm thỏa thuận, Ukraine sẽ yêu cầu sự hỗ trợ từ Mỹ về vũ khí và tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ông Zelensky cũng bày tỏ lo ngại về việc Mỹ thảo luận với Nga về việc phân chia Ukraine mà không có sự tham gia của Kiev, điều này có thể ảnh hưởng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Qua những phân tích trên đây cho chúng ta suy nghĩ sâu hơn, rộng hơn về tình hình Biển Đen, tình hình khu vực và quốc tế. Đặt ra câu hỏi và trả lời một cách khách quan, khoa học là công việc trước mắt và dài lâu. Chớ nên “nhẹ dạ cả tin” vào thuyết âm mưu của các cường quốc.
H.Đ