Anh và Pháp đang đi đầu trong nỗ lực xây dựng lực lượng hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh thiếu vắng vai trò của Mỹ.
4 mục tiêu
Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, khoảng 30 quốc gia, chủ yếu là các nước châu Âu, đã nhóm họp tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) vào ngày 10.4 để thảo luận về việc thành lập một “lực lượng trấn an” nhằm hỗ trợ Ukraine trong trường hợp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Nga.
Châu Âu mong Mỹ hoãn việc rút quân khỏi lục địa
Cuộc họp lần này diễn ra trong khuôn khổ chuỗi gặp gỡ của “liên minh sẵn sàng hành động”, một tập hợp các quốc gia sẵn lòng hỗ trợ Ukraine với Anh và Pháp giữ vai trò dẫn đầu.
Theo trang The Kyiv Independent, Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey làm rõ đó không phải là một lực lượng gìn giữ hòa bình truyền thống “đứng giữa hai bên xung đột”. Thay vào đó, liên minh có 4 mục tiêu chiến lược gồm đảm bảo an toàn, an ninh trên không, trên bộ, trên biển và hỗ trợ xây dựng quân đội Ukraine mạnh mẽ.
Có 37 nước đã tham gia thảo luận, trong đó ít nhất 15 nước được cho là đồng ý đóng góp binh sĩ cho lực lượng này, với quân số có thể dao động từ 10.000 – 30.000 người. Vai trò chính của họ sẽ là bảo vệ các cơ sở chiến lược phía sau tiền tuyến, trong khi quân đội Ukraine vẫn là lực lượng chính đối đầu với bất kỳ hành động leo thang nào từ phía Nga.
Báo The Telegraph đưa tin Anh cân nhắc triển khai binh sĩ đến Ukraine trong 5 năm như một phần của liên minh nói trên và có thể triển khai chiến đấu cơ để củng cố phòng thủ. Tuy nhiên, vẫn còn một số nước tỏ ra do dự. Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết không loại trừ khả năng Stockholm sẽ tham gia liên minh nhưng ông nói cần thêm nhiều thông tin rõ ràng hơn. Trong khi đó, Hà Lan đề xuất cần làm rõ các kịch bản hoạt động, đặc biệt nếu Nga phản ứng bằng hành động quân sự.
Mỹ đứng ngoài
Điểm đáng chú ý từ sự kiện nói trên là sự vắng mặt của Mỹ, một yếu tố gây ra nhiều lo ngại trong nội bộ châu Âu. Các nước trong liên minh, đặc biệt là Anh và Pháp, hy vọng có thể thuyết phục Mỹ cung cấp hỗ trợ về không quân, tình báo và giám sát như một hình thức “hậu thuẫn” cho lực lượng châu Âu. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa đưa ra cam kết cụ thể nào và đã loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraine.
Nga đã liên tục cảnh báo phương Tây không triển khai binh sĩ đến Ukraine với bất kỳ lý do nào, đặc biệt là lực lượng từ các nước thành viên NATO. Hồi tháng 3, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói rằng sự hiện diện tiềm tàng của lực lượng gìn giữ hòa bình từ NATO tại Ukraine sẽ đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh giữa liên minh này và Nga.
Nga thừa nhận xe thiết giáp M2 Bradley vượt trội BMP-3 trong xung đột Ukraine
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang tìm cách tái lập quan hệ với Nga và thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình, đã từ chối cam kết việc Mỹ sẽ tham gia trực tiếp vào lực lượng trấn an. Thay vào đó, ông kỳ vọng các quốc gia châu Âu sẽ gánh vác vai trò chính trong việc bảo đảm hòa bình nếu có ngừng bắn.
Đặc phái viên Mỹ đến Nga
Truyền thông Nga hôm qua đưa tin Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff đã đến Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin trong ngày. Chuyến đi diễn ra một ngày sau khi phái đoàn Nga – Mỹ đối thoại tại Thổ Nhĩ Kỳ về việc cải thiện ngoại giao song phương và trao đổi tù nhân.
T.H