Saturday, November 9, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội8 chuyến bay giải cứu, nhóm cựu cán bộ ĐSQ Việt Nam...

8 chuyến bay giải cứu, nhóm cựu cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Malaysia đút túi 11,6 tỷ

Quá trình tổ chức 8 chuyến bay giải cứu đưa công dân từ Malaysia về nước, cựu Đại sứ Trần Việt Thái và cán bộ thu tiền cao hơn quy định, hưởng lợi bất chính 11,6 tỷ.

Ông Trần Việt Thái.


Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 54 bị can liên quan vụ chuyến bay giải cứu, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, UBND Hà Nội…

Trong số này, 4 bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: Trần Việt Thái (cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia).

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra nhận được đơn tố cáo các cán bộ Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Malaysia thu tiền trái quy định của công dân Việt Nam đã chấp hành xong án phạt tù, đang ở trong các “trại chờ” của Malaysia (người mãn hạn tù), trong quá trình tổ chức các chuyến bay đưa họ về nước trong đại dịch COVID-19.

Kết quả điều tra, xác định, tháng 5/2020, bị can Trần Việt Thái được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia (Đại sứ), có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ĐSQ Việt Nam tại Malaysia. Ông Thái là người chỉ đạo và chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam ở Malaysia về nước trong đại dịch COVID-19.

Từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, ĐSQ Việt Nam tại Malaysia đã tổ chức 21 chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ Malaysia về nước. Trong đó từ tháng 5/2021 đến tháng 1/2022, ĐSQ Việt Nam tại Malaysia tổ chức 8 chuyến bay giải cứu, đưa 1.891 người đã chấp hành xong án phạt tù tại Malaysia về nước, cách ly tại các cơ sở tập trung của quân đội.

Để tổ chức 8 chuyến bay trên, bị can Trần Việt Thái đã phân công, chỉ đạo Nguyễn Hoàng Linh, Bí thư thứ 2 phụ trách văn hóa, báo chí, cộng đồng và Nguyễn Lê Ngọc Anh, Bí thư thứ 2 phụ trách công tác bảo hộ công dân chịu trách nhiệm chính tổ chức chuyến bay, đi khảo sát tại các trại chờ, xây dựng kế hoạch, phương án, đề xuất kinh phí, mức thu, chi.

Nguyễn Lê Ngọc Anh chịu trách nhiệm kết nối chủ ghe, chủ tàu, chủ sử dụng lao động, người nhà của người mãn hạn tù để yêu cầu nộp chi phí đưa người mãn hạn tù về nước. Nguyễn Hoàng Linh phụ trách công tác liên hệ, tổ chức đi thăm các trại, phối hợp với Cục nhập cư, các trại chờ của Malaysia trong quá trình tổ chức chuyến bay.

Đặng Minh Phương, cán bộ kế toán cùng Nguyễn Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh thực hiện giám sát, quản lý thu, chi kinh phí tổ chức chuyến bay; các cán bộ còn lại của Đại sứ quán phối hợp hỗ trợ một số công việc cụ thể khi có yêu cầu.

Sau đó, Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh và Đặng Minh Phương thảo luận, thống nhất mức thu tiền, báo cáo, đề xuất Trần Việt Thái quyết định thu của mỗi người mãn hạn tù 20,3 triệu đồng. Đối với những người không có hộ chiếu, Trần Việt Thái chỉ đạo thu 24.940.000 đồng (trong đó thu lệ phí cấp hộ chiếu là 4.640.000 đồng/cuốn), những người ở đảo xa cần mua vé máy bay về thủ đô thu 30 – 35 triệu đồng/người.

ĐSQ Việt Nam thông báo mức thu tiền nói trên cho người mãn hạn tù và người thân, chủ lao động để họ nộp cho Nguyễn Hoàng Linh cùng cán bộ ĐSQ trực tiếp đến các trại chờ lập danh sách công dân Việt Nam, phỏng vấn, xác minh nhân thân để làm thủ tục cấp hộ chiếu rút gọn cho họ về nước, đồng thời cho liên lạc điện thoại để người thân hoặc chủ lao động nộp tiền cho họ về nước.

Nguyễn Lê Ngọc Anh lập nhóm Zalo có sự tham gia của Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương và As Na Huy để cùng kiểm tra, giám sát, quản lý số tiền thu được trong việc tổ chức các chuyến bay.

Đến tháng 11/2021, sau khi tổ chức được 4 chuyến bay, do kết thúc nhiệm kỳ, Đặng Minh Phương về nước. Trần Việt Thái phân công, chỉ đạo Nguyễn Lê Ngọc Anh tiếp tục phụ trách quản lý thu, chi 4 chuyến bay còn lại.

Tổng số tiền các bị cáo đã thu được của người thân hoặc chủ lao động của những người mãn hạn tù là 44,6 tỷ đồng. Các bị can khai nhận sử dụng khoảng 33 tỷ đồng để chi phí cho việc tổ chức 8 chuyến bay, gồm: Thanh toán vé máy bay (16,5 tỷ đồng); nộp ngân sách lệ phí cấp hộ chiếu (hơn 1,9 tỷ đồng); phát tiền tại sân bay (gần 5,5 tỷ đồng); đưa bồi dưỡng cho cán bộ các trại chờ của Malaysia và xét nghiệm COVID-19 cho người mãn hạn tù (hơn 7,9 tỷ đồng); chi phí mua đồ ăn, gọi điện thoại, chi phí mua vé máy bay cho người mãn hạn tù ở đảo về đất liền và một số chi phí khác khoảng 1,2 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí tổ chức chuyến bay, số tiền còn lại là 11,6 tỷ đồng, Trần Việt Thái chỉ đạo sử dụng 1,15 tỷ đồng để chi phí hỏa táng cho những người mãn hạn tù bị chết vì COVID-19 (nhưng việc hỏa táng đã diễn ra trước khi thực hiện các chuyến bay giải cứu, nên không được chấp nhận); sử dụng 5,45 tỷ đồng chi cho các bị can và các cán bộ, nhân viên ĐSQ Việt Nam. Trong đó, bị can Trần Việt Thái được hưởng 580 triệu đồng, bị can Nguyễn Lê Ngọc Anh và Nguyễn Hoàng Linh được hưởng 480 triệu đồng, bị can Đặng Minh Phương được hưởng 220 triệu đồng.

Số tiền còn lại khoảng 5 tỷ đồng đã thu của người mãn hạn tù, Trần Việt Thái giao cho thủ quỹ Dương Hương Ly quản lý tại ĐSQ ở Malaysia. Ngày 28/3/2023, Dương Hương Ly đã giao nộp lại toàn bộ số tiền trên cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra thu giữ của Nguyễn Lê Ngọc Anh 750 triệu đồng. Bị can có đơn xin nộp tiền khắc phục hậu quả trong số tiền Cơ quan điều tra đã thu giữ.

Các bị can Trần Việt Thái, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương đã nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính, bị can Trần Việt Thái tự còn tự ứng tiền nộp số tiền 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cho số tiền còn lại do thủ quỹ Dương Hương Ly quản lý ở Đại sứ quán. Bị can Thái đề nghị được trả lại số tiền này (khi Thủ quỹ nộp lại số tiền đang quản lý).

Như vậy, quá trình tổ chức 8 chuyến bay giải cứu đưa người mãn hạn tù về nước, bị can Trần Việt Thái đã chỉ đạo bị can Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương thu tiền của công dân qua tài khoản của cá nhân, không thông qua tài khoản của Đại sứ quán và tài khoản quỹ Bảo hộ công dân theo quy định, không công khai các khoản thu, chi với công dân đã nộp tiền cho ĐSQ Việt Nam; thu, nộp, quản lý tiền lệ phí cấp hộ chiếu trái quy định của pháp luật; thu tiền cao hơn chi phí thực tế, sau đó sử dụng một phần để chia nhau, hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại về tài sản 11,6 tỷ đồng.

Bị can Đặng Minh Phương chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến 5 chuyến bay, với hậu quả thiệt hại hơn 6,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo lời khai của các bị can nêu trên, những cán bộ còn lại của ĐSQ Việt Nam ở Malaysia đều nhận được tiền bồi dưỡng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý trong giai đoạn sau của vụ án.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới