Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ 'xuất khẩu' ô nhiễm

TQ ‘xuất khẩu’ ô nhiễm

Trung Quốc đang được xem là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu quốc gia “xuất khẩu” ô nhiễm lớn nhất thế giới.

Tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh hay Thượng Hải giờ đây đã không còn là câu chuyện riêng của nước này nữa, khi nó đang trực tiếp ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận như Nhật Bản.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, các tỉnh miền Nam của Nhật Bản, chủ yếu là trên đảo Kyushu vốn là nơi gần Trung Quốc nhất và có thể bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm không khí tại Trung Quốc do các cơn gió phía Tây đem đến.

Thậm chí một nước ở bên kia bán cầu là Mỹ cũng không thoát khỏi vận đen. Theo báo cáo của Đại học California thì các luồng gió mạnh thổi từ hướng Tây, nhất là về mùa xuân, có thể mang chất ô nhiễm từ Trung Quốc vượt qua Thái Bình Dương trong nhiều ngày để đến các bang miền Tây nước Mỹ.

Theo GS Steven J.Davis thuộc Đại học California, thì bụi, ozone và carbon có thể bị tích tụ trong các thung lũng và vùng lòng chảo ở bang California và các bang miền Tây. Trong đó bụi than đen là vấn đề nghiêm trọng vì nước mưa không thể rửa sạch bụi than khỏi không khí và nó có thể bay qua một khoảng cách rất xa. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh như ung thư, hen suyễn cũng như các bệnh về tim phổi.

Tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng ở Trung Quốc trong những năm qua một phần là do sự khai thác gỗ tràn lan trên diện rộng ở nước này, kéo theo hậu quả ngoài vấn đề môi trường còn là việc gia tăng tình trạng lũ lụt lớn đã khiến cho hàng triệu người phải sơ tán, điển hình là vào năm 1998.

Trong vài năm trở lại đây, chính phủ Trung Quốc trong nỗ lực cải thiện môi trường đã nghiêm cấm việc khai thác gỗ ở các địa phương nước này. Để bù lại cho việc gia tăng diện tích rừng ở nước mình, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu gỗ từ khắp nơi trên thế giới.

Theo kế hoạch của chính phủ Trung Quốc, đến năm 2020, 40% nhu cầu đối với gỗ của thị trường nước này sẽ đến từ hàng nhập khẩu. Một phần không nhỏ trong đó là gỗ bị khai thác trái phép từ khắp nơi trên thế giới.

Theo tính toán của Tổ chức Chatham House có trụ sở ở London, thì từ năm 2000 đến năm 2013, lượng gỗ bị khai thác trái phép nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên tới hơn 1,1 tỉ mét khối.

Như vậy, Trung Quốc đang trở thành trung tâm toàn cầu về “xuất khẩu” ô nhiễm môi trường bên cạnh việc xuất khẩu công nghệ lạc hậu mà giới chuyên gia đã đề cập nhiều lần trước đây.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang trong quá trình chuyển từ nền công nghiệp giá trị gia tăng thấp sang nền công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao để tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong quá trình đó, Trung Quốc sẽ chuyển các công nghệ thấp, lạc hậu ra nước ngoài.

Từng trao đổi trên Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc chỉ rõ, có nhiều con đường để Trung Quốc đẩy công nghệ thấp, lạc hậu ra nước ngoài. Họ có thể đẩy thông qua viện trợ ODA, trong đó bắt buộc nước nhận viện trợ phải sử dụng thiết bị, nhân lực của họ. Tuy nhiên, chủ yếu Trung Quốc đẩy công nghệ thấp đi qua con đường thương mại, tức qua mua bán. Họ xuất khẩu máy móc với giá rẻ, thậm chí nhiều công ty Trung Quốc không ngại hối lộ để bán cho được hàng kém chất lượng.

Trung Quốc làm việc này ở tất cả các khu vực, ở các nước đang phát triển có thị trường chưa ăn nhập với thị trường phương Tây, như Việt Nam chẳng hạn. Việt Nam trước đây chưa mở rộng quan hệ với các nước phát triển, kinh nghiệm quản lý yếu nên muốn nhập những công nghệ thấp giá rẻ.

“Rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam, mua công nghệ thấp, lạc hậu của Trung Quốc vì ham rẻ, vì nó phù hợp với khả năng tài chính, trình độ của người lao động. Tuy nhiên, đó chỉ là cái lợi trước mắt còn về lâu dài rất nguy hiểm bởi nó tác động đến quá trình hiện đại hóa của nền công nghiệp.

Việt Nam từng nhập rất nhiều dây chuyền xi măng lò đứng của Trung Quốc vì công nghệ thấp, giá thành rẻ, kỹ thuật lao động giản đơn. Nhưng một thời gian sau, công nghệ này đã cho thấy sự lạc hậu, sử dụng nhiều lao động, tiêu hao nhiều nhiên liệu, chất lượng sản phẩm thấp. Việt Nam buộc phải loại bỏ công nghệ này và chuyển sang công nghệ hiện đại hơn.

Việt Nam thừa hiểu được điều này nhưng vì ham rẻ, vì cái lợi trước mắt mà nhập về. Một loạt thiết bị công nghệ thấp được nhập về Việt Nam không phải do kỹ thuật hay trình độ của ta kém, họ không phải không biết mà là do tham nhũng. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp rồi cán bộ nhiều địa phương thông đồng với bên xuất khẩu của Trung Quốc, nhập công nghệ thấp về để được hối lộ, lại quả”, vị chuyên gia phân tích.

RELATED ARTICLES

Tin mới