Huawei đang đẩy mạnh nguồn cung cấp cho các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, nơi nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây đang tăng trưởng ấn tượng.
Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc sản phẩm trung tâm dữ liệu Huawei, cho biết, động lực tăng trưởng sẽ đến từ sự bùng nổ của mạng xã hội và các nền tảng internet khác, cũng như mục tiêu chuyển đổi số của chính phủ.
‘Gã khổng lồ” công nghệ này hiện đang cung cấp tủ rack (tủ chuyên dụng chứa các phụ kiện thiết bị mạng) được sử dụng cho hệ thống máy chủ. Ngoài ra, tập đoàn này cũng đang hoạt động trong các lĩnh vực bao gồm: mảng viễn thông, năng lượng mặt trời, điện tử tiêu dùng và đang tham vọng bành trướng hơn nữa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
“Việt Nam có cơ hội tốt để trở thành một trung tâm điện toán đám mây khi có môi trường kinh doanh thuận lợi”, ông Chung chia sẻ.
Thị trường lưu trữ dữ liệu và điện toán đám mây tại Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp, từ Mitsubishi cung cấp máy phát điện dự phòng, đến VinHMS của Vingroup cung cấp dịch vụ điện toán biên.
Những ‘tay chơi’ lớn như Alibaba hay AWS thường chọn đặt các trung tâm máy chủ của mình, vốn tiêu tốn hàng tỉ USD xây dựng, tại các nền kinh tế quy mô lớn hơn như Indonesia.
Tuy nhiên, các công ty kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ phát triển nhờ những yếu tố như chi phí thấp, năng lượng từ nhà sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á và quy định buộc các công ty phải lưu trữ dữ liệu trong nước.
Theo Hiệp hội Máy tính Singapore, Việt Nam hiện có 27 trung tâm dữ liệu, ít hơn so với 38 trung tâm ở Malaysia và 70 trung tâm ở Singapore.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Phó Giám đốc kinh doanh Mitsubishi Việt Nam, cho biết doanh nghiệp này đã bán máy phát điện từ những năm 1990, nhưng gần đây đã nhắm đến các khách hàng sử dụng nhiều máy chủ, chẳng hạn như ngân hàng.
“Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan có thể xây dựng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây an toàn vì thông tin và thứ vô cùng quan trọng và sẽ có rủi ro lớn nếu bị rò rỉ”, đại diện Mitsubishi Việt Nam chia sẻ.
Hiện Việt Nam đã thông qua luật an ninh mạng yêu cầu các công ty lưu trữ dữ liệu trong nước. Trước đó Trung Quốc đã thông qua quy định tương tự.
Trước tình hình này, những doanh nghiệp như AWS đang xây dựng các khu vực trung tâm dữ liệu địa phương (Local Zone), có quy mô nhỏ hơn so với trung tâm dữ liệu hàng tỉ USD thông thường và cũng với chi phí thấp hơn để đáp ứng sự thay đổi của thị trường.
Đồng quan điểm với lãnh đạo của Huawei, ông Blomteq, Giám đốc của Keven Chua – nhà cung ứng của HP và China Mobile, nhận định các thị trường lớn như Singapore hiện nay đã bão hòa. Mảng điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của Singapore đã bị xói mòn sang các quốc gia như Thái Lan và Myanmar, với nguyên nhân là chi phí điện lẫn bất động sản quá cao.
“Việt Nam là thị trường mục tiêu tiếp theo của các trung tâm dữ liệu. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự bùng nổ của việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây và lưu trữ, cũng như hình thức làm việc trực tuyến. Do đó, Việt Nam có thể thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu”, ông Bloomteq chia sẻ.
“Kỳ lân” VNG dự kiến tăng trưởng hàng năm đạt 11% đối với thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam trong 5 năm tới. Kỳ lân dịch vụ trò chơi này đang vận hành các nền tảng tin tức và trò chuyện; ước tính có 78 triệu người dùng internet trong nước, 70 triệu người dùng mạng xã hội.
VNG đã xây dựng một mạng lưới cáp quang riêng để củng cố hoạt động kinh doanh trung tâm dữ liệu. Tại Hội nghị Trung tâm dữ liệu và đám mây Việt Nam, Giám đốc cấp cao Gary McKinnon đã khẳng định lĩnh vực này vẫn có cơ hội để cải tiến.
Theo Cushman & Wakefiled, TP.HCM là thành phố châu Á duy nhất được xuất hiện trong top 10 thế giới về giá bất động sản rẻ dành cho trung tâm dữ liệu.
Cũng theo báo cáo này, doanh thu của mảng điện toán đám mây doanh nghiệp ở Đông Nam Á năm 2022 mới chỉ đạt 13 tỉ USD, vẫn còn thấp so với 20 tỉ USD tại thị trường Trung Quốc.
T.P