Đá Tốc Tan là một rạn san hô vòng ở phía Nam của đảo Trường Sa – nơi tập hợp phần lớn các thực thể địa lý như một phần thị trấn Trường Sa – thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam. Cụ thể, Đá Tốc Tan cách bán đảo Cam Ranh khoảng 600km về phía Đông Nam, cách đảo Phan Vinh khoảng 27 km về phía Đông Nam, cách Đá Núi Le 11km về phía Tây Bắc và cách Bãi Thám Hiểm – thực thể đang bị Malaysia chiếm đóng và kiểm soát trái phép khoảng 95 km về phía Tây Bắc.
Đá Tốc Tan có chiều dài khoảng 19 km và trải dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và chiều rộng lớn nhất khoảng 6 km. Tổng diện tích của Đá Tốc Tan vào khoảng 75 km2 tương đương 7.500 ha. Khi thủy triều lên cao, toàn bộ bãi đá ngập trong nước. Khi thủy triều xuống thấp, một số khu vực nhô khỏi mặt nước.
Về bản chất, Đá Tốc Tan là rạn san hô không khép kín với thềm san hô bị gián đoạn ở phía Bắc và Nam. Thềm san hô tại Tốc Tan hình thành từ sự phun trào của các dãy núi lửa ngầm nằm từ dưới đáy biển hàng triệu năm về trước, tới mực nước biển thì dừng lại và sau này hình thành nên các thềm san hô. Trong đó, thềm san hô ở phía Bắc rộng lớn và liền mạch hơn, tạo thành vành đai liền. Thềm san hô phía Nam bị đứt quãng bởi các luồng nước hẹp và nông. Chính vậy, bãi san hô này đã tạo ra một lòng hồ rộng lớn có diện tích lên tới 45 km2 và độ sâu dao động từ 15 đến 20m.
Tháng 8 năm 1988, Phòng Bảo đảm Hàng hải Hải quân Việt Nam đã thả vào trong lòng hồ Tốc Tan ba phao buộc tàu, mỗi phao nặng 2 tấn để khi thời tiết xấu, thuyền có thể vào neo đậu tránh sóng gió. Mùa giông bão ở Trường Sa; lòng hồ Tốc Tan như một âu tàu lớn, là nơi tránh trú an toàn cho nhiều tàu cá của ngư dân và tàu vận tải của hải quân. Chính vì vậy mà từ lâu, Tốc Tan đã được coi là một trong những âu tàu tự nhiên lớn nhất tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sự gián đoạn của thềm san hô đã tạo thành nhiều luồng dẫn vào hồ, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí.
Là đảo chìm nên thảm thực vật ở đây nghèo nàn. Tuy nhiên vùng biển xung quanh Đá Tốc Tan và trong lòng hồ lại có rất nhiều loại hải sản kinh tế cao như là cá ngừ đại dương, cá thu, cá chim, cá mú,….. Đá Tốc Tan cũng hội đủ những khó khăn như các đảo đá khác tại quần đảo Trường Sa: thiếu đất đai, thiếu nước ngọt, thời tiết khắc nghiệt. Ngày trước thì cây cối và rau xanh rất khó trồng, nhiều vật nuôi được đưa từ đất liền ra cũng chỉ dăm bữa nửa tháng là chết. Tuy nhiên vượt qua khó khăn đó quân đội Việt Nam đã tạo dựng một môi trường sống ngày càng đầy đủ hơn với những vườn rau xanh, những đàn gia súc, gia cầm nhỏ để có thể cải thiện bữa ăn.
Quá trình xây dựng Đá Tốc Tan
Trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền năm 1988, Hải quân Việt Nam đã khẩn cấp ra đóng giữ Đá Tốc Tan khẳng định chủ quyền.
Sau đó, lực lượng Công binh Hải quân Việt Nam nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng thế trận phòng thủ trên đảo Tốc Tan, xây dựng ba điểm đóng quân là các nhà lâu bền trên thềm san hô ở phía Đông, phía Tây và phía Bắc của đảo, đặt tên là Đá Tốc Tan A, Đá Tốc Tan B và Đá Tốc Tan C.
Ngày nay, tại các đảo chìm tại quần đảo Trường Sa bên cạnh những ngôi nhà kiên cố do quân đội xây dựng, còn có những ngôi nhà văn hóa đa năng được ban, ngành địa phương của Việt Nam xây dựng phục vụ các hoạt động sinh hoạt văn hóa của lực lượng hải quân.
Tại Đá Tốc Tan B cũng có một cụm kết cấu bao gồm một nhà lâu bền và một nhà văn hóa đa năng được kết nối với nhau bằng một cây cầu bê tông. Nhà văn hóa đa năng Đá Tốc Tan B xây dựng với mức kinh phí khoảng 27 tỷ đồng gồm một tầng hầm và ba tầng nổi có chỗ trữ nước mưa, nước ngọt từ đất liền chở ra, có bể chứa dầu cung cấp cho công tác vận chuyển của các tàu bè; có các phòng sinh hoạt cộng đồng; có phòng đọc sách và phòng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ…
Công trình nhà văn hóa đa năng ở Đá Tốc Tan A và Đá Tốc Tan C cũng được xây dựng như vậy. Ở phía Đá Tốc Tan A và Đá Tốc Tan C Hải quân Việt Nam đã mở một luồng dẫn để tàu thuyền có thể ra vào thuận tiện hơn. Khi kết nối 3 điểm đảo này lại với nhau hình thành một lá chắn tam giác phòng thủ kiên cố để kiểm soát toàn diện về mọi mặt của Đá Tốc Tan.
Trong những năm gần đây, tại các điểm đảo của Lực lượng Hải quân Việt Nam đóng giữ thì đã được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động một trăm phần trăm nhu cầu nước sinh hoạt, là phủ sóng điện thoại. Ngoài ra là các điểm đảo cũng được trang bị hệ thống năng lượng gió kết hợp với pin năng lượng mặt trời góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của lực lượng trấn giữ tại đây.
Đá Tốc Tan điểm tựa cho Ngư dân.
Ngày nay, Tốc Tan là một đảo tiền tiêu có Hải quân bảo vệ đóng giữ và tạo thành thế trận phòng thủ vòng ngoài của Quần đảo Trường Sa, với hệ thống quân sự trận địa hoàn chỉnh, phương án chiến đấu, huấn luyện, rèn luyện kỷ luật xây dựng nề nếp chính quy, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.
Không đơn thuần là một đơn vị chiến đấu, lực lượng hải quân tại đây còn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn cấp thuốc và chia sẻ lương thực, thực phẩm cho ngư dân gặp nạn.
Hiện nay tại huyện đảo Trường Sa có ba trung tâm hậu cần kỹ thuật nghề cá và hai làng chài gồm: Trung tâm Hậu cần Kỹ thuật đảo Song Tử Tây, Trung tâm Hậu cần Kỹ thuật đảo Sinh Tồn và Trung tâm Hậu cần Dịch vụ Nghề cá đảo Đá Tây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam quản lý. Hai làng chài là làng chài Tốc Tan và làng chài Núi Le do Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn quản lý và vận hành. Nhiệm vụ chủ yếu của những trung tâm và làng chài này là cung ứng dịch vụ hậu cần, sửa chữa, thay thế vật liệu tàu cá, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, giữ vững môi trường hòa bình, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác và đánh bắt hải sản.
Làng chài Tốc Tan cũng đã nhiều lần hỗ trợ và cứu nạn cho nhiều tàu thuyền ngư dân đánh bắt tại Quần đảo Trường Sa.
T.P