Australia công bố kế hoạch cải cách quốc phòng lớn nhất nhiều thập kỷ, cam kết đưa quân đội thành lực lượng chiến đấu có thể răn đe mọi kẻ thù.
“Hôm nay, lần đầu tiên sau 35 năm, chúng tôi đang xây dựng lại sứ mệnh của lực lượng phòng vệ Australia”, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles nói ngày 24/4 khi công bố kế hoạch cải cách quốc phòng quy mô lớn.
Kế hoạch chiến lược này kêu gọi quân đội Australia chuyển hướng mạnh mẽ sang khả năng răn đe tầm xa như sử dụng tên lửa, tàu ngầm và các công cụ trên không gian mạng.
Để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng, quân đội Australia lên kế hoạch phát triển khả năng tấn công từ trên không, trên bộ và trên biển, củng cố các căn cứ phía bắc cũng như tuyển thêm quân.
“Chúng tôi muốn thay đổi cán cân sức mạnh để không thế lực nào có thể cho rằng xung đột sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn rủi ro”, bản kế hoạch của Australia nêu rõ.
Tàu ngầm HMAS Rankin tham gia diễn tập AUSINDEX 21 ngoài khơi thành phố Darwin,
Australia cho hay công cụ quan trọng trong chiến lược quốc phòng mới là phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tầm xa, có khả năng tấn công đáp trả bằng tên lửa hành trình.
“Sự trỗi dậy của ‘thời đại tên lửa’ trong chiến tranh hiện đại, xuất phát từ sự phổ biến của vũ khí tấn công tầm xa chính xác, đã làm giảm triệt để lợi thế địa lý của Australia”, Australia đánh giá.
Do tập trung vào vũ khí tầm xa, Australia có thể loại bỏ chương trình phát triển pháo phản lực tầm ngắn trị giá hàng tỷ USD để chuyển sang mua tổ hợp HIMARS tầm xa hơn.
Bản kế hoạch cải cách quốc phòng của Australia 9 lần đề cập tới Trung Quốc, mô tả hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự của Bắc Kinh là “lớn nhất và tham vọng nhất” kể từ sau Thế chiến II. Australia cũng cảnh báo về nguy cơ gia tăng leo thang quân sự hoặc tính toán sai lầm.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự của Trung Quốc đạt mức kỷ lục 292 tỷ USD vào năm ngoái, đánh dấu ngân sách quốc phòng nước này tăng 28 năm liên tiếp.
Điều này được cho là đã thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia đều đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Theo SIPRI, chi tiêu quân sự ở châu Á và châu Đại Dương đã tăng 45% kể từ năm 2013.