Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth nêu ý tưởng về việc quân đội Mỹ quay trở lại Panama để ‘bảo vệ’ kênh đào chiến lược quan trọng, một đề xuất nhanh chóng bị quốc gia Trung Mỹ này bác bỏ.
Trong chuyến thăm Panama ngày 9.4, Bộ trưởng Pete Hegseth nói rằng “theo lời mời”, thì Mỹ có thể hồi sinh các căn cứ quân sự cũ nằm rải rác ở quốc gia Trung Mỹ này, cũng như luân phiên điều binh sĩ tới đồn trú tại đây.
“Một thỏa thuận đã ký với Panama trong tuần này là cơ hội để khôi phục, cho dù đó là căn cứ quân sự, căn cứ không quân hải quân, các địa điểm mà quân đội Mỹ có thể làm việc với binh sĩ Panama để tăng cường năng lực và hợp tác theo cách luân phiên”, vị quan chức Mỹ nói thêm.
Ông Hegseth cũng để ngỏ khả năng tập trận chung với Panama. Từ lâu, Mỹ đã tham gia các cuộc diễn tập quân sự ở Panama.
Mỹ sẽ ‘giành lại’ kênh đào Panama từ ảnh hưởng của Trung Quốc
Ông Hegseth cũng cho biết Mỹ đang muốn đạt một thỏa thuận theo đó tàu chiến của nước này có thể đi qua kênh đào “đầu tiên và miễn phí”. Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng nói tàu quân sự Mỹ “bị tính phí quá cao và không được đối xử công bằng dưới bất kỳ hình thức nào” khi đi qua kênh đào Panama.
Tuy nhiên, chính phủ Panama nhanh chóng bác bỏ ý tưởng của Bộ trưởng Hegseth. “Tổng thống Jose Raul Mulino đã làm rõ quan điểm của Panama là chúng tôi không đồng ý cho đặt các căn cứ quân sự hoặc cơ sở quốc phòng như vậy”, Bộ trưởng An ninh Panama Frank Abrego nói.
Ông Jose Ramon Icaza, người phụ trách vấn đề kênh đào Panama, cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm một cơ chế mà theo đó các tàu chiến và tàu hỗ trợ có thể có hệ thống đền bù cho các dịch vụ, tức là một cách để làm cho mọi thứ trở nên hài hòa về chi phí, nhưng không [miễn phí]”.
Kênh đào Panama dài 82 km do Mỹ xây dựng, được khánh thành năm 1914. Đây là tuyến đường thủy quan trọng trong khu vực, với khoảng 40% lưu lượng container của Mỹ và 5% thương mại quốc tế đi qua mỗi năm. Mỹ từng quản lý kênh đào Panama và vùng lãnh thổ xung quanh trong nhiều thập niên.
T.H