Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngPhilippines mở 5 căn cứ đón quân Mỹ: Răn đe TQ

Philippines mở 5 căn cứ đón quân Mỹ: Răn đe TQ

Việc Mỹ hiện diện quân sự ở đây thực chất là để đối phó với Trung Quốc, ngăn cản những hành động hung hăng, hiếu chiến của nước này.

Ngày 18/3, Mỹ-Philippines đã đạt thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ được quyền sử dụng 5 căn cứ quân sự trong lãnh thổ của Philippines gồm: căn cứ không quân Antonio Bautista gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, căn cứ không quân Basa ở phía Bắc thủ đô Manila, căn cứ Fort Magsaysay ở TP Palayan, căn cứ không quân Lumbia trên đảo Mindanao và căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen ở tỉnh Cebu.

Mỹ được sử dụng 5 căn cứ nói trên để xây dựng công trình quân sự; luân phiên đồn trú tàu thuyền, máy bay và binh lính để thực hiện hành động hỗ trợ nhân đạo và an ninh trên biển.

Khi đánh giá về thỏa thuận này của Mỹ và Philippines, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhắc lại lịch sử mối quan hệ giữa hai quốc gia này. Theo đó, từ năm 1951, Mỹ và Philippines đã ký kết hiệp định an ninh song phương và thực tế từ năm 1951 đến năm 1975 Mỹ thường xuyên có mặt tại Philippines, đỉnh cao là  căn cứ quân sự Clark được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, khi ấy Trung Quốc chưa trở thành một đối tượng Mỹ cần phải quan tâm và suốt mấy chục năm, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines cũng đặt ra những vấn đề mà xã hội thấy cần thay đổi. Vì thế, Quốc hội Philippines đã ra nghị quyết từ năm 1991 Mỹ rời khỏi căn cứ Subic. 

Thời gian qua Mỹ thực hiện xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, gồm các nội dung:

Thứ nhất, củng cố, thắt chặt quan hệ với các đồng minh, trước hết là với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines.
 
Thứ hai, mở rộng quan hệ với các nước không phải đồng minh như Malaysia,  Singapore, Việt Nam.

Thứ ba, can dự vào vấn đề tranh chấp Biển Đông trên nguyên tắc thượng tôn luật pháp quốc tế.

Thứ tư, hiện diện quân sự.

Như vậy, việc quân đội Mỹ quay trở lại đồn trú tại các căn cứ quân sự của Philippines là nội dung thứ 4 trong chính sách xoay trục của Mỹ.

Vậy tại sao Mỹ quay lại sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines? Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ rõ: “Nếu Trung Quốc là một cường quốc không hiếu chiến, không có hành động gây hấn, không xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia láng giềng thì có lẽ Mỹ chẳng cần quay lại Philippines làm gì.

Mục đích của thỏa thuận được Mỹ-Philippines tuyên bố công khai là thực hiện hành động hỗ trợ nhân đạo và an ninh trên biển nhưng chủ yếu là để đối phó với hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Trung Quốc đang muốn khống chế Biển Đông, mọi tàu thuyền, máy bay đi qua Malacca vào Biển Đông phải do Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ. Cho nên việc Mỹ hiện diện quân sự ở đây thực chất là để đối phó với Trung Quốc, ngăn cản những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc, đảm bảo thượng tôn luật pháp quốc tế”.

Ông cũng đánh giá: “Động thái Philippines mời Mỹ vào 5 căn cứ quân sự thuộc lãnh thổ nước này có tác dụng răn đe trực tiếp đối với Trung Quốc, Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm. ‘Theo thông tin từ truyền thông Phương Tây, Trung Quốc đã lắp radar tần số cao ở Đá Châu Viên thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và radar này có khả năng kiểm soát gần như toàn bộ vùng biển, vùng trời từ eo biển Malacca đến Biển Đông. Trung Quốc lại lắp 2 tổ hợp tên lửa với 8 giàn phóng HQ-9, với hệ thống này Trung Quốc đã cơ bản quân sự hóa Biển Đông.

Cho nên, việc Mỹ đưa quân đồn trú ở 5 căn cứ của Philippines là cần thiết và kịp thời trước khi Trung Quốc hoàn chỉnh các căn cứ quân sự trên Biển Đông và chắc chắn động thái này sẽ tác động đến Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không hung hăng, gây sự, bồi đắp thành trì, sân bay quân sự, bến cảng, đưa tên lửa đến Phú Lâm (thuộc chủ quyền Việt Nam), lắp radar tần số cao thì có lẽ Mỹ chưa vội vàng đưa quân đến các căn cứ quân sự của Philippines”.

Vị chuyên gia dự đoán, động thái này của Mỹ và Philippines chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, trong khi các nước ASEAN sẽ có các phản ứng khác nhau. Nhưng Trung Quốc có thể kích động, đặt ngược vấn đề: quân đội Mỹ được đồn trú tại căn cứ quân sự của Philippines thì Trung Quốc có được đồn trú tại căn cứ của các quốc gia trong khu vực không?

Đối với Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc hiện diện quân sự của Mỹ tại các căn cứ của Philippines nếu góp phần thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển thì chúng ta ủng hộ. Nhưng nếu sự hiện diện đó tạo ra một căng thẳng mới thì cần phải xem xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới