Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Macron được kỳ vọng thể hiện sự đoàn kết của châu Âu, nhưng rốt cuộc lại khiến châu lục thêm chia rẽ.
Chuyến công du Trung Quốc ba ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gây chú ý ngay cả trước khi bắt đầu, khi phái đoàn tháp tùng ông có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Pháp. Sau khi kết thúc, chuyến thăm thậm chí được chú ý nhiều hơn, nhưng đó là phản ứng giận dữ ngày càng gay gắt và lan rộng ở châu Âu.
Làn sóng phẫn nộ xoay quanh cuộc phỏng vấn giữa ông Macron với phóng viên Politico và Les Echos trên chuyên cơ COTAM Unité trên đường từ Trung Quốc về Pháp. Trong cuộc phỏng vấn, ông đã đưa ra loạt tuyên bố được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi là “hợp lý” và “sáng suốt”.
Trong cuộc phỏng vấn, đề cập tới vấn đề Đài Loan, ông Macron cảnh báo châu Âu không nên “bị cuốn vào cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”. Tổng thống Pháp nói rằng ông hy vọng lục địa có thể xây dựng “khả năng tự chủ chiến lược”, thay vì trở thành “chư hầu” phục vụ các chương trình nghị sự của một cường quốc lớn hơn.
“Câu hỏi mà người châu Âu cần trả lời là liệu chúng ta có lợi hay không khi thúc đẩy cuộc khủng hoảng về Đài Loan? Câu trả lời là không. Điều tệ hơn là nghĩ rằng châu Âu chúng ta phải dõi theo chủ đề này và chịu ảnh hưởng từ chương trình nghị sự của Mỹ hay phản ứng quá mức của Trung Quốc”, ông nói.
Emily Rauhala, nhà phân tích của Washington Post, nói rằng Trung Quốc ủng hộ tầm nhìn về “tự chủ chiến lược” của ông Macron, coi khái niệm này là cú hích để chia rẽ châu Âu và Mỹ.
“Việc những bình luận của ông Macron phù hợp với đường lối của Bắc Kinh sẽ khiến các đồng minh không hài lòng trong bất kỳ trường hợp nào, nhưng thời điểm này đặc biệt nhạy cảm”, Rauhala cho hay.
Đó là vì trong lúc ông Macron trên chuyên cơ, các tiêm kích Trung Quốc đang áp sát đảo Đài Loan, động thái đáp trả cuộc gặp giữa lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, khiến căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng ông Macron đã làm hài lòng Trung Quốc và khiến Pháp trở thành rào cản giữa Mỹ và châu Âu. Đồng thời, những bình luận của ông Macron cũng thúc đẩy chia rẽ trong lục địa về cách tiếp cận với Trung Quốc.
“Tổng thống Pháp kết thúc chuyến thăm Trung Quốc với tâm trạng khá hài lòng trong lúc Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận xung quanh đảo Đài Loan. Ông ấy cũng chỉ trích Mỹ và không tạo khoảng cách với Trung Quốc”, Antoine Bondaz, chuyên gia về Đài Loan tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược tại Pháp, nói.
Liên minh liên nghị viện về Trung Quốc, với sự tham gia của hàng chục nhà lập pháp trên thế giới nhưng chủ yếu ở châu Âu, đã ra tuyên bố rằng “bình luận của Tổng thống Macron không phù hợp với quan điểm của các cơ quan lập pháp châu Âu và thế giới”. Họ nói sự thờ ơ của ông Macron với tình hình của Đài Loan là coi thường “vị trí quan trọng của hòn đảo trong nền kinh tế toàn cầu” và làm suy yếu cam kết hàng thập kỷ của cộng đồng quốc tế về duy trì hòa bình trên eo biển Đài Loan.
“Liệu ông Macron có thực sự tin rằng việc Trung Quốc tìm cách định hình trật tự thế giới dựa trên lợi ích và sức mạnh của họ không phải là việc của châu Âu?”, Norbert Roettgen, cựu lãnh đạo ủy ban đối ngoại quốc hội Đức, nói.
Roettgen thêm rằng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp đã tác động rất tiêu cực tới chính sách đối ngoại của châu Âu.
“Chúng tôi tin rằng Mỹ cần hiện diện nhiều hơn ở châu Âu. Ngày nay, Mỹ là bên đảm bảo an ninh cho châu Âu, chứ không phải Pháp”, Marcin Przydacz, cố vấn chính sách của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, chia sẻ quan điểm ngày càng được ủng hộ ở Trung Âu và Đông Âu.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Macron được kỳ vọng thể hiện tinh thần đoàn kết của châu Âu, khi ông đồng hành với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong phần lớn thời gian ở đây. Tuy nhiên, mục đích chuyến thăm của họ dường như rất khác biệt, khi bà Von der Leyen bày tỏ lập trường rõ ràng và cứng rắn hơn về mối đe dọa của Trung Quốc với châu Âu.
“Nỗi bất bình với Pháp ngày càng gia tăng ở các nước châu Âu, đặc biệt là Đông Âu, nơi tỏ rõ thất vọng với những bình luận của ông Macron về cuộc chiến của Nga. Ông ấy giờ đây lặp lại điều đó với Trung Quốc, khi gửi thông điệp rằng châu Âu cần tránh xa Mỹ”, Noah Barkin, cố vấn cấp cao tại công ty nghiên cứu Rhodium Group, cho hay.
Phản ứng với các bình luận của ông Macron có thể thúc đẩy EU theo đuổi lập trường cứng rắn hơn, theo Barkin. “Chúng tôi có thể thấy các thành viên EU ngày càng ủng hộ chương trình nghị sự an ninh kinh tế của bà Von der Leyen, dường như để gửi thông điệp rằng ông Macron không đại diện cho châu Âu”, ông nói.
Tại Mỹ, nhiều nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Macron quay lưng với Đài Loan và coi lập trường của ông là bằng chứng cho sự thiếu thận trọng của châu Âu. “Ông Macron muốn Mỹ tới giải cứu châu Âu khỏi Nga, nhưng lại tuyên bố quan điểm trung lập với những hành động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương”, thượng nghị sĩ John Cornyn đăng trên Twitter ngày 10/4.
Các nhà ngoại giao Pháp nỗ lực cứu vãn tình hình bằng cách tuyên bố rằng bình luận của ông Macron đã bị hiểu sai. Họ dẫn bài phỏng vấn đầy đủ mà Les Echos đã đăng, cho thấy Tổng thống Pháp đưa ra quan điểm phức tạp và tỏ rõ lập trường hơn. Họ nhấn mạnh Pháp không cố chọn lối đi trung lập giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng minh lâu năm của Paris.
Pascal Confavreux, phát ngôn viên của Đại sứ quán Pháp ở Washington, khẳng định trên Twitter rằng lập trường của Pháp với Đài Loan không thay đổi.
“Những gì Pháp muốn nói là nếu chúng ta không thể chấm dứt xung đột Ukraine, chúng ta lấy đâu uy tín để xử lý vấn đề Đài Loan?”, Confavreux cho hay. Ông thêm rằng Paris muốn lôi kéo Trung Quốc tham gia vào nỗ lực kiến tạo hòa bình và ổn định ở Ukraine.
Các nhà quan sát cho rằng châu Âu không có khả năng tự chấm dứt xung đột Ukraine và điều này chỉ cho thấy họ cần Mỹ. Song Confavreux tranh luận rằng xây dựng sự tự chủ chiến lược cho châu Âu là động thái tốt với Mỹ và ông Macron luôn nhất quán về tất cả các rủi ro, trong đó có tham vọng xóa bỏ tư tưởng “bè phái”.
Benjamin Haddad, nghị sĩ Pháp, cho rằng Mỹ đang thể hiện tiêu chuẩn kép. Trong khi lưỡng đảng Mỹ đạt đồng thuận về lập trường chống Trung Quốc, thương mại song phương với nước này đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái.
“Cách tốt nhất để châu Âu đối phó với Trung Quốc là thúc đẩy quyền tự chủ và giảm phụ thuộc công nghệ, công nghiệp vào Trung Quốc. Đó là những gì ông Macron đang ủng hộ”, Haddad viết trên Twitter. “Với việc thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại hiện nay, Mỹ không giúp ích cho chương trình nghị sự này của châu Âu”.
Trong khi đó, Mỹ cố gắng xua tan hoài nghi về sự chia rẽ giữa hai đồng minh lâu năm về chính sách ở châu Á. “Chúng tôi tập trung vào sự hợp tác và phối hợp tuyệt vời với Pháp trong vai trò đồng minh và bạn bè”, John Kirby, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói và chỉ ra rằng Pháp đang từng bước thúc đẩy sự phát triển của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
T.P