Monday, December 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDN TQ sang Việt Nam xây nhà máy

DN TQ sang Việt Nam xây nhà máy

Theo yêu cầu từ đối tác ở châu Âu, châu Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc đang có nhu cầu chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.

Trong quá trình này, khu vực phía Bắc được ưu tiên lựa chọn do có vị trí gần Trung Quốc hơn và giá thuê đất khu công nghiệp cạnh tranh hơn so với miền Nam.

Doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng chú ý tới Việt Nam

Ngày 27/3/2023, Vietnam Investment Consulting (VNIC) phối hợp cùng YueQiBao tổ chức Hội thảo giao lưu khảo sát môi trường đầu tư tại Việt Nam cho Doanh nghiệp điện tử Trung Quốc 2023.

Hội thảo đem tới cơ hội thúc đẩy kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp, giới thiệu môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư hiện hành của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm từ những nhà đầu tư đi trước, đặc biệt trong ngành công nghiệp điện tử tại miền Bắc Việt Nam.

Theo ông Trần Đức Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Andes E&C, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, kể cả doanh nghiệp Trung Quốc, đang xem Việt Nam là địa điểm hấp dẫn để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất.

Lý do là vì Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng được nguồn cung lao động trình độ cao, giá nhân công cạnh tranh với có nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thêm nữa, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, có nhiều tuyến giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kể cả dây chuyền sản xuất.

Ưu tiên các tỉnh phía Bắc

Trong khi đó, Đầu tư chứng khoán dẫn phân tích của ông Đỗ Hồng Quân, Tổng giám đốc Vietnam Investment Consulting (VNIC) cho biết, từ năm 2019 đến nay, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu thuê đất và nhà xưởng tại Việt Nam là rất lớn.

Theo ông Quân, các tỉnh Bắc Ninh hay Bắc Giang là những địa điểm mà doanh nghiệp Trung Quốc ưu tiên lựa chọn, vì hai tỉnh này có lợi thế nằm ở cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, với nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 17, Quốc lộ 18, Quốc lộ 38, gần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các cảng biển quan trọng khác.

Về tổng quan thị trường nhà xưởng công nghiệp tại miền Bắc Việt Nam, ông Paul Tonkes, Phó giám đốc Phòng Kinh doanh & Marketing của Core5 Vietnam cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, khu vực trọng điểm của nhà xưởng công nghiệp xây sẵn cho thuê vẫn nằm ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… với mức giá cho thuê cạnh tranh từ 4,5 – 6,5 USD/m2. Ngoài ra, ở các khu vực khác có thị trường mới nổi như Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam… có mức giá cho thuê từ 3,5 – 4,6 USD/m2”.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện tại, giá thuê đất cao trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh vào khoảng 120 – 160 USD/m2, ở Bắc Giang từ 115 – 145 USD/m2, tại Hải Phòng là 100 – 135 USD/m2.

Một tỉnh khác là Hải Dương cũng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, do nằm gần Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng. Tỉnh này là lựa chọn ưu tiên của một số doanh nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp điện tử có nhà máy đặt tại các tỉnh trên. Giá thuê đất ở Hải Dương hiện dao động từ 85 – 100 USD/m2.

Tuy vậy, dù giá thuê đất tại các khu công nghiệp phía Bắc gia tăng, nhưng nó vẫn thấp hơn so với khu vực phía Nam. Năm 2022, tại miền Nam, giá thuê đất công nghiệp ở thị trường cấp 1 (thủ phủ công nghiệp phát triển) tăng trung bình 8 – 13%, đạt 166 USD/m2. Trong khi đó, giá thuê tại các thị trường cấp 1 ở phía Bắc trung bình chỉ khoảng 120 USD/m2.

Chính vì lẽ đó, việc có vị trí gần Trung Quốc hơn và giá thuê đất khu công nghiệp cạnh tranh hơn đã giúp các khu công nghiệp phía Bắc thuận lợi đón xu hướng chuyển dịch sản xuất.

Theo ông Đỗ Hồng Quân, làn sóng chuyển dịch sản xuất hiện tại chủ yếu là do chính sách Zero-Covid của Trung Quốc trước đó, gây ra hiện tượng sản xuất đình trệ và đứt gãy chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và các nước khác. Để hạn chế tình trạng này xảy ra thêm một lần nữa, các đối tác châu Âu và châu Mỹ mong muốn các công ty sản xuất Trung Quốc có thêm nhà máy bên ngoài lãnh thổ, phòng trường hợp bất trắc xảy ra thì hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng vẫn được duy trì.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới