Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnChuyên gia TQ đặt dấu hỏi về vụ phá hoại Nord Stream

Chuyên gia TQ đặt dấu hỏi về vụ phá hoại Nord Stream

Phó giáo sư trường luật quốc tế Trung Quốc đặt câu hỏi, liệu vụ phá hoại Nord Stream có vi phạm luật pháp quốc tế hay không.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức, ngày 8.3.2022.

Bảy tháng sau vụ nổ ở các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dưới biển Baltic, bí ẩn về kẻ đã nhắm mục tiêu vào các đường ống vẫn chưa được giải đáp.

Tháng 9.2022, một loạt vụ nổ dưới biển sâu đã làm hư hại ba trong số bốn nhánh của đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 – hai đường ống được thiết kế để vận chuyển khí đốt của Nga trực tiếp đến Tây Âu.

Làm thế nào để xác định phá hủy cơ sở hạ tầng của một quốc gia khác?

Bắt đầu ở Nga và kết thúc ở Lubmin (Đức), các đường ống Nord Stream do Nga sở hữu phần lớn, cùng với các bên liên quan là Đức, Hà Lan và Pháp.

Nord Stream từ lâu đã trở thành mục tiêu chỉ trích một số nước phương Tây, những nước lo ngại rằng các đường ống này làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga, gây rủi ro cho an ninh năng lượng của lục địa.

“Ngoại trừ các tài sản nhà nước cụ thể như đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài, không có quy tắc chung nào yêu cầu một quốc gia bảo vệ tài sản nhà nước của một quốc gia khác theo luật pháp quốc tế” – CGTN dẫn lời ông Jiang Shengli, phó giáo sư tại Trường Luật Quốc tế, Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc, cho biết.

“Tuy nhiên, ngay cả khi không có các quy tắc cụ thể trong các điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế, một quốc gia ít nhất phải có nghĩa vụ không hành động thụ động để không tùy ý gây thiệt hại cho tài sản nhà nước của quốc gia khác” – phó giáo sư Jiang nói. Ông Jiang đồng thời là giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Giảng dạy Công pháp Quốc tế.

Theo ông Jiang, vì tài sản nhà nước là nền tảng vật chất quan trọng cho việc quản lý nội bộ của một quốc gia, nên việc tùy ý gây thiệt hại cho tài sản nhà nước của một quốc gia khác sẽ cản trở việc xử lý các vấn đề đối nội hoặc đối ngoại của quốc gia đó và có nguy cơ xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác.

Theo các điều khoản về Trách nhiệm quốc tế của quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế (Articles on International Responsibility of States for Internationally Wrongful Acts – viết tắt là ARSIWA), do Uỷ ban Luật Quốc tế của Liên Hợp Quốc dự thảo và thông qua năm 2001, “quốc gia chịu trách nhiệm có nghĩa vụ bồi thường đầy đủ cho thiệt hại do hành vi sai phạm quốc tế gây ra” và phải bồi thường “tổn thương do bất kỳ thiệt hại nào, dù là vật chất hay tinh thần, vì hành vi sai phạm quốc tế của một quốc gia gây ra”.

Theo ông Jiang, ARSIWA không phải là một tài liệu pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc chính thức, nhưng với tư cách là tập quán quốc tế trong lĩnh vực trách nhiệm quốc tế của quốc gia, nó đã được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi.

Nỗ lực để chuyển hướng sự chú ý?

Tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 2.2023, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết, có “bằng chứng cho thấy chất nổ đã được gài” gần đường ống Nord Stream.

Hiện tại, không có đủ manh mối cho thấy điều gì đã xảy ra bên dưới vùng biển Baltic, ngoài một bức ảnh mờ về một vật hình trụ dài 30 cm bị tảo bao phủ được Đan Mạch công bố hôm 29.3. Các nhà chức trách Đan Mạch cho biết vật thể này có thể là một phao khói hàng hải rỗng.

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, không thể loại trừ khả năng đường ống này bị phá hoại trước khi một cuộc điều tra khách quan và công bằng được tiến hành” – ông Jiang nói.

Do những hậu quả thậm chí còn phức tạp hơn phát sinh khi sự thật được phơi bày, nên không rõ liệu vụ việc cuối cùng có được điều tra công bằng hay không, ông Jiang cho hay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới