Sunday, March 30, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ đẩy nhanh áp chế quân sự giữa sự trỗi dậy của...

Mỹ đẩy nhanh áp chế quân sự giữa sự trỗi dậy của TQ

Mỹ liên tục có nhiều động thái để tăng cường năng lực tác chiến quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tối 24.3, tạp chí Newsweek đưa tin quân đội Mỹ vừa thử nghiệm tên lửa tấn công chính xác PrSM Increment 1 tại một căn cứ ở California. Được bắn đi từ Hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS), tên lửa thử nghiệm đã bắn đến mục tiêu ở khoảng cách xấp xỉ 500 km.

Chiến lược mới của Mỹ

PrSM Increment 1 lần đầu tiên được chuyển giao cho quân đội Mỹ vào tháng 12.2023, nhằm thay thế dòng tên lửa ATACMS vốn có tầm bắn chỉ khoảng 300 km. PrSM có 3 phiên bản gia tăng khác nhau gồm: tên lửa tấn công tàu chiến, tên lửa tải trọng cao và loại được trang bị hệ thống đẩy mới để mở rộng tầm bắn lên 1.000 km. Tờ Newsweek dẫn thông tin cho hay loại tên lửa vừa được thử nghiệm để hướng đến chuyên dụng cho tác chiến ở Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trả lời Thanh Niên ngày 25.3 về đánh giá động thái trên của Mỹ, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng có 3 đặc điểm của loại tên lửa mới giúp nhận diện chiến lược mới của Mỹ đối với Trung Quốc.

Cụ thể, TS Nagao nêu: “Đầu tiên và quan trọng nhất là về tầm bắn. Lần này, tên lửa thử nghiệm đã tấn công mục tiêu cách xa khoảng 500 km. Tuy nhiên, chương trình phát triển đang hướng đến mở rộng tầm bắn lên 1.000 km. Vì tên lửa hiện tại ATACMS chỉ có tầm bắn 300 km, nên việc mở rộng đến 1.000 km sẽ cải thiện đáng kể khả năng tác chiến. Với tầm bắn 1.000 km, tên lửa Mỹ từ Nhật Bản hay Đài Loan có thể đủ sức vươn đến Thượng Hải. Chương trình phát triển tên lửa trên cũng có đầu đạn chống hạm, nên còn có thể tấn công tàu chiến”.

Thứ hai, theo ông Nagao, tên lửa này có thể phóng từ hệ thống HIMARS, vốn đã được triển khai rộng rãi. Nhờ đó, Mỹ có thể dễ dàng triển khai loại tên lửa mới một cách nhanh chóng. Trung Quốc đang hiện đại hóa tên lửa với tốc độ nhanh chóng, nên Mỹ cũng cần tăng cường tốc độ triển khai để cạnh tranh nhằm duy trì thế cân bằng.

“Thứ ba, hệ thống HIMARS có thể di chuyển linh hoạt, nên có thể tác chiến linh hoạt trước mạng lưới tên lửa dày đặc của Trung Quốc. Hiện nay, Mỹ đang tái tổ chức lực lượng lục quân và thủy quân lục chiến có khả năng tác chiến tên lửa hiệu quả. Nên loại tên lửa mới có thể trở thành vũ khí chính cho 2 lực lượng này của Mỹ”, vị chuyên gia nhận định.


Hàng loạt động thái

Thực tế gần đây, Mỹ liên tục nâng cao năng lực tác chiến ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tờ South China Morning Post ngày 19.3 đưa tin Mỹ chuẩn bị tích hợp tên lửa tấn công tàu tầm xa vào máy bay chiến đấu của mình để tăng cường khả năng phát động các cuộc không kích trong một cuộc chiến tiềm năng với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Cụ thể, quân đội Mỹ tích hợp tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C (LRASM) vào máy bay chiến đấu F-16. Loại tên lửa này có tầm bắn 200 dặm (322 km) và có một số tính năng tiên tiến, bao gồm lập kế tuyến đường tự động được hỗ trợ bởi một loạt các ứng dụng điện tử trên tàu cho phép tên lửa tự động thay đổi hướng di chuyển để đối phó với các mối đe dọa bất ngờ, cũng như theo dõi mục tiêu tốt hơn thông qua phát xạ tần số vô tuyến. Vì thế, việc tích hợp LRASM vào F-16 có thể sẽ thúc đẩy khả năng chống hạm của không quân Mỹ, bởi chiến đấu cơ F-16 hiện nay chủ yếu trang bị tên lửa AGM-84 Harpoon có tầm hoạt động chỉ khoảng 120 km.

Từ năm ngoái, Mỹ cũng đã triển khai hệ thống phóng tên lửa Typhon đến Philippines. Đây là hệ thống phóng tên lửa chiến lược tầm trung có thể phóng cả tên lửa hành trình thông minh Tomahawk và tên lửa phòng không SM-6. Trong đó, tên lửa SM-6 không chỉ có thể đánh chặn chiến đấu cơ, máy bay không người lái mà cả các tên lửa đối hải. Chính vì thế, đây là hệ thống góp phần khắc chế chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận (A2/AD) mà Trung Quốc đang hình thành ở Thái Bình Dương nhằm hạn chế tiềm lực quân sự của Mỹ ở khu vực.
Triều Tiên dọa phản ứng đối

Triều Tiên dọa phản ứng đối với cuộc tập trận Mỹ – Nhật – Hàn

Truyền thông CHDCND Triều Tiên ngày 25.3 lên án các cuộc tập trận hải quân chung của Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo về những phản ứng “áp đảo” và “quyết đoán” đối với bất kỳ hành động khiêu khích nào từ bên ngoài. KCNA đưa ra thông điệp trên trong một bài bình luận đề cập đến cuộc tập trận hải quân 3 bên Mỹ – Nhật – Hàn tại vùng biển quốc tế ngoài khơi đảo nghỉ dưỡng Jeju, phía nam Hàn Quốc từ ngày 17 – 20.3. Đây là cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa 3 nước trong năm 2025 và cũng là cuộc tập trận đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức. Sự kiện trên còn được tiến hành song song với cuộc tập trận chung thường niên của Mỹ – Hàn Quốc mang tên “Lá chắn tự do”, theo KCNA.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới