Monday, November 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBức tranh khó khăn của kinh tế châu Á - Thái Bình...

Bức tranh khó khăn của kinh tế châu Á – Thái Bình Dương

Dù gần như toàn bộ các nước đã mở cửa nhưng du lịch hàng không quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa khôi phục như trước dịch, trong khi xuất khẩu đang có nhiều thách thức.

Lượng khách quốc tế qua sân bay Narita của Nhật Bản phục hồi chậm.

Đó là một số điểm chính trong báo cáo do Công ty phân tích Moody’s công bố mới đây về tình hình kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC).

Hàng không các nước phục hồi không đều
Theo đó, APAC đã đi sau nhiều nơi trên thế giới trong việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan kiểm soát dịch Covid-19. Điều này không chỉ xảy ra với Trung Quốc, vốn chỉ mở cửa gần đây, mà cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản cũng chỉ thật sự mở cửa sau tháng 10.2022. Hay phải đến đầu năm 2022 thì Singapore và Úc mới mở cửa. Trong khi đó, Mỹ và phần lớn châu Âu đã mở cửa từ cuối năm 2021.

Thực tế trên khiến sự phục hồi của du lịch hàng không quốc tế trong khu vực đã bị trì hoãn. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, đến tháng 2 vừa qua, thị trường hàng không quốc tế ở Bắc Mỹ đạt hơn 90% so với mức trước đại dịch, nhưng APAC chỉ đạt mức phục hồi 60%.

Trong đó, cùng ở APAC, nhưng một số nước có kết quả hồi phục hàng không quốc tế tốt hơn. Ví dụ, so với mức năm 2019, lượng hành khách quốc tế tại sân bay Changi của Singapore đã phục hồi gần 80%, còn sân bay Kingsford Smith của Sydney (Úc) thì 75%, sân bay Incheon của Hàn Quốc thì 67%. Trong khi đó, cùng thời điểm, lượng khách đến sân bay Narita của Nhật Bản và tổng lượng khách du lịch đến Thái Lan đều phục hồi chưa đến 60%.

Ngoài lượng khách du lịch, Úc còn hưởng lợi từ sự trở lại của sinh viên quốc tế, nhất là sau khi Trung Quốc mở cửa. Sinh viên quốc tế quay lại còn giúp Úc tăng doanh thu không chỉ ở các trường học mà còn với các quán cà phê, bar, nhà hàng và quán rượu… đều là những lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong suốt 3 năm qua.

Xuất khẩu gặp khó
Cũng tại APAC, tình hình xuất khẩu của các nước đang gặp nhiều khó khăn khi thị trường toàn cầu có xu hướng giảm về nhu cầu tiêu dùng. Kim ngạch xuất khẩu của các nền kinh tế Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và VN đều giảm so với mức đỉnh trong năm 2022. Nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại khi lạm phát và chi phí vay đều tăng cao, đồng thời sự lo ngại của người tiêu dùng về tình hình kinh tế khiến mọi người đều có xu thế giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, lực cản đối với xuất khẩu không đồng đều giữa các ngành. Ngược lại với xu hướng trên là doanh số bán ô tô đang được hưởng lợi từ các chương trình thúc đẩy năng lượng xanh toàn cầu, dẫn đến tăng nhu cầu về ô tô điện. Thị trường ô tô điện đang phát triển nóng tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong năm 2022, gần 20% phương tiện chở khách mới được bán ở Trung Quốc đại lục là xe điện. Năm 2019, con số này chỉ là 5%.

Tác động từ căng thẳng Mỹ – Trung

Cũng theo báo cáo của Công ty phân tích Moody’s, căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung đã tác động xấu đến kinh tế khu vực.

Cuối năm 2022, Mỹ đã cấm xuất khẩu công nghệ cho hơn 30 công ty Trung Quốc, bao gồm cả một trong những công ty sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc. Tình trạng căng thẳng trong quan hệ hai nước không chỉ ảnh hưởng đến ngành hàng điện tử. Kể từ năm 2021, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc sang các quốc gia thành viên ASEAN đã được thúc đẩy nhờ tư cách thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc tham gia vào tháng 1.2022. Tương tự, Trung Quốc cũng giảm khó khăn phần nào về xuất khẩu nhờ thúc đẩy thương mại với Nga.

Với nhu cầu nâng cao trên toàn thế giới, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc trong tháng 11.2022 đã tăng 121% so với cùng kỳ năm 2021, và tháng 3 vừa qua vẫn đạt mức tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm 2022. Tại Hàn Quốc, xuất khẩu ô tô trong tháng 3 vừa qua cũng tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhưng tình hình xuất khẩu của các mặt hàng điện tử lại không khả quan. Nhu cầu trang thiết bị để làm việc tại nhà đã chậm lại, làm giảm nhu cầu đối với thiết bị điện tử. Điển hình trong cơ cấu xuất khẩu của Hàn Quốc thì linh kiện bán dẫn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất cũng đang giảm kể từ năm ngoái.

Qua đó, báo cáo của Công ty phân tích Moody’s, xuất khẩu của khu vực APAC đang có những diễn biến trái ngược nhau ở các chủng loại hàng hóa. Thị trường dịch vụ đang tăng nhưng không đủ để bù đắp sự sụt giảm trong xuất khẩu hàng hóa. Trong khi đó, những tác động toàn cầu khiến cho kinh tế APAC xoay chuyển khỏi tình cảnh trên trở nên khó khăn hơn. Kỳ vọng xuất khẩu tăng trưởng chỉ có thể trông đợi vào dịp cuối năm nay và đầu năm tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới