Chính quyền Mỹ đang tìm cách kiểm soát tác động của vụ rò rỉ tài liệu mật đối với an ninh quốc gia và mối quan hệ với đồng minh.
Chuyện gì đã xảy ra?
Reuters hôm qua đưa tin ảnh chụp nhiều trang tài liệu mật, được cho là các đánh giá tình báo của quân đội Mỹ, đã xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trong vài tháng qua nhưng đến ngày 6.4, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin mới được báo cáo. Một số được đóng dấu tuyệt mật, đồng nghĩa chỉ có thể được chia sẻ trong số ít các quan chức hàng đầu.
Theo CNN, hàng chục tài liệu được biên soạn từ tháng 2 và tháng 3, trong khi tổ chức báo chí điều tra độc lập Bellingcat cho rằng một số có thể đã được tung lên mạng từ trước tháng 1.2023.
Đa số tài liệu liên quan xung đột tại Ukraine. Theo AFP, một số tài liệu cung cấp thông tin về tình trạng chiến sự tính đến đầu tháng 3 và một số mô tả tình hình tại các mặt trận như TP.Bakhmut, hay thông tin về lực lượng của Ukraine, nỗ lực viện trợ của quốc tế cho Kyiv.
Mặt khác, cũng có những tài liệu liên quan đối thủ và cả đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Israel, dấu hiệu cho thấy Washington đã lén theo dõi những nước này. Reuters trích dẫn một tài liệu mô tả chi tiết việc thảo luận nội bộ của giới chức Hàn Quốc về việc Mỹ gây sức ép để nước này cung cấp vũ khí cho Ukraine. Một báo cáo của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tổng hợp từ thông tin nghe lén cho rằng cơ quan tình báo Mossad của Israel đã khuyến khích các cuộc biểu tình chống lại kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Một thông tin đáng chú ý khác được tờ The Washington Post khai thác hôm qua là tài liệu tuyệt mật liên quan cuộc thảo luận của giới chức Ai Cập, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, về kế hoạch bí mật cung cấp 40.000 rốc két cho Nga. Tài liệu đề ngày 17.2, trong đó cho thấy Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi đã chỉ thị cấp dưới sản xuất rốc két và chuyển cho Nga một cách bí mật nhằm tránh vấn đề với phương Tây.
Theo CNN, một số quan chức Mỹ thừa nhận độ xác thực của nhiều tài liệu bị rò rỉ. Trong khi đó, ít nhất một tài liệu được cho là đã bị chỉnh sửa để gia tăng số thương vong của Ukraine và giảm của Nga so với thực tế.
Đằng sau vụ rò rỉ
Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự, trong khi Lầu Năm Góc cũng nhân vụ này để đánh giá lại việc chia sẻ thông tin tình báo nội bộ. Từ khi vụ rò rỉ được chú ý vào tuần trước, đã có nhiều giả thuyết được nhắc đến về động cơ thật sự đằng sau. Nhiều người coi tài liệu về thương vong của hai bên xung đột tại Ukraine như bằng chứng của việc Nga đứng sau vụ rò rỉ nhằm phơi bày điểm yếu và tác động tinh thần của Ukraine. Một số khác nghi ngờ đây là âm mưu của Ukraine nhằm che giấu sức mạnh thật sự trước kế hoạch phản công được chờ đợi từ lâu.
Một vài tài liệu đóng dấu FVEY, viết tắt của Five Eyes (Ngũ Nhãn), đồng nghĩa nó có thể được tiếp cận bởi hàng ngàn người trong liên minh chia sẻ tình báo giữa Anh, Canada, Mỹ, New Zealand và Úc. Tuy nhiên, cũng có tài liệu đóng dấu NOFORN, ý nói không được chia sẻ cho các cơ quan tình báo nước ngoài. Điều này dẫn đến suy đoán nguồn rò rỉ chỉ có thể là trong nội bộ Mỹ.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 10.4, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby nói Mỹ thật sự lo ngại về khả năng có thêm tài liệu mật bị công bố và thừa nhận: “Chúng tôi không biết ai đứng sau chuyện này và động cơ là gì”.
Đây được coi là vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng nhất của chính phủ Mỹ từ năm 2013, khi 700.000 tài liệu, điện tín ngoại giao và video được công bố trên trang WikiLeaks. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Meagher đánh giá việc tài liệu được lưu hành trên mạng đặt ra nguy cơ “rất nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia và các nguồn tình báo của Mỹ.
T.P