Tiếp theo việc để lại Philippines hệ thống tên lửa Typhon, Mỹ vừa tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ quốc gia đồng minh trước các thách thức an ninh tại Biển Đông.
Washington không chỉ đưa ra cam kết chính trị mà còn thể hiện quyết tâm hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn tại khu vực. Minh chứng rõ ràng là sau cuộc tập trận chung gần đây, Mỹ đã cố tình để lại hệ thống tên lửa Typhon tại Philippines thay vì rút về nước, sau cuộc tập trận Balikatan 24, diễn ra vào tháng 4 năm 2024. Ngay thời điểm đó, giới quan sát đã cho rằng: Mỹ quyết tâm hỗ trợ Philippines tiếp cận năng lực răn đe mới mà không cần chờ đợi triển khai từ bên ngoài, đồng thời coi đó như một lời cảnh báo trực tiếp tới Bắc Kinh rằng Mỹ sẵn sàng hiện diện lâu dài trong khu vực.
Tiếp theo động thái này, ngày 28/3/2025, trong chuyến thăm Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nhấn mạnh cam kết “vững chắc” với Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ với Philippines. Ông khẳng định Mỹ sẽ cung cấp cho Philippines các hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa chống hạm và phương tiện không người lái. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông gia tăng, khi Philippines liên tục đối mặt với sự quấy nhiễu từ lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc không ngoài dự đoán. Ngay sau tuyên bố của ông Hegseth, quân đội Trung Quốc lập tức tổ chức một cuộc tuần tra quân sự trên Biển Đông, đồng thời lên án Mỹ và Philippines đang “làm phức tạp thêm tình hình”. Bắc Kinh cáo buộc Washington dùng các đồng minh khu vực để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng mọi hành động quân sự hóa khu vực sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, các hành động quấy rối tàu Philippines tại các bãi cạn tranh chấp có thể sẽ tiếp tục gia tăng – theo dự đoán của các nhà phân tích.
Về mặt khu vực, tuyên bố của Mỹ còn tác động lớn đến các quốc gia Đông Nam Á khác. Malaysia, Indonesia, và cả Việt Nam nữa, có thể coi đây là cơ hội để thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Washington nhằm giảm sức ép từ Trung Quốc. Ngược lại, một số nước có quan hệ kinh tế sâu rộng với Bắc Kinh có thể sẽ tìm cách giữ thế cân bằng, tránh bị lôi kéo vào cuộc đối đầu Mỹ – Trung.
Xa hơn, động thái này cũng thu hút sự quan tâm từ các cường quốc ngoài khu vực như Nhật Bản, Australia và EU. Các nước này có thể sẽ gia tăng hợp tác an ninh với Philippines và mở rộng các sáng kiến đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo: việc Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Philippines có thể khiến nước này bị đặt vào thế đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc. Khi Manila ngày càng dựa vào Washington, họ cũng sẽ chịu nhiều rủi ro hơn nếu Mỹ thay đổi chiến lược hoặc không sẵn sàng đối đầu toàn diện với Bắc Kinh. Để thuyết phục, các chuyên gia không ngần ngại dẫn ra những biểu hiện “tráo trở” của Washington thời Trump 2.0 đối với Ukraine. Do đó, chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. sẽ phải tính toán kỹ lưỡng để vừa tận dụng sự hỗ trợ từ Mỹ, vừa tránh trở thành “quân cờ” trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung.
Những diễn biến trên đặt ra ba kịch bản chính. Thứ nhất, tình hình leo thang đối đầu Mỹ – Trung: Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp đáp trả, từ gia tăng tuần tra quân sự, đẩy mạnh hoạt động dân quân biển cho đến đe dọa về kinh tế đối với Philippines. Thứ hai, Philippines trở thành điểm nóng chiến lược thực sự: Với sự hỗ trợ mạnh từ Mỹ, Manila có thể trở thành trung tâm triển khai các hoạt động quân sự khu vực, thu hút thêm các đồng minh tham gia. Và thứ ba, Trung Quốc tiếp tục kiểm soát thực địa: Bắc Kinh có thể đẩy mạnh việc củng cố các thực thể nhân tạo, gia tăng áp lực lên các tuyến hàng hải, đồng thời sử dụng các biện pháp ngoại giao để gây sức ép lên các nước ASEAN.
Một yếu tố khác cần xem xét là tác động của động thái của Mỹ đến chính sách đối ngoại của các nước lớn ngoài khu vực. Nhật Bản có thể sẽ đẩy mạnh hỗ trợ quân sự cho Philippines trong khi Australia có thể cân nhắc tăng cường hợp tác hải quân tại Biển Đông. Trong khi đó, EU, với chính sách ngoại giao mềm mỏng hơn, có thể tiếp tục ủng hộ Philippines thông qua các biện pháp kinh tế và luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, phản ứng của Mỹ và các đồng minh trước các động thái tiếp theo của Trung Quốc cũng sẽ quyết định mức độ căng thẳng trong khu vực. Nếu Washington tiếp tục triển khai thêm vũ khí hoặc tăng cường các cuộc tập trận chung, Bắc Kinh có thể sẽ gia tăng đối phó bằng cách đưa thêm tàu quân sự đến vùng tranh chấp hoặc tăng cường áp lực ngoại giao. Các nước ASEAN sẽ cần có chiến lược linh hoạt hơn để bảo vệ lợi ích của mình mà không để bị cuốn vào cuộc đối đầu toàn diện giữa hai cường quốc.
Như vậy, một cách tổng quan, dự đoán được đưa ra là: Biển Đông khó có khả năng hạ nhiệt trong ngắn hạn. Ngược lại, việc Mỹ duy trì và mở rộng cam kết với Philippines báo hiệu một giai đoạn mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược tại khu vực.
T.V