Mấy năm nay Trung Quốc tỏ ra không mặn mà với Hàn Quốc, đương nhiên là xích lại gần Triều Tiên. Trung Quốc và Nga không những không phản đối mà còn tán đồng việc Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa đạn đạo.
Đầu năm 2023, Trung Quốc đã đình chỉ cấp thị thực công việc, du lịch, chữa bệnh, quá cảnh và các vấn đề cá nhân nói chung đối với người Hàn Quốc. Lí do của Bắc Kinh là: do Seoul “xấu chơi”, đã hạn chế nhập cảnh mang tính phân biệt đối xử đối với Trung Quốc.
Còn trước đó, Seoul đã công bố các biện pháp mới nhằm hạn chế du khách từ Trung Quốc vào Hàn Quốc từ ngày 5/1/2023, yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trước và sau chuyến bay.
Trong bầu không khí căng thẳng đó, Tổng thống Hàn QuốcYoon Suk-yeol lại chọc sườn Bắc Kinh. Đó là phát biểu của ông về vấn đề Đài Loan. Ông Yoon nói: “Xét cho cùng, những căng thẳng ở Eo biển Đài Loan là do những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, và chúng tôi cùng với cộng đồng quốc tế hoàn toàn phản đối sự thay đổi như vậy. Vấn đề Đài Loan không chỉ đơn giản là vấn đề giữa Trung Quốc và Đài Loan, mà tương tự như vấn đề của Triều Tiên, đó là vấn đề toàn cầu”.
Quan điểm của Tổng thống Hàn Quốc khiến Bắc Kinh nóng mắt. Một ngày trước chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc, hướng tới kỷ niệm 70 năm quan hệ Mỹ – Hàn (từ 24 đến 29/4), thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông, đã gửi công hàm tới đại sứ Hàn Quốc. Công hàm phản đối những nhận xét “sai lệch” của ông Yoon Suk-yeol về Đài Loan.
Ông Tôn Vệ Đông đã triệu tập đại sứ Hàn Quốc ở Bắc Kinh, đánh giá những nhận xét của Tổng thống Yoon Suk-yeol, là: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được, bởi đã không tôn trọng nguyên tắc một nước Trung Quốc, đánh đồng vấn đề Đài Loan với tình hình ở bán đảo Triều Tiên”. Ông Tôn còn dùng lời lẽ nặng nề: “Chúng tôi không cần ai chỉ bảo phải làm gì”.
Theo các nhà bình luận, không phải ngẫu nhiên Tổng thống Hàn Quốc nêu lên vấn đề căng thẳng ở Eo biển Đài Loan trước chuyến thăm Mỹ. Trước cuộc gặp Tổng thống Joe Biden, ông Yoon muốn tái khẳng định lập trường của Seoul. Cố nhiên việc bày tỏ quan điểm như thế không phải là không có rủi ro, vì hiện tại Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Seoul.
Phía Hàn Quốc cho rằng, vấn đề căng thẳng Eo biển Đài Loan cũng là vấn đề cũ. Hai nhà lãnh đạo Yoon và Biden cũng đã mấy lần gặp nhau và đề cập tới chuyện này. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay rộng lớn và có nhiều thay đổi. Chẳng hạn Hàn Quốc có sự tham góp vào chương trình phòng vệ của châu Âu khi cho phép Ba Lan xuất khẩu lựu pháo Krab (có bộ phận do Hàn Quốc sản xuất) cho Ukraine.
Đụng đến cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” Nga-Ukraine tức khắc nảy sinh mâu thuẫn. Hàn Quốc dĩ nhiên sẽ nhận nhiều lời đe dọa từ những “bên thứ ba” (Nga, Trung Quốc, Triều Tiên…).
Cần lưu ý, bình luận của Tổng thống Hàn Quốc khiến Bắc Kinh tức giận vì nó được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận quân sự chung quanh Đài Loan, sau cuộc gặp của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy ở California vào đầu tháng 4. Bắc Kinh kịch liệt phản đối cuộc gặp, trong khi phía Mỹ nói rằng mọi lãnh đạo Đài Loan đều đã quá cảnh ở Mỹ và đây là lần thứ sáu bà Thái Anh Văn qua thăm Mỹ kể từ khi nhậm chức vào năm 2016. Bắc Kinh đã cố tình làm nghiêm trọng hóa vấn đề.
Trả lời báo chí về “quan điểm sai lệch” của Tổng thống Hàn Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: Đài Loan là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc”, vấn đề Đài Loan “hoàn toàn là vấn đề nội bộ và là trọng tâm trong lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.
Vậy là cuộc cãi vã Bắc Kinh – Seuol vẫn tiếp diễn với chiều hướng căng thẳng hơn. Nhưng phản ứng của Bắc Kinh chỉ là mũi tên nhỏ trong một âm mưu lớn.
Chưa hiểu hai ông Biden và Yoon sẽ bàn tiếp câu chuyện này theo hướng nào? “Hướng nào” là theo cách nói ngoại giao. Còn cái hướng đồng minh Mỹ-Hàn thì đã rõ như mũi tên về đích: ngăn chặn sự xưng hùng xưng bá của Bắc Kinh trong khu vực. (Washington và Seoul thiết lập quan hệ đồng minh từ tháng 10/1953 với hiệp ước phòng thủ chung, sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên ký hiệp định đình chiến).
Nếu thu hồi được Đài Loan, Trung Quốc sẽ được nối dài cánh tay trong việc độc chiếm Biển Đông. Mỹ và NATO không thể khoanh tay ngồi nhìn.
H.Đ