Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiPhẫn nộ với những trò lố lăng, độc hại trên TikTok

Phẫn nộ với những trò lố lăng, độc hại trên TikTok

TikTok đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh những nội dung tích cực, cung cấp kiến thức bổ ích thì một số người lại lợi dụng nền tảng này để tạo ra những video lố lăng, độc hại nhằm tạo sự chú ý, câu “view”.

Treo đồ lót lên đầu, hay hóa trang thành nhân vật trong phim cung đấu lái xe mà không đội nón bảo hiểm là những trò được người trẻ đánh giá là lố lăng của một bộ phận người sử dụng TikTok.

Nội dung độc hại, câu “view” lố lăng

Mặc dù TikTok đã có tiêu chuẩn cộng đồng để các nhà sáng tạo nội dung ứng xử phù hợp nhưng đâu đó vẫn xuất hiện một số nội dung lố lăng, độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cộng đồng, đặc biệt là người trẻ.

Để đạt được mục đích nổi tiếng, tạo được sự chú ý một tài khoản đã hóa trang thành giao diện của nhân vật trong phim cung đấu đi khắp nơi, “mức độ nhẹ” là đi dạo tại các khu phố, còn ở “mức độ nặng” là chạy xe máy ra đường mà không đội mũ bảo hiểm. Nhiều người cho rằng phải thật sự can đảm, nội tâm vững vàng lắm thì những người này mới không thấy ngại khi thể hiện bản thân như vậy ở nơi công cộng, hay cách mà giới trẻ hiện nay nói là: “Nếu bạn không ngại thì người xung quanh bạn sẽ ngại”.

Hay trong một livestream vào lúc giữa đêm, các sản phẩm nhạy cảm như đồ chơi tình dục, popper (chất kích thích)… được bày bán công khai trên nền tảng này. Người bán khéo léo ở chỗ đã loại bỏ những nhãn mác của sản phẩm và ghi là tinh dầu. Livestream này thu hút hàng trăm người xem, đặt câu hỏi và tương tác với người bán mặc dù là gần 2 giờ sáng.

Hay thỉnh thoảng TikTok cũng xuất hiện những video “nóng” mắt khi mà những sản phẩm mang tính chất nhạy cảm như đồ lót lại được một cô gái treo lên đầu tóc để quảng cáo. Người này còn nhún nhảy để thu hút khách mua hàng.

Cần thanh lọc nhanh chóng

Ngô Nguyễn Thùy Dương (26 tuổi), ngụ tại 85 Hồng Lạc, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết: “Thật sự mà nói thì TikTok mang lại nhiều giá trị cho mình và những người xung quanh. Mình học nấu ăn, được chữa lành bởi những câu chuyện đẹp từ những người xung quanh. Tuy nhiên, đâu đó vẫn thấy những hình ảnh chưa đẹp, chưa văn minh trên nền tảng này. Từ những người văng tục, chửi bậy hay có những hành vi làm lố để câu “view”, mình nghĩ những người kiểm duyệt nội dung trên nền tảng này cần khắt khe hơn để tạo ra một môi trường mạng sạch”.

Đồng quan điểm, Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng mong muốn thấy những nội dung thật sự có đầu tư về chất xám, kiến thức và tài năng trên TikTok. Nam sinh viên cho rằng hiện tại nền tảng này mang lại một nguồn lợi khổng lồ từ việc bán hàng, quảng cáo sản phẩm nên “người người, nhà nhà” đổ xô nhau làm nội dung. Hoàng Anh cho biết có những người không có nội dung gì hay ho thì bất chấp làm lố, làm xấu hình ảnh của bản thân để tạo sự chú ý. Hoàng Anh mong muốn các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc nhanh chóng để môi trường mạng được văn minh hơn.

Thạc sĩ Trần Xuân Tiến, Phó trưởng bộ môn Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết dù đã có hệ thống các tiêu chuẩn cộng đồng nhưng trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, vẫn đang tồn tại nhiều nội dung bẩn, độc hại: “Nguyên nhân của thực trạng này là do trong bối cảnh bùng nổ thông tin, thậm chí là bội thực thông tin như hiện nay, việc thu hút và giữ chân công chúng càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Làm sao để cạnh tranh truyền thông giữa sa mạc thông tin? Nhiều người đã sẵn sàng đi theo con đường thiếu tích cực. Mong muốn nổi tiếng một cách nhanh chóng, hoặc nhằm bán được sản phẩm một cách nhanh nhất có thể, vì vậy nhiều kênh nội dung sốc, bẩn, độc hại đã ra đời”.

Thạc sĩ Tiến cho biết các nội dung truyền thông bẩn, độc hại đã tác động tiêu cực đến môi trường không gian mạng. Tình trạng này ảnh hưởng đến nhận thức, ý thức tiếp nhận của công chúng, người dùng, nhất là đối tượng tuổi nhỏ, vốn chưa có nhiều kỹ năng nhận biết, phân biệt đâu là những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Giảng viên này cho biết thêm, sự phát triển “như nấm mọc sau mưa” của các sản phẩm bẩn, độc hại còn do một bộ phận công chúng có phần thoải mái, dễ dãi trong quá trình tiếp nhận thông tin. Nếu bạn dừng lâu ở một video nào đó, các trang mạng xã hội sẽ đề xuất những nội dung tương tự. Đây là thuật toán cơ bản của các trang mạng xã hội. Thế nên, hãy là người xem tỉnh táo, bản lĩnh, luôn theo dõi những nội dung có giá trị tốt, hữu ích.

“Đầu tháng 4.2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ thanh tra toàn diện mạng xã hội TikTok với gần 50 triệu người dùng tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tin rằng, trong thời gian tới, những nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan… sẽ không còn đất sống trên TikTok nói riêng, trên không gian mạng xã hội nói chung”, thạc sĩ Tiến cho biết.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới