Trong bối cảnh nhu cầu mua tinh bột sắn của Trung Quốc tăng cao, giá sắn ở các địa phương trong cả nước giữ ổn định ở mức cao.
3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã mua gần triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu được 274.380 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 105,08 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 977.430 tấn, trị giá 372,75 triệu USD, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 3/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 82,25% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước, với 225.670 tấn, trị giá 83,99 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 885.460 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 331,87 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, nhưng giảm 12,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang có nhu cầu cao với tinh bộ sắn của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 660.820 tấn tinh bột sắn, trị giá 299,81 triệu USD.
Trong đó, lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam, Lào, Campuchia tăng, trong khi nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023, với 285.390 tấn, trị giá 124,69 triệu USD, tăng 56% về lượng và tăng 32,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 43,19% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 25,75% của 2 tháng đầu năm 2022; trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 45,62%, giảm mạnh so với mức 66,46% của 2 tháng đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc tiếp tục tăng, với 1,2 triệu tấn, trị giá 323,19 triệu USD, tăng 1% về lượng, nhưng giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Việt Nam tăng, trong khi giảm từ Thái Lan và Lào. Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 167.040 tấn sắn lát, với trị giá 44,23 triệu USD, tăng 27,6% về lượng và tăng 20,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 13,87% trong tổng lượng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng so với mức 10,98% của 2 tháng đầu năm 2022.
Giá sắn tăng cao nhờ nhu cầu lớn từ Trung Quốc
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, trong 10 ngày đầu tháng 4/2023, giá sắn tươi thu mua tại Tây Ninh dao động ở mức 3.400-4.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tháng 3/2023.
Tại Đắk Lắk giá sắn dao động ở mức 3.000-3.050 đồng/kg; tại Gia Lai dao động ở mức 3.300-3.600 đồng/kg; Tại miền Trung giá sắn tươi dao động ở mức 2.650-3.000 đồng/kg; Tại miền Bắc giá sắn tươi dao động ở mức 2.400-2.600 đồng/kg, ổn định so với cuối tháng 3/2023.
Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 515-535 USD/tấn, FOB cảng TP. Hồ Chí Minh, tăng 5 USD/tấn so với cuối tháng 3/2023. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn ở mức 3.500 – 3.750 CNY/tấn, tăng 50 CNY/tấn so với cuối tháng 3/2023.
Trong khi giá đường kính trắng tại Trung Quốc tăng mạnh, các nhà máy đang tìm kiếm nguồn cung đường lỏng thay thế, trong đó tinh bột sắn biến tính thành đường lỏng là một lựa chọn. Tuy nhiên, mức giá chào bán của nhiều nhà máy Việt Nam cũng như các nhà máy của Thái Lan cao, nên vẫn chưa được nhiều nhà máy Trung Quốc chấp nhận.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, giá chấp nhận mua của khách hàng Trung Quốc được đẩy lên, theo đó số lượng hàng giao qua các cảng, cửa khẩu cũng tăng hơn so với mấy tuần trước đó.
T.P