Khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, tình báo và quân đội Mỹ, Anh đã điều phối từ xa hoạt động chia sẻ thông tin và tham gia hoạch định các cuộc tấn công của Ukraine.
Theo The Telegraph, một toán lính biệt kích Anh đã bí mật đưa các tướng lĩnh Ukraine rời Kyiv không lâu sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát năm 2022. Hai tướng chỉ huy Ukraine đã được đưa đến Ba Lan rồi sang Đức để thảo luận về chiến dịch bí mật nhằm tạo lợi thế chiến trường.
Một phòng tác chiến được thành lập tại Clay Kaserne, trụ sở của quân đội Mỹ đóng tại thành phố Đức. Các tướng lĩnh Ukraine được bí mật họp bàn với quan chức quân đội phương Tây, ngoài ra còn có sự tham gia của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Chỉ đạo từ xa
Theo điều tra của The New York Times được công bố hôm 29.3, đúc kết từ 300 cuộc phỏng vấn với nguồn tin chính phủ, quân đội và tình báo từ Mỹ và các nước châu Âu, Washington đã hỗ trợ vũ khí, tình báo, lên chiến lược. Trong khi đó, các tướng lĩnh Anh quản lý vấn đề hậu cần. Quá trình chuẩn bị sau hậu trường được thực hiện thông qua đầu não căn cứ tác chiến Clay Kaserne.
Điều tra phát hiện Anh đã bố trí một số sĩ quan đóng tại Ukraine, qua đó giúp London có nhiều ảnh hưởng hơn trên thực địa. Trong khi đó, một nguồn tin tiết lộ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace từng yêu cầu Ukraine cách chức tướng Andrii Kovalchuk do từ chối ra lệnh tấn công khi quân đội Nga đang bị lép vế ở tỉnh Kherson. Ông Wallace phủ nhận việc yêu cầu thay tướng Ukraine.
Mỹ sứt mẻ lòng tin vì Ukraine tấn công Kursk
Trái với Anh, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rút toàn bộ lực lượng trên bộ tại Ukraine, đóng cửa đại sứ quán Mỹ vào đêm trước ngày 24.2.2022, thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự. Mỹ chỉ để lại một số đặc vụ CIA hoạt động tại Ukraine.
Trong khi đó, các đặc vụ CIA hỗ trợ chỉ đạo từ Clay Kaserne đã lập kế hoạch và chia sẻ tình báo chính xác, tạo điều kiện cho Ukraine tấn công các mục tiêu quan trọng của Nga, ban đầu là tại những lãnh thổ Ukraine mà Moscow kiểm soát, sau đó là bên trong lãnh thổ Nga.
Chiến sự kéo dài thì Mỹ và Anh càng dấn sâu vào các hoạt động tại Ukraine. Ban đầu, sự hỗ trợ chủ yếu là cung cấp vũ khí. Đến giữa năm 2024, các sĩ quan hai nước trên được cho là đã giám sát mọi khía cạnh của mỗi đợt tấn công vào bán đảo Crimea.
Chiến dịch Lunar Hail
Người Mỹ được cho là đã đề xuất với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về chiến dịch có mật danh Lunar Hail, sẽ ném bom dữ dội vào Crimea để buộc quân đội Nga rút khỏi bán đảo này. Nga vào năm 2014 tuyên bố sáp nhập Crimea, động thái bị Ukraine và phương Tây phản đối.
Chính quyền Anh cũng thảo luận với Ukraine về một kịch bản oanh tạc phá hủy cầu Kerch, nối giữa Crimea và lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, đã có những lo ngại rằng Điện Kremlin có thể cáo buộc nhằm vào cầu Kerch là tấn công lãnh thổ Nga, qua đó đưa ra biện pháp đáp trả, vốn có thể leo thang quân sự và đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, Ukraine giai đoạn sau cũng đã tổ chức tấn công cây cầu này, cho thấy những “lằn ranh đỏ” có thể thay đổi theo tình hình chiến sự.
Những rạn nứt
Mối quan hệ giữa Ukraine và đồng minh phương Tây cũng không ít lần căng thẳng. Kyiv liên tục kêu gọi viện trợ thêm vũ khí, trong khi phía Mỹ coi một số yêu cầu rất vô lý. Mỹ cũng than phiền Ukraine đã không huy động đủ quân nhân tham chiến, dù Kyiv đã hạ độ tuổi nhập ngũ. Ở chiều ngược lại, ông Zelensky phản bác với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin rằng thêm người cũng không có nghĩa lý gì khi không có vũ khí trang bị cho họ, theo The New York Times.
Ukraine cũng đã có một số lần thực hiện những vụ tấn công mà không báo trước cho Mỹ, khiến Washington bất bình. Nổi bật trong số này bao gồm kế hoạch đánh chìm soái hạm của Hạm đội biển Đen của Moscow tháng 4.2022, nhờ vào thông tin tình báo từ Mỹ. Đến tháng 3.2024, tình báo Ukraine lên kế hoạch tấn công trên bộ vào phía tây nam của Nga mà Mỹ không hề hay biết. Mỹ đã tức giận khi không được thông báo và Washington thời điểm đó cũng không muốn Kyiv tấn công gây thiệt hại lớn như vậy.
Từ những vụ việc trên đã làm phát sinh câu nói đùa mỉa mai trong giới quan chức chính quyền ông Biden rằng họ nắm rõ các kế hoạch của Nga nhờ tình báo, nhưng không biết nhiều về các kế hoạch của chính đối tác Ukraine.
Trung tướng Valeriy Kondratiuk, cựu chỉ huy tình báo quân sự Ukraine, thì lập luận rằng đối với Kyiv, việc mang lập trường “không hỏi, không nói” với Mỹ sẽ tốt hơn là “hỏi xong rồi bị ngăn lại”.
T.H