Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAi “soi” ông Antony Blinken?

Ai “soi” ông Antony Blinken?

Ngoại trưởng Mỹ thiếu gì các chuyến công du toàn cầu. Vậy mà thời điểm này, Bắc Kinh quan tâm chuyến thăm Việt Nam của ông Antony Blinken như một sự kiện ngoại giao đặc biệt.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Tổng thống Joe Biden hồi tháng 7/2015, tại Washington DC

Không tính chuyện nhỏ hay to. Nhỏ đến như hòn đảo Đài Loan – trong mắt Trung Nam Hải chỉ đáng hàng “tỉnh”, vậy mà mỗi khi nhân vật hàng “thần” Thái Anh Văn gặp một nhà lãnh đạo Mỹ nào đó là y rằng, Bắc Kinh làm um lên như vừa phản ứng lại chuyến “quá cảnh” bờ Tây nước Mỹ đáng ngờ của “tài nữ” xứ Đài.

So thế để thấy, nhỏ/to chưa hẳn đã là điều cần quan tâm nhất. Vấn đề là tầm quan trọng với Mỹ. Dưới giác độ này, Việt Nam trong con mắt Washington không thể “nhỏ”, mà là “lớn” – một sự “lớn” chẳng kém quốc gia nào khác xét trên bình diện Châu Á- Thái Bình Dương.

Nếu có ai đó còn nghi ngờ, xin cứ nghe ông Marc Knapper. Ông đại sứ Mỹ tại Việt Nam này đã nói những gì? Chẳng cần dẫn nhiều, chỉ cần biết trong lần trò chuyện cởi mở với cánh báo chí cả “tây” và “ta”, ngoài thống kê cụ thể các chuyến ngoại giao tương tác mà hai bên đã triển khai và mang lại kết quả, nhà ngoại giao này đã nhấn mạnh những là: số lượng sinh viên Việt Nam tìm tới Mỹ học tập như một sự gửi gắm niềm tin về chất lượng; vai trò không thể thiếu của Việt Nam trong cấu trúc kinh tế khu vực; đóng góp của Hà Nội trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)…Mà IPEF thì Mỹ coi trọng lắm lắm.

Kết lại, chẳng biết có phải bắt chước ông Biden “lẩy” câu Kiều của cụ Tố Như thật là đắc địa trong lần tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Mỹ: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” để ví von, để hàm ý tương lai sáng sủa của quan hệ Việt – Mỹ hay không, mà ông Marc Knapper cũng dẫn lời văn hào người Anh William Shakespeare: “Có gọi hoa hồng bằng cái tên nào khác thì nó vẫn cứ ngọt ngào…”.

Cách ví ấy cho thấy, ông và chính giới Mỹ đã thấu hiểu bối cảnh chính trị cụ thể có thể tác động đến các quan hệ ngoại giao; nhấn mạnh rằng: thực chất và kết quả quan hệ Việt – Mỹ còn quan trọng hơn nhiều những ngôn từ hoa mỹ có tính hình thức…Và ông Marc Knapper hẳn cũng muốn làm thỏa mãn cánh nhà báo thóc mách cứ hỏi xoáy mãi “Bao giờ thì quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nâng cấp thành “đối tác chiến lược”; lại lộ ra cái ý rằng: Đừng có đoán già đoán non. Coi trọng thực chất quan hệ – đó là quan điểm của cả hai bên Việt Nam và Mỹ, chứ chẳng phải của một bên…

Tuy nhiên, dư luận vẫn có lý của họ: gì thì thì gì, “chính danh” vẫn hơn. Có thể mới giải thích thuyết phục vì sao cả hai bên đều hào hứng, nhiệt tình thể hiện qua các động thái ngoại giao gần đây.

Không nhắc lại chuyến thăm chính thức Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng năm 2015, bởi báo chí đã nói nhiều, tiếng vang vẫn còn vọng đậm. Cũng tạm không tính các chuyến thăm, làm việc cấp thấp liên tục như “con thoi”. Gói trong cái “gần đây” đó, điểm nhấn hẳn phải là chuyến thăm Mỹ thành công của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Washington hồi tháng 5/2022 nhân sự kiện Thượng đỉnh đặc biệt Mỹ – ASEAN. Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cùng ông Biden cười rạng rỡ khi gặp nhau chẳng đã nói lên nhiều điều, chẳng đã thể hiện kết quả mỹ mãn các cuộc làm việc giữa hai nhà lãnh đạo hay sao?

Sau nữa, nóng sốt nhất là cuộc điện đàm giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Biden ngày 29/3 vừa qua.

Truyền thông quả tinh tường nhận xét cuộc điện đàm này như “một sự tương tác hiếm hoi của Tổng thống Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài không phải là nguyên thủ quốc gia hay thuộc về chính phủ”.

Chính cái sự hiếm đó cho thấy, trong quan hệ với Việt Nam, thời gian và thực tế đã khiến người Mỹ thay đổi tư duy ngoại giao với một cựu thù mà họ từng mặc định. Một sự thay đổi có tính đột phá – có thể khẳng định thế – khiến cho con đường hai quốc gia từng là cựu thù đến với nhau thêm phần thênh thang hơn.

Đặc biệt, những thông tin chính thức về cuộc điện đàm còn chứa đựng nội dung sinh động hơn nhiều dòng ngôn từ xã giao khẳng định hai bên “nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương”; ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. Đó là gì? Là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Joe Biden đã nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau.

Cái cách đưa tin của cánh báo chí Hà Nội rằng: “Hai nhà lãnh đạo vui vẻ nhận lời và giao các cơ quan liên quan thu xếp thời gian thích hợp” dường như cố ý làm toát lên cái sự hể hả, hoan hỷ, sẵn lòng của một đằng là ông chủ “Nhà đỏ” ở Hà Nội, một đằng là ông chủ Nhà trắng ở Washington.

Để chắc như đinh cái sự kiện trong thì tương lai đó, cánh báo chí phương Tây còn nêu cái lý thật khó bẻ rằng: sau chuyến thăm Việt Nam lịch sử năm 2000 của ông Bill Clinton, các ông chủ Nhà trắng tiếp theo như ông George W. Bush, Barack Obama, Donald Trump đều đã lần lượt thực hiện các chuyến thăm Việt Nam và được chủ nhà dành cho sự trọng thị đặc biệt.

Vậy thì ông Biden, hà cớ gì lại không thể có mặt ở Hà Nội cơ chứ, để gặp lại ông “bạn văn” Nguyễn Phú Trọng sau 8 năm xa cách; để mà cùng lẩy Kiều; để mà vun thêm cho cái cây Việt – Mỹ thêm xanh, thêm tươi?

Thế nên khi ông thượng nghị sĩ Mỹ Jeff Merkley tiết lộ trong cuộc họp báo ở Hà Nội rằng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiện thể chuyến công du Nhật Bản tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng Nhóm G7 diễn ra từ ngày 16 đến 18/4, sẽ ghé Hà Nội vào ngày 15/4, dư luận sao có thể không nghĩ rằng: các công việc khác hẳn chỉ là “râu ria”, còn lại, nhiệm vụ chính của ông Blinken tại Hà Nội những ngày sắp tới hẳn là thu xếp để ông chủ Nhà trắng thăm Việt Nam trong năm nay để đáp lại lời mời của ông Nguyễn Phú Trọng.

Từ cái sự sốt sắng đó mà suy, chẵn dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam vào tháng 7 tới, biết đâu cộng đồng quốc tế lại chẳng chứng kiến một cái gì mới mẻ hơn, đột phá hơn trong quan hệ Việt – Mỹ?

Dễ đoán, và đoán chắc: “soi” kỹ và khó chịu nhất trước các động thái ngoại giao Việt Nam – Mỹ thời điểm này là Trung Quốc vậy?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới