Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển ĐôngTrận hải chiến Hoàng Sa 1974 và việc TQ quân sự hóa...

Trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và việc TQ quân sự hóa trái phép đảo Quang Hòa

Vị trí và đặc điểm

Đảo Quang Hòa là một đảo san hô thuộc nhóm đảo lưỡi liềm của Quần đảo Hoàng Sa – thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép.

Không ảnh đảo Quang Hòa (lớn) và đảo Quang Hòa Tây (nhỏ) chụp vào tháng 12 năm 2012.

Đảo Quang Hòa nằm cách bán đảo Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng khoảng 361km về phía Đông, cách đảo Lý Sơn khoảng 298km về phía Đông Bắc. Như đảo Phú Lâm, đảo Quang Hòa gồm một đảo lớn và một đảo nhỏ nằm trên một thêm san hô ngập nước diện tích khoảng 4,7km2. Đảo lớn được gọi là đảo Quang Hòa Đông, đảo nhỏ được gọi là Quang Hòa Tây. Quang Hòa Đông có chiều dài tối đa lên tới 1.100m, chiều rộng tối đa khoảng 500m và có diện tích tự nhiên khoảng 32ha. Quang Hòa Tây là một đảo nhỏ có hình tam giác, chiều dài khoảng 250m, chiều rộng khoảng 200m và có diện tích tự nhiên khoảng 3,5ha. Hai đảo cách nhau bởi một mạch nước rộng khoảng 430m.

Theo báo cáo khảo sát ở phía Tây của đảo Quang Hòa Đông. có những cây Nhàu- (một loại cây dùng để làm thuốc, thường thấy ở nhiều vùng Nam Bộ Việt Nam) và một số loại cây khác. Khu vực phía Đông của đảo trơ trụi, chỉ có dây leo sát mặt đất.

Đảo Quang Hòa Tây cũng có những loại cây như là đảo Quang Hòa Đông nhưng thấp hơn. Qua hình ảnh vệ tinh, có thể thấy Quang Hòa là một đảo tươi tốt giữa Biển Đông với thảm thực vật xanh sinh trưởng dày đặc.

Từ khi chiếm đóng trái phép cho đến trước năm 2004, Trung Quốc đã nạo vét một âu tàu ở giữa hai đảo, tổng diện tích của âu tàu bao gồm cả luồng dẫn vào khoảng 31ha, đồng thời kết nối hai đảo này lại với nhau bằng một con đê bê tông dài khoảng 1.000m. Đá và các san hô nạo vét từ âu tàu thì dùng để mở rộng phần phía Nam của đảo Quang Hòa Đông, nâng diện tích của hòn đảo lên khoảng 43ha.

Cuối năm 2014 đầu năm 2015, Trung Quốc tiếp tục mở rộng đảo và nâng cấp âu tàu. Hiện nay đảo Quang Hòa Đông có chiều dài lên tới 1.260m, chiều rộng 820m và có diện tích vào khoảng 55ha. Đảo Quang Hòa Tây có chiều dài khoảng 600m, chiều rộng khoảng 290m và có diện tích khoảng 12ha, khi kết nối hai đảo này lại thì đảo Quang Hòa có diện tích là 67ha – tức là 0,67km2, biến đảo Quang Hòa trở thành đảo nổi lớn nhất khu vực nhóm lưỡi liềm.

Đảo Quang Hòa – nơi bắt đầu trận này chiến Hoàng Sa 1974

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã ghi dấu chân của ngư dân Việt Nam từ hàng ngàn năm trước và các triều đại phong kiến của Việt Nam qua nhiều thời kỳ cũng đã thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này.

Trong thời Pháp thuộc, Pháp luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền hai quần đảo này với tư cách là quốc gia bảo hộ Việt Nam. Tháng 4 năm 1956, quân đội viễn trinh Pháp rút khỏi Đông Dương, đội tuần tra của Pháp trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa được thay thế bằng đội tuần tra của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng khi đó, chính quyền Trung Quốc Đại Lục đã bí mật cho quân đổ bộ, chiếm phần đông của quần đảo Hoàng Sa, tức là cụm An Vĩnh, trong khi phía Tây tức là nhóm đảo lưỡi liềm trong đó có Đảo Quang Hòa vẫn do quân đội Việt Nam Cộng Hòa đóng giữ.

Đến nay, Trung Quốc vẫn tuyên truyền rằng: Cuộc tấn công vào khu vực quần đảo Hoàng Sa chỉ mang tính chất tự vệ. Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế chỉ rõ là Bắc Kinh đã bịa đặt trắng trợn.

Diễn biến là khởi đầu trận hải chiến vào ngày 11/1/1974, khi Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa, tức là Hoàng Sa và quần đảo Nam Sa, tức là Trường Sa, thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Kèm theo những lời tuyên bố vô căn cứ, Trung Quốc đã phái nhiều tàu vũ trang và tàu chiến xâm nhập hải phận Hoàng Sa. Ngay lập tức, Ngoại trưởng Việt Nam Cộng hòa, khi đó là Vương Văn Bắc, đã lên tiếng bác bỏ lời tuyên bố vô căn cứ và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc.

 Từ thời điểm này liên tục có những diễn biến căng thẳng trên cả thực địa lẫn ngoại giao. Đến ngày 16 tháng 1 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt của Việt Nam Cộng Hòa; khi thực thi nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa, đã phát hiện hải quân Trung Quốc gần đảo Hữu Nhật, đồng thời phát hiện ra quân Trung Quốc chiếm đóng và cắm cờ Trung Quốc tại một số hòn đảo – trong đó có đảo Quang Hòa.

Ngày 17/1/1974, hải quân Việt Nam Cộng hòa đã cử tàu khu trục Trần Khánh Dư đến nhổ cờ Trung Quốc tại các đảo trên. Cùng ngày,Trung Quốc quyết định huy động một lực lượng lớn hùng hậu tấn công quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Hoàng Sa. Một ngày sau hải quân Việt Nam Cộng hòa tăng cường Tuần dương hạm Trần Bình Trọng và hộ tống hạm Nhật Tảo hình thành một hải đoàn đặc nhiệm bảo vệ Hoàng Sa gồm: 4 chiến hạm là HQ-4, HQ-5, HQ-10 và HQ-16 do đại tá Hà Văn Ngạc chỉ huy. Lúc 23h cùng ngày, đại tá Hà Văn Ngạc nhận lệnh tái chiếm đảo Quang Hòa một cách hòa bình. Vị chỉ huy đối tượng hải đoàn chia làm hai phân đoàn đặc nhiệm. Phân đoàn 1 gồm: HQ4 và HQ5 do Trung tá Vũ Hữu Sang chỉ huy với nhiệm vụ có mặt tại phía Nam và Tây Nam của đảo Quang hòa để đổ bộ hai toán hành kích vào Việt Hải. Phân đoạn 2 gồm : HQ10 và HQ16 do Trung tá Lê Văn Tự chỉ huy, với nhiệm vụ giữ nguyên vị trí trong lòng vùng đảo Nghịch Thiềm để yểm trợ cho việc đổ quân. Nếu cuộc đổ bộ không thành thì các chiến hạm sẽ dùng hỏa lực để tiêu diệt hai chiến hạm chủ lực của địch là 271 và 274, còn quân Trung Quốc sẽ là mục tiêu tấn công cuối cùng. Về phía Trung Quốc, vẻ như đã chuẩn bị từ trước với lực lượng hùng hậu bao gồm một hạm đội gồm tám tàu chiến lục quân và không quân sẵn sàng tấn công vào Lực Lượng Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày 19/1/1974 quân Việt Nam Cộng Hòa tiến vào đảo Quang Hòa với mệnh lệnh chiếm lại đảo một cách hòa bình và không dùng vũ lực. Tuy nhiên quân lực Trung Quốc đang chiếm đóng trên đảo đã nổ súng làm thiệt mạng hai người và bị thương hai người. Hải quân Việt Nam Cộng Hòa quyết định phản kích. Trong đêm cả bốn chiến hạm tiến vào lòng chảo Hoàng Sa. Cuộc chạm trán giữa hai bên nổ ra vô cùng ác liệt.

Sau trận hải chiến, chiến hạm HQ10 bị trúng đạn bốc cháy mang theo 62 binh sĩ nằm lại mãi mãi ở Hoàng Sa, trong đó có hạm trưởng Ngụy Văn Thà; ba chiến hạm còn lại bị hư hại. Về phía Trung Quốc thì hai chiến hạm là 274 và 396 bị chìm và dạt vào bãi san hô. Hai chiến hạm 271 và 389 bị thiệt hại nặng nề, không rõ số binh sĩ bị thương và chết.

Sau cuộc đổ bộ thất bại của hải quân Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc đã chính thức chiếm đóng trái phép đảo Quang Hòa. Đến ngày 20/1/1974 hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã thất thủ hoàn toàn và Trung Quốc đã chiếm nốt nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Các công trình xây dựng trên đảo Quang Hòa

Từ sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép đảo Quang Hòa nói riêng và quần đảo Hoàng Sa nói chung, Trung Quốc tiến hành hàng loạt biện pháp củng cố sự hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp, bất chấp phản đối quyết liệt của Việt Nam và lên án của cộng đồng quốc tế. Ngoài mục tiêu áp đặt tuyên bố quyền phi pháp tại Hoàng Sa, những hành động này còn nhằm tạo bàn đạp để tiếp tục bành trướng ra toàn bộ biển Đông.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích đảo, Trung Quốc cũng đã cho xây dựng nhiều công trình mới. Trước năm 2014, việc xây dựng chỉ tập trung bên đảo Quang Hòa Đông. Đến năm 2015, việc bồi đắp, xây dựng đảo Quang Hòa mới thực sự được Trung Quốc tăng cường. Cũng trong giai đoạn từ cuối năm 2014 đến năm 2015, Trung Quốc đã cử nhiều tàu nạo vét đến khu vực này, hút cát từ đáy biển, là dùng đá và cát khai thác từ âu tàu để mở rộng diện tích của đảo Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây. Ngoài ra, đê chắn sóng cũng được tăng cường ở phía Bắc đảo Quang Hòa Tây. Âu tàu giữa hai hòn đảo này đã được mở rộng hơn, trở thành một âu tàu quan trọng với diện tích lên tới 38ha, có thể tiếp nhận các tàu dân sự và quân sự có trọng tải lên tới 5.000 tấn. Tại luồng vào Âu Tàu là hai ngọn đèn biển hướng dẫn tàu bè ra vào. Năm 2016, Trung Quốc đã đắp một con đường dài khoảng 330m, nối từ con đê bê tông ở phía Nam âu tàu ra ngoài khơi. Ở điểm đầu và điểm cuối con đường này cũng có hai ngọn đèn biển để tàu thuyền ở khu vực lân cận có thể dễ dàng tiếp cận đảo Quang Hòa.

Song song với việc mở rộng Âu tàu và hoạt động bồi đắp quy mô lớn là hàng loạt các công trình trái phép được dựng lên, đặc biệt ở khu vực bồi đắp tại đảo Quang Hòa Đông. Trong khu vực cải tạo mới ở đảo bao gồm 8 bãi đáp trực thăng và nhiều nhà chứa máy bay. Việc Trung Quốc xây căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa cho thấy Bắc Kinh đang phát triển một mạng lưới căn cứ trên biển đông, nhằm hỗ trợ các hoạt động chống tàu ngầm của trực thăng khi mà Bắc Kinh đã ngang nhiên điều trực thăng AFWZ18F ra khu vực này. Có thể nói, căn cứ trực thăng tại Quang Hòa không chỉ nâng cấp khả năng trinh sát và phản ứng của quân đội Trung Quốc, mà còn có thể thay đổi chiến lược tác chiến trên biển và trên không cả khu vực. Với việc sở hữu một căn cứ trực thăng như vậy đã khiến đảo Quang Hòa trở thành một trong hai căn cứ quân sự chiến lược tại quần đảo Hoàng Sa, chỉ sau đảo Phú Lâm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cho xây dựng các kho chứa nhiên liệu hòng biến Quang Hòa trở thành một trạm trung chuyển quan trọng để tiếp tế cứu hộ và cứu nạn tại quần đảo Hoàng Sa.

 Dọc theo các cầu cảng ở phía Nam và phía Đông của hòn đảo, có thể thấy các cấu trúc ngầm được xây dựng cùng thời điểm bồi đắp hòn đảo. Khả năng đây là nơi chứa vũ khí đạn dược và các thiết bị hậu cần. Còn ở phía Đông Bắc của đảo là một cấu trúc nửa chìm nửa nổi có hình tròn được xây dựng vào khoảng tháng 10 năm 2015 với đường kính từ 15 đến 28m, sau đó thì được phủ một lớp đất lên bên trên. Thông qua các hình ảnh vệ tinh, có thể thấy Trung Quốc đã cho xây dựng trái phép trên đảo một loạt các tháp cảm biến truyền thông che bằng vòm radar và các đài quan sát nằm rải rác xung quanh đảo.

Bên cạnh việc bồi đắp mở rộng quy mô của đảo Quang Hòa, Trung Quốc cũng đã triển khai nhiều vũ khí, khí tài đến đây. Tháng 4 năm 2018, quốc gia này đã neo đậu đồng thời 4 tàu chiến. Năm 2020, hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy tại âu tàu Quang Hòa xuất hiện hai con tàu cao tốc tên lửa tàng hình TYPE022. TYPE022 được hải quân Trung Quốc đưa vào hoạt động từ năm 2004. Kể từ đó số lượng tàu TYPE022 đã được đóng ước tính từ 40 đến 80 chiếc. Tàu này thì có tốc độ tối đa là 70 km/h và được xem là một trong tàu tên lửa tàng hình tấn công nhanh thế hệ mới của hải quân Trung Quốc.

Động thái của Việt Nam

Cho tới nay Bắc Kinh vẫn luôn cam kết sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng, xây dựng trái phép ở biển Đông và ngụy biện những vũ khí, thiết bị quân sự mà họ đặt trên các đảo này chỉ nhằm mục đích phòng vệ và cũng như là cứu hộ, cứu nạn. Nhưng những gì được phát hiện cho thấy Trung Quốc đang đi ngược lại với những cam kết này. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động chiếm đóng bằng vũ lực không thể giúp Trung Quốc xác lập chủ quyền phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa theo luật pháp quốc tế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới