Sunday, March 30, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLớp trầm tích lịch sử ở hồ Hoàn Kiếm

Lớp trầm tích lịch sử ở hồ Hoàn Kiếm

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động về lớp trầm tích văn hóa, lịch sử bao quanh hồ Hoàn Kiếm, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nói, “hiếm có nơi nào như thế”.

Khu vực Hồ Hoàn Kiếm.

Dư luận đang dành sự quan tâm lớn cho dự án cải tạo không gian phía Đông hồ Hoàn Kiếm. Ông từng viết cuốn sách “5678 bước chân quanh Hồ Gươm” về không gian văn hóa, lịch sử quanh Hồ Gươm. Nếu chia ra những cột mốc quan trọng trong hành trình lịch sử của Hồ Gươm, đó sẽ là những dấu mốc như thế nào, thưa ông?

Hồ Gươm (hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm) đã trải qua hành trình lịch sử rất dài với nhiều thay đổi và biến động. Xưa kia, thời Lý – Trần, Hồ Gươm nằm ngoài đê sông Hồng, còn có tên là Lục Thủy. Sau này, hồ bị chia thành 2 phần, Tả Vọng và Hữu Vọng. Hữu Vọng bị lấp dần, còn Tả Vọng chính là Hồ Gươm bây giờ.

Trong cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” ghi lại, ở thế kỷ 19, người dân sống quanh hồ, còn ra đây vo gạo, tắm rửa, làm nhà sát hồ.

Năm 1885, người Pháp quy hoạch khu vực phố cổ và xây khu phố mới theo kiểu đô thị Phương Tây, họ di dân để làm con đường vòng quanh Hồ Gươm. Con đường này khánh thành vào dịp Tết năm 1893, chính quyền thành phố đã tổ chức các trò chơi dân gian như, đốt pháo bông, leo cột mỡ, đua thuyền thúng, bịt mắt đập niêu… quanh hồ và trong hồ.

Kể từ đây, Hồ Gươm và khu vực xung quanh trở thành trung tâm của thành phố và là điểm vui chơi giải trí công cộng đầu tiên của Hà Nội.

Năm 1925, đốc lý Hà Nội đã ra quyết định mở rộng đường quanh Hồ Gươm, họ cạp đất quanh hồ để làm tiểu cảnh, trồng thêm cây, quyết định này đã vấp phải phản ứng dữ dội của Viện Viễn Đông Bác cổ (viện này được giao nhiệm vụ bảo vệ các di tích văn hóa ở khắp Đông Dương).

Hồ Gươm là một chứng tích của lịch sử, đã chứng kiến biết bao thăng trầm, biến thiên. Mỗi công trình kiến trúc bao quanh Hồ Gươm cũng ghi trên mình những dấu ấn thời đại.

Thế kỷ 18, chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng cung Khánh Thụy trên đảo Ngọc, xây Tả Vọng đình bé nhỏ trên gò Rùa, hai nơi này trở thành chỗ tiệc tùng, vui chơi, câu cá cho các chúa và giới quý tộc. Khoảng năm 1877-1878, Tả Vọng đình được xây thành Tháp Rùa tồn tại cho đến ngày nay.

Rồi cung Khánh Thụy trở thành chùa đền. Đền Ngọc Sơn ngày nay chính là vị trí của cung Khánh Thụy xưa. Đời vua Tự Đức, Nguyễn Siêu đã tu sửa lại thành đền trong đó thờ Văn Xương, vị thần chủ về văn chương, lại dựng Đài Nghiên, Tháp Bút làm biểu tượng của đất học Hà Nội. Cuối thế kỷ 19, nho sinh các tỉnh đổ về Hà Nội thi Hương vào đền cầu khấn mong đỗ đạt. Các nho sinh thuê trọ ở khu phố cổ, học đêm đói phải có gì ăn, từ nhu cầu này, các bà bán hàng đã nghĩ ra món cháo tim cật phục vụ ăn đêm cho nho sinh.

Sẽ có nhiều người khi nhắc đến khu vực Hồ Gươm là nhắc đến giá đất hàng tỉ đồng một mét vuông. Nhưng với một nhà nghiên cứu nắm rõ từng dòng chảy thời gian trên Tháp Rùa, Hồ Gươm… Hẳn, ông sẽ định giá khu vực này bằng những lớp trầm tích được kết tinh từ văn hóa, lịch sử?

Những biến động va đập của mỗi thời đại đã làm nên lớp trầm tích văn hóa, lịch sử vô giá cho hồ và khu vực quanh Hồ Gươm.

Bất động sản ở khu phố cổ được cho là có giá đắt đỏ bậc nhất Hà Nội. Xét về lịch sử hình thành, khu đó gồm cả những khu phố cổ và khu phố cũ. Thời Lý, Trần các phố nay là Hàng Than, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Trống… chính là đê/lũy của thành Thăng Long, vì thế phía Tây của trục đường này là đất cổ nằm trong thành còn phía đông là ngoài đê.

Dù là đất bãi song cũng có dân ở và các công trình tín ngưỡng, tính đến nay, nó có lịch sử 6, 7 thế kỷ. Hồ Gươm thời kỳ này cũng nằm ngoài đê.

Khi Pháp xâm chiếm Hà Nội và Hà Nội thành thành phố nhượng địa (concession) của Pháp năm 1888. Họ quy hoạch lại khu phố cổ, xây khu phố mới ở phía đông và nam Hồ Gươm.

Năm 1890, chính quyền ban hành quy chế xây dựng Hà Nội, quanh Hồ Gươm chỉ được phép xây cao 2 tầng, nếu công trình nào muốn xây cao hơn phải được đốc lý cho phép.

Trong nửa cuối thế kỷ 20, một số công trình cao tầng đã mọc lên, khiến hồ trông giống cái ao.

Bút Tháp từng là công trình cao nhất ở khu vực Hồ Gươm, nhưng bây giờ nhìn quá nhỏ bé.

Bởi vậy, dự án cải tạo không gian phía Đông hồ Hoàn Kiếm lần này, cá nhân tôi cho rằng đây sự thay đổi rất lớn.

Việc đập bỏ tòa nhà Hàm Cá Mập hay kế hoạch di dời 11 cơ quan, đơn vị và 40 hộ dân… ở phía Đông hồ tôi hy vọng sẽ mở rộng không gian, thoáng đãng tầm nhìn, tạo ra sự hòa điệu giữa hồ và khu vực xung quanh.

Trong suốt dòng chảy lịch sử, Hồ Gươm và khu vực phố phường bao quanh đã trải qua rất nhiều lần thay đổi. Theo đánh giá của cá nhân ông, thay đổi nào mang tính bước ngoặt hơn cả?

Tôi cho rằng, quyết định xây con đường bao quanh Hồ Gươm là một quyết định mang tính bước ngoặt, để từ đây Hồ Gươm trở thành trung tâm vui chơi, giải trí của Hà Nội.

Tôi từng có quãng thời gian dài làm việc ở tòa nhà 44 Lý Thái Tổ, tòa nhà đẹp nhất ở khu vực Hồ Gươm nên có điều kiện khám phá hồ và khu vực xung quanh thông qua tài liệu, lời kể.

Tôi may mắn có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với rất nhiều nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử, các kiến trúc sư gắn bó với Hà Nội, những người am hiểu về sự hình thành, phát triển thành phố này giúp tôi có thêm hiểu biết về Thăng Long-Hà Nội.

Trải qua hơn 1.000 nghìn năm, kể từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long, vùng đất kinh thành này đã đi qua biết bao cuộc binh biến.

Với cá nhân tôi, hình ảnh đẹp nhất và ấn tượng nhất là anh tự vệ mặc quần áo xanh đeo súng CKC đèo người yêu mặc quần lụa, áo phin và cũng đeo súng CKC. Cả hai đều đội mũ có ngôi sao vuông, họ đạp xe trên đường Đinh Tiên Hoàng vắng người. Thời kỳ đó, Hà Nội đang chống Mỹ. Hình ảnh ấy lãng mạn, bình yên, đẹp vô tả.

Là người yêu Hồ Gươm, yêu không gian văn hóa, lịch sử bao quanh khu vực này, ông kỳ vọng những gì vào dự án cải tạo không gian lần này?

Cuộc sống luôn biến đổi nên việc thay đổi diện mạo một khu vực nào đó hoàn toàn có thể xảy ra. Cái quen mắt, thân thuộc bị thay bằng cái khác có thể gây ra tiếc nuối, thiệt thòi, tôi hiểu cảm xúc này nên có thể thông cảm và chia sẻ.

Song, thay đổi để đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại và cả tương lai thiết nghĩ là rất cần trong quá trình phát triển đô thị.

Chỉ mong rằng, dù cải tạo hay quy hoạch thế nào, khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ vẫn giữ được vẻ đẹp, không gian, trầm tích văn hóa, lịch sử riêng có.

Trong tương lai, một hai công trình quá cao ở phố Đinh Tiên Hoàng nếu không còn, không gian hồ sẽ rộng và thoáng đãng hơn.

Sau khi dỡ bỏ tòa nhà Hàm Cá Mập – “bức tường” ngăn cách giữa khu phố cổ và không gian hồ – không còn, đứng từ đầu phố Đinh Liệt có thể nhìn thấy được Hồ Gươm và ngược lại, điều đó thật thú vị.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới