Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao nền kinh tế Trung Quốc lại giống mô hình kinh...

Vì sao nền kinh tế Trung Quốc lại giống mô hình kinh doanh đa cấp?

Tại một số lượng lớn các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Trung Quốc, lợi nhuận ròng hàng năm là cực thấp. Điều này đã đưa ra câu hỏi cho mô hình phát triển của kinh tế Trung Quốc.

Theo một báo cáo năm 2014 trong số 2.818 công ty niêm yết của Trung Quốc, thì thu nhập ròng của 494, hay 17,5% trong số này, là dưới 15 triệu nhân dân tệ (2,31 triệu USD) – thấp hơn giá của một căn hộ tốt ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, hoặc Thâm Quyến. Hơn thế nữa, thu nhập ròng của 1.065 công ty (37,8% trong số này), ít hơn 55 triệu nhân dân tệ (8.470.000 USD), không đủ để mua một căn hộ sang trọng ở Thâm Quyến. dữ liệu này cho thấy tình trạng tệ hại của kinh tế Trung Quốc.

Có bốn nguyên nhân chính cho tình trạng thu nhập thấp ở rất nhiều các công ty hàng đầu của Trung Quốc.

Một: Trong 500 doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc – một danh sách tương tự như Fortune 500, những công ty có lợi nhuận cao nhất đều hưởng lợi từ tình trạng độc quyền. Cho dù họ là các tổ chức tài chính, các công ty viễn thông, hoặc các công ty dầu, lợi nhuận của họ đều bắt nguồn từ việc được nhà nước cho độc quyền.

Hai: Hầu như tất cả các công ty Trung Quốc đều tham gia vào thị trường tài chính trong những năm gần đây. Bất kỳ lượng tiền mặt nào có sẵn đều ngay lập tức được đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoặc bảo hiểm — lý do là thiếu các cơ hội đầu tư khác.

Do đó, nhìn vào các báo cáo năm 2014 của các công ty niêm yết, người ta sẽ thấy lợi nhuận của 16 ngân hàng niêm yết chiếm hơn một nửa tổng thu nhập ròng của gần 3.000 công ty niêm yết. Có nghĩa là 3.000 công ty niêm yết đều phục vụ cho các ngân hàng, cơ quan thuế, hoặc cho các lĩnh vực bất động sản.

Ba: Ít nhất một nửa trong số 3.000 công ty niêm yết có liên quan đến lĩnh vực bất động sản; họ hoặc là chuyên về bất động sản hoặc có được lợi nhuận từ đầu tư bất động sản. Các doanh nghiệp dệt may lớn như Tập Đoàn Youngor và Shanshan, hầu hết lợi nhuận của họ có nguồn gốc từ đầu tư bất động sản, chứ không phải từ việc kinh doanh hàng may mặc. Hầu hết các doanh nghiệp thiết bị điện gia dụng của Trung Quốc cũng tham gia vào đầu cơ bất động sản và có nhiều khởi sắc nhờ vào việc này trong vài năm qua.

Bốn: Gần đây có một câu nói trong cộng đồng đầu tư rằng có hai loại hình doanh nghiệp: một là có “lợi nhuận”, hai là “có giá trị”. Loại “có giá trị” có thể gồm cả các công ty có thua lỗ lớn về tài chính. Liệu các nhà đầu tư mạo hiểm và các quỹ đầu tư tư nhân thích các doanh nghiệp có lợi nhuận hay có giá trị? Câu trả lời là, họ muốn doanh nghiệp có giá trị vì có chỗ cho những kỳ vọng trong tương lai và là một nguồn thu tiềm năng.

Bốn điểm này đã tổng hợp thực tế của nền kinh tế Trung Quốc. Trong chu kỳ bùng nổ cuối cùng, các công ty Trung Quốc chỉ dựa trên 4 yếu tố chính để kiếm tiền: độc quyền được cấp bởi nhà nước, thị trường tài chính, đầu cơ bất động sản, và thị trường vốn.

Nền kinh tế “trống rỗng”

Khi sự giàu có của một quốc gia đến từ tài chính và bất động sản, chứ không phải từ kỹ thuật và công nghệ, nền kinh tế của nước này chắc chắn sẽ không có giá trị và có lỗ hỗng. Những doanh nghiệp độc quyền không có động lực cải thiện công nghệ của họ để tăng thu nhập. Điều này gây ra lợi nhuận thấp của ngành công nghiệp và tình hình kinh tế tổng thể tương đối nghèo nàn, từ đó, đầu tư tài chính và bất động sản trở thành lựa chọn hợp lý nhất cho nhiều doanh nghiệp.

Nếu bản chất và nguồn gốc của sự giàu có đạt được chủ yếu là thông qua vị thế độc quyền, bất động sản, và một nền kinh tế ảo, thì mô hình kinh tế này không có nền tảng. Cuối cùng, với một cơ sở công nghiệp thu hẹp lại, nền kinh tế sẽ trở nên không có giá trị. Nó sẽ phát triển theo sơ đồ hình kim tự tháp (một dạng mô hình lừa đảo trong kinh doanh đa cấp), chỉ theo đuổi việc phân phối của cải, hơn là tạo ra của cải.

Thực tế là lợi nhuận của gần 40 phần trăm các công ty niêm yết là ít hơn giá của một căn hộ, cho thấy ngành công nghiệp của Trung Quốc khó mà tạo ra sự giàu có. Trung Quốc đã hoàn toàn lọt vào bẫy của lĩnh vực bất động sản.

Theo nhà kinh tế Hoa Kỳ Edmund Phelps, đầu tư quá mức trong bất động sản hạn chế việc cải cách, vì bất động sản hấp thụ nguồn vốn lẽ ra có thể đầu tư vào việc tăng năng suất, đổi mới, công nghệ y tế, phần mềm, hoặc năng lượng thay thế. Đây là những lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với nước Mỹ quê hương mình, ông Phelps nói rằng để khôi phục nền kinh tế và tăng trưởng trở lại, người Mỹ cần phải khắc phục tình yêu kinh doanh nhà của họ. Ông lưu ý rằng ở Hoa Kỳ cũng vậy, bất động sản là một công cụ phân phối của cải đã gây thiệt hại cho lĩnh vực sản xuất.

Trong suốt lịch sử, những siêu cường kinh tế có các lĩnh vực sản xuất mạnh làm nền tảng. Nhưng sau khi Trung Quốc trở thành nước sản xuất lớn nhất thế giới vào năm 2010, tất cả mọi người có xu hướng đánh giá thấp sản xuất. Hội thảo cấp cao được lấp đầy bởi những gã khổng lồ Internet; rất ít nhà sản xuất được mời. Những bài nói chuyện về kinh doanh không nói gì về công nghiệp. Mọi người tránh né công nghiệp. Tất cả là về Internet, và nó biến mất nhanh như những đám mây.

Tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc không xây dựng trên những câu chuyện “làm giàu nhanh”, cũng không dựa trên thị trường bất động sản liên tục bùng nổ. Nếu nguồn vốn không được đổ vào lĩnh vực sản xuất, nền tảng kinh tế sẽ tiếp tục co rút lại. Trong thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng vừa qua, Trung Quốc có thể dựa vào bất động sản và các ngành công nghiệp rẻ tiền trong khi bỏ qua sự mất cân bằng nghiêm trọng trong phân phối thu nhập và phúc lợi cực kỳ thấp cho người lao động di trú. Nhưng một khi tăng trưởng kinh tế trở lại bình thường, thì sự cách biệt trong hệ thống xã hội có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.

Tác giả: Mã Quảng Nguyên là một nhà kinh tế độc lập nổi tiếng ở Trung Quốc. Ông là phó Giám đốc của Ủy ban Kinh tế Trung Ương Hiệp hội Xây dựng Dân chủ Quôc gia và là nhà bình luận tài chính cho kênh truyền hình CCTV. Ông cũng là người phụ trách chuyên mục cho tờ Financial Times của Trung Quốc, Southern Weekly, và the Economic Observer cũng như nhiều phương tiện truyền thông khác của Trung Quốc. Bài viết này đã được rút gọn và dịch từ một bài báo gần đây được đưa lên WeChat, một diễn đàn truyền thông xã hội phổ biến ở Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới