Dân gian Trung Quốc tương truyền rằng, để ngửi được hương kỳ nam cần phải tích âm đức 3 đời, nếu tu được phúc khí 8 đời thì mới may mắn có cơ hội được thưởng thức trọn vẹn mùi hương của ‘báu vật’ này.
‘Phải tu 3 kiếp mới có thể gặp được kỳ nam’
Trong chương trình “Định giá cổ vật” phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào năm ngoái đã xuất hiện hình ảnh một bảo vật có xuất xứ từ Nha Trang, Việt Nam. Đó là chuỗi hạt đeo tay bạch kỳ nam nặng 35,6 gram được bán đấu giá ở mức 912.500 NDT (3.1 tỷ đồng).
Từ xa xưa, kỳ nam đã được xem là cống phẩm cao cấp của các triều đại vua chúa. Nó vừa là nguồn dược liệu quý, vừa mang tính phong thủy cao. Theo Imperial Harvest, kể từ thời nhà Hán, các Hoàng đế Trung Quốc đã dâng kỳ nam để cầu xin ngọc hoàng ban phước lành và thịnh vượng.
Ông Sư Tuấn Siêu – chuyên gia giám định thị trường Panjiayuan cho hay, kỳ nam được xem là “cực phẩm của trầm hương”.
“Phải tu 3 kiếp mới có thể gặp được kỳ nam” – Ông Siêu nói trong chương trình “Định giá cổ vật”.
‘Kim cương’ trong các loại hương liệu
Quả thật, kỳ nam vô cùng hiếm, nó được ví như “kim cương” và là “vua của các loại hương liệu” do có tính chất cố định hương (giữ hương thơm được lâu). Bên cạnh đó, giá thành cao chót vót của kỳ nam cũng khiến ít người có cơ hội sử dụng.
Kỳ nam và trầm hương đều là sản phẩm đặc biệt nằm trong lõi của cây dó bầu. Song, không phải cây nào cũng cho trầm. Cả nghìn cây mới có một cây cho trầm, cả triệu cây mới có cây cho kỳ.
Những cây cho trầm, kỳ thường là những cây bị thương tích. Khi cơ thể cây dó bị thương, cây sẽ tiết ra nhựa để bảo vệ vết thương và thứ nhựa đó là trầm, kỳ. Việc cây dó tạo trầm như thế nào vẫn là điều bí ẩn.
Trầm hương và kỳ nam đều hình thành trong lõi cây dó bầu và có cơ chế hình thành gần như nhau, nếu tích tụ tinh dầu đậm đặc thì là kỳ. Do đó, kỳ nam nặng hơn trầm hương.
Trên thế giới, kỳ nam được chia làm 4 loại chính: Bạch kỳ, thanh kỳ, huỳnh kỳ và hắc kỳ. Trong đó, hắc kỳ nam có sắc đen, chất dầu quyện cả vào thớ gỗ cứng và nặng. Huỳnh (hoàng) kỳ nam có sắc vàng, thanh kỳ nam thì có sắc ánh tím xanh, còn bạch kỳ nam có sắc trắng, chất mềm và rất nhiều dầu. Ngoài 4 loại trên, dân gian còn nhắc đến hổ kỳ nam với màu rằn rằn như da hổ.
Theo Laitimes, tên gọi “kỳ nam” có nguồn gốc từ ngôn ngữ Phật giáo. Trong lịch sử Phật giáo, nó dùng để chỉ một mùi hương kỳ lạ gắn liền với sự hóa thân của Đức Phật. Cũng chính vì lý do này, kỳ nam trở nên nổi bật và được yêu thích nhất trong giới Phật giáo.
Giá của kỳ nam được tính theo gam, bản thân kỳ nam hoàn toàn có thể được sử dụng như một tác phẩm nghệ thuật tự nhiên ngay cả khi không đi qua bất cứ công đoạn xử lý nghệ thuật nào. Nó mang dáng vẻ cổ kính, mùi thơm tự nhiên và có tiềm năng sưu tầm lớn.
Chuyên gia Trung Quốc cho biết, trong 4 loại trên, bạch kỳ nam vô cùng quý hiếm, được xem là “cực phẩm của cực phẩm”. Dưới các triều đại xưa, bạch kỳ nam chỉ dành cho Hoàng đế.
Theo ghi nhận của báo Lao động từ năm 2015, bạch kỳ nam có thể được bán với giá 50 tỷ đồng/kg. Đáng nói, thanh kỳ nam to bằng lon bia thả vào nước nếu nổi lưng chừng mới có giá 8-10 tỷ đồng/kg, còn nếu nổi trên mặt nước thì giá 4-5 tỷ đồng/kg.
Trung Quốc xem kỳ nam của Việt Nam là ‘cực phẩm’
Kỳ nam của Việt Nam rất có giá trị trên thị trường quốc tế, nhất là đối với Trung Quốc, Nhật Bản.
Theo Giáo sư Đinh Xuân Bá, Giám đốc Trung tâm sinh học ứng dụng SECOIN, một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu trong ngành trầm hương Việt Nam, kỳ nam là đặc sản, là bảo vật của Việt Nam. Nó không chỉ cho mùi hương khó tả, huyền bí và thanh lịch mà còn có khả năng trị liệu.
Tờ Laitimes cho biết, Trung Quốc luôn coi kỳ nam là một loại thảo dược quý, có dược tính tốt hơn các loại trầm hương thông thường. Nó có tác dụng giảm đau, giảm ho, hen suyễn, tăng cường chức năng tim mạch và cải thiện hệ miễn dịch.
Trong Đông y có nêu, kỳ nam có thể dùng để trị các chứng độc thủy do phong thổ gây nên, làm tiêu chứng chướng mãn, no hơi, đau bụng, ói mửa, hen suyễn thở gấp, hạ được nghịch khí, thông chứng bế do khí hư gây ra.
Xét về mùi hương, kỳ nam rất nổi bật. Như đã nói ở trên, nó được xem là “vua của các loại hương liệu”. Theo Oddity Central, tại Nhật Bản, kỳ nam còn được gọi là “kyara” và trở thành một loại hương liệu quý hiếm được sử dụng trong ngành công nghiệp nước hoa và ngành sản xuất nhang.
Đáng nói, theo Science Direct, vào tháng 12/2001, các nhà khoa học tại Viện Y học Tự nhiên, Đại học Toyama (Nhật Bản) đã mua 4.52g kỳ nam của sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa về nghiên cứu.
Họ đã tìm ra một hoạt chất sesquiterpene mới và chứng minh trong phòng thí nghiệm hiệu ứng kích cảm của nó trên quá trình sinh trưởng của “chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh” BDNF.
Theo các nhà khoa học Nhật Bản, hoạt chất này có khả năng điều trị một số bệnh liên quan đến thiếu hụt BDNF khiến con người bị trầm cảm, tâm thần phân liệt, tự kỷ ám thị, mất trí nhớ, Parkinson…
Về phương diện làm đồ trang sức, vòng tay kỳ nam rất được ưa chuộng bởi vẻ ngoài toát lên sự thanh lịch và khí chất. Không chỉ có sức hút với phái nữ, kỳ nam còn rất được phái nam ưa chuộng, một số người gọi đó là “Hermès ẩn mình trong chiếc vòng tay bằng gỗ”.
Nhiều doanh nhân Đài Loan (Trung Quốc) thì mua kỳ nam về làm chuỗi đeo tay, đeo cổ để trừ tà khí. Ý nghĩa tâm linh này cũng là một phần đẩy giá trị của kỳ nam lên rất cao.
Người Trung Quốc đánh giá hương thơm của kỳ nam Việt Nam là “cực phẩm” trong số các hương thơm của kỳ nam nói chung. Theo giới săn kỳ nam Trung Quốc, kỳ nam của Nha Trang, Việt Nam là nổi tiếng nhất.
Theo các ghi chép lịch sử, ngoài Nha Trang, quá trình khai thác kỳ nam còn được tiến hành tại Hải Nam (Trung Quốc), Campuchia, Lào, Malaysia. Tuy nhiên, trang tin Sohu (Trung Quốc) cho biết, trong những năm gần đây, chỉ ở Nha Trang là còn một lượng nhỏ kỳ nam, những khu vực khác gần như không còn.
Cũng theo trang tin này, ở Nha Trang có cả trầm và kỳ, khiến nhiều người dễ nhầm lẫn giữa hai loại. Song, trầm hương Nha Trang có mùi thơm ngọt giống như mật ong, còn mùi thơm của kỳ nam Nha Trang khiến người thưởng thức có cảm giác đang tận hưởng mùi hương của thiên nhiên, như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
T.P