EU sẽ trả lại dự trữ ngoại hối bị đóng băng của Nga, báo Đức Die Welt đưa tin.
Tờ báo Đức trích dẫn một tài liệu nội bộ nói rằng các quan chức EU biết không thể giữ tiền của Nga hoặc chuyển số tiền này sang giúp Ukraina.
Ủy ban châu Âu kết luận, gần như chắc chắn cuối cùng sẽ phải trả lại các khoản dự trữ bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga – tờ Die Welt đưa tin hôm 13.4.
Việc hoàn trả có thể diễn ra khi cuộc xung đột Nga – Ukraina kết thúc. Kiev đã kêu gọi được sử dụng số tiền này để tái thiết sau chiến tranh.
Theo bài báo, trong khi các quan chức hàng đầu của EU, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, công khai ủng hộ ý tưởng chuyển tiền cho Ukraina, thì điều này sẽ khó thực hiện trên thực tế và nhiều khả năng sẽ thất bại vì một số lý do.
Ví dụ, dự trữ bị đóng băng của ngân hàng trung ương Nga, được cho là có tổng trị giá 300 tỉ euro, nằm rải rác khắp châu Âu và gửi vào nhiều tài khoản, thường không có liên kết trực tiếp với Mátxcơva. Do đó, EU không biết chính xác tất cả số tiền đó ở đâu.
Ngay cả khi các quan chức xác định được nguồn tiền, vẫn sẽ có một câu hỏi lớn về việc liệu EU có thể chiếm đoạt số tiền một cách hợp pháp và sử dụng tiền khi thấy phù hợp hay không.
Theo tài liệu nội bộ mà Die Welt đã xem, Ủy ban châu Âu đã đi đến “kết luận nghiêm túc” rằng, khoản dự trữ bị đóng băng của Nga “không được động đến vì một ngày nào đó, khi chiến tranh kết thúc, chúng sẽ phải được trả lại cho Nga”.
Tuy nhiên, giới chức EU được cho là đang cố gắng tìm cách vượt qua các rào cản. Một ý tưởng là nên đầu tư tiền và ít nhất là chuyển tiền lãi cho Ukraina. Nếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ châu Âu, dự trữ của ngân hàng trung ương Nga có thể mang lại lãi suất lên tới 2,6% mỗi năm.
Một “biện pháp đặc biệt” như vậy có thể khả thi về mặt pháp lý. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro “rất thấp” vì có thể thua lỗ và do đó, tiền sẽ bị “bốc hơi”.
Theo tờ Die Welt, liên quan đến tài sản của các nhà tài phiệt Nga ở EU, Ủy ban châu Âu tin rằng một số cá nhân trong số đó cho đến nay đã lọt vào tầm ngắm của chính quyền, nhưng một số quốc gia thành viên dường như không còn mặn mà với việc theo dõi những nhà tài phiệt này.
Tờ báo lưu ý, ngay cả khi tất cả tài sản được tìm thấy và phong tỏa, chúng cũng không thể bị tịch thu. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu chứng minh được các tỉ phú thực sự phạm tội mà nỗ lực pháp lý như vậy có thể mất nhiều năm.
EU đã đóng băng dự trữ của ngân hàng trung ương Nga ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraina vào cuối tháng 2 năm ngoái. Mátxcơva đã lên án hành động của Brussels là hành vi trộm cắp.
T.P