Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước G7 đã kết thúc sau ba ngày làm việc (từ 16 đến 18/4). Theo bình luận của báo chí phương Tây, không khí “khét lẹt” nhất ở diễn đàn này là các nước công nghiệp phát triển yêu cầu Nga phải chấm dứt ngay lập tức cuộc xâm lược Ukraine.
Như bạn đọc đã biết, nhóm bảy nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), gồm Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada. Hội nghị diễn ra tại thị trấn Karuizawa của nước chủ nhà Nhật Bản. Các quan chức đối ngoại của các quốc gia có máu mặt nhất trên thế giới đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề nóng: cuộc chiến phi lý và điên rồ Nga-Ukraine; tình hình Biển Đông, Eo biển Đài Loan; ngăn chặn Triều Tiên tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân, v.v..
Nước chủ nhà tỏ ra bám rất sát tình hình thế giới, không né tránh những vấn đề nóng đang gây bất đồng trong dư luận quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đề nghị, thông qua hội nghị lần này khẳng định “quyết tâm mạnh mẽ” trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Điều quan trọng là, duy trì sự đoàn kết giữa nhóm G7 và các quốc gia có chung quan điểm trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine của Nga tiếp tục kéo dài, hao tổn tiền của và xương máu người dân hai nước.
Bộ trưởng Hayashi công bố, Nhật Bản đã viện trợ 7,6 tỷ USD cho Ukraine và các quốc gia khác. Ông cũng lên án quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Nga không rút chân ra khỏi cuộc chiến được bởi ngay từ khi lên kế hoạch cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” đã đánh giá thấp Lực lượng vũ trang Ukraine và sự đoàn kết của NATO.
Do phương Tây liên tục đổ vũ khí vào Ukraine ngày càng nhiều về số lượng và nâng dần về chất lượng, đặc biệt là tầm xa của các loại vũ khí, đã khiến Quân đội Ukraine có khả năng tấn công mạnh mẽ hơn vào cả hậu phương của Nga. Có thể nói, Moscow dường như đã sa vào cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” với cả khối NATO.
Dịp này, là cơ hội để các ngoại trưởng G7 khẳng định cam kết áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine.
Không dừng lại ở những lời cảnh báo, đề nghị, các bộ trưởng yêu cầu Nga phải rút mọi lực lượng khỏi Ukraine lập tức và vô điều kiện. Một quan chức tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Nhật Bản nói rằng, mục tiêu của Nhà Trắng tại hội nghị lần này là thúc đẩy ủng hộ dành cho Ukraine, cụ thể là bảo đảm Kiev tiếp tục được hỗ trợ quân sự.
Với vai trò Chủ tịch luân phiên G7, Nhật Bản – thành viên châu Á duy nhất trong nhóm – tranh thủ cơ hội này điều hành thảo luận rất sâu về chính sách chung của nhóm liên quan đến Trung Quốc. Bộ trưởng Hayashi nhấn mạnh, các nước G7 cần tiếp tục đối thoại với Trung Quốc về nhiều chủ đề quan trọng, như thương mại toàn cầu, tài chính, biến đổi khí hậu, không gây căng thẳng trên Biển Đông. Hội nghị khẩn thiết kêu gọi Bắc Kinh “hành động như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Hội nghị G7 diễn ra ở thời điểm Quân đội Trung Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận chung quanh Đài Loan. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerobock nói: “Leo thang quân sự ở Eo biển Đài Loan sẽ là kịch bản kinh hoàng với cả thế giới”.
Các nhà ngoại giao kỳ cựu của G7 cũng bày tỏ thái độ bất bình sau phát biểu gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông này đã nhận định sau chuyến thăm Trung Quốc: Châu Âu nên tránh “những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”. Bỗng dưng ngài Tổng thống trẻ tuổi của nước tư bản già lại mang đá ghè chân mình.
Bàn về chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Nhật Bản coi hợp tác với Ấn Độ không thể thiếu trong việc duy trì trật tự quốc tế. Năm nay, Ấn Độ là nước Chủ tịch Hội nghị G20 (dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023), do đó, các nước mới nổi và đang phát triển có nhiều cơ hội phát ngôn.
Mặt khác, Ấn Độ đang trở thành chìa khóa cho các nước G7 khi nước này đang có những mâu thuẫn trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề biên giới. Có điều trong cuộc chiến Nga-Ukraine, Ấn Độ tuy tích cực viện trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng lại không chỉ trích, không phản đối Nga.
Ở đây, một vấn đề đặt ra, liệu Ấn Độ có thể làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột này không? Nếu làm được như thế thì Newdelhi vừa có thể duy trì quan hệ với Nga, lại làm hài lòng các nước coi Ấn Độ là thành phần không thể thiếu trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Như vậy là, một hội nghị ngắn ngày của bảy nước giữ ngôi đầu công nghiệp phát triển đã bàn những vấn đề vô cùng hệ trọng. Không khí hội nghị cởi mở, tin cậy và thẳng thắn.
Nóng gáy nhất trước những bàn luận và quyết định của Hội nghị G7-2023 chắc chắn là Moscow và Bắc Kinh. Từ “kịch bản kinh hoàng” ở Eo biển Đài Loan đến “cuộc chiến phi lý và điên rồ Nga-Ukraine” là những chỉ trích như táp lửa vào mặt. Liệu điều đó có tác động gì đến Nga và Trung Quốc trong việc điều chỉnh chiến lược với Mỹ và phương Tây?
H.Đ