Wednesday, November 27, 2024
Trang chủQuân sựNhững thách thức khiến cuộc phản công của Ukraine có nguy cơ...

Những thách thức khiến cuộc phản công của Ukraine có nguy cơ “đi vào ngõ cụt”

Ukraine đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khiến cuộc phản công dự kiến nhằm đẩy lùi lực lượng Nga có thể sẽ diễn ra không thành công.

Ukraine sắp phản công nhằm đẩy lùi lực lượng Nga.


Theo dự đoán của các chuyên gia và quan chức phương Tây và Nga, Ukraine sẽ tiến hành cuộc phản công vào mùa xuân trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào cuộc phản công sẽ bắt đầu hay liệu nó có xảy ra hay không.

Ngày 3/5, Người đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner – ông Yevgeny Prigozhin cho biết, quân đội Ukraine đã bắt đầu cuộc phản công với rất nhiều binh lính và vũ khí.

“Về cơ bản, tôi tin rằng cuộc phản công của quân đội Ukraine đã bắt đầu. Chúng tôi nhận thấy hoạt động rất tích cực của máy bay đối phương ở khu vực vành đai và bên trong chiến tuyến. Khi nào cuộc phản công sẽ bước vào giai đoạn khốc liệt? Tôi tin rằng, sẽ sớm thôi, có thể là trong vài ngày tới”, ông Prigozhin đánh giá.

RT nhận định rằng, Ukraine đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho hoạt động phản công. Tuy nhiên, cuộc phản công của Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ gặp phải những thách thức chính có thể ngăn cản quân đội Ukraine thực hiện những mục tiêu của mình, và quan trọng là chứng minh sự hỗ trợ quân sự của phương Tây đang được sử dụng hiệu quả.

Thách thức chính của Ukraine trong cuộc phản công

Cho tới nay, vẫn chưa có thông tin chi tiết về nơi cuộc phản công của Ukraine có thể diễn ra, dù các chỉ huy quân sự Nga có thể biết rõ về việc Kiev tập hợp binh sĩ. Ukraine được cho là đang giữ kín chi tiết về cuộc phản công với các đồng minh, nhằm ngăn rò rỉ thông tin mật có thể ảnh hưởng đến cuộc phản công.

Ngoài việc chuẩn bị lực lượng dự bị cho cuộc phản công, Ukraine sẽ cần có những vũ khí có độ chính xác cao.

Quân đội Ukraine sẽ phải sử dụng các hệ thống tên lửa tầm xa, trong đó có M142 HIMARS do Mỹ cung cấp. Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng, Ukraine chỉ sử dụng các hệ thống pháo binh tầm xa từ sâu bên trong lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, để đạt được động lực và chọc thủng phòng tuyến của đối phương, các hệ thống này cần phải được di chuyển đến gần mặt trận hơn.

Hiện tại, Ukraine có khoảng 35 hệ thống HIMARS, nhưng số lượng này có thể sẽ không đủ cho một cuộc phản công dọc theo toàn bộ chiến tuyến trải dài 1.000km. Các hệ thống này có thể sẽ chỉ được tập trung theo một hoặc hai hướng, nhưng điều này sẽ khiến chúng sẽ bị phát hiện và phá hủy hơn.

Ngoài ra, Ukraine chỉ có nguồn cung tên lửa hạn chế cho hầu hết các hệ thống vũ khí do phương Tây cung cấp, chẳng hạn như HIMARS. Điều đó nghĩa là việc sử dụng những hệ thống này trên chiến trường sẽ bị hạn chế. Trong khi đó, những hệ thống tên lửa như vậy chưa từng được thử nghiệm trong các cuộc xung đột cường độ cao.

Bên cạnh việc thiếu vũ khí phòng không để đối phó với Nga trong cuộc phản công, Ukraine còn gặp khó khăn về mặt hậu cần. Ukraine có thể sẽ phải chuẩn bị lực lượng quan trọng nhất từ 12-36 giờ trước cuộc tấn công chính. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, gần như Kiev không thể tích lũy đủ nhiên liệu và đạn dược trong thời gian ngắn như vậy.

Theo các chuyên gia quân sự, việc cất giữ thiết bị quân sự cũng là một thách thức đối với lực lượng Ukraine. Nga từng sử dụng UAV Lancet để tấn công hệ thống tên lửa phòng không Gepard của Đức và hệ thống tên lửa S-300 ở gần tiền tuyến. Ngay cả khi Ukraine vận chuyển các thiết bị được cất giấu trước đây đến gần tiền tuyến, chúng vẫn có thể dễ dàng bị phá hủy.

Điều này cho thấy các tuyến đường được sử dụng để vận chuyển thiết bị quân sự của Ukraine và những nơi đặt thiết bị này đều nằm dưới sự giám sát của Nga. Nếu Ukraine hao mòn lực lượng và vũ khí chỉ trong hai hoặc ba ngày đầu tiên trong cuộc phản công, Kiev sẽ phải điều chỉnh chiến lược hoặc thực hiện kế hoạch dự phòng.

Ukraine nên phản công ra sao?

Để thực hiện thành công một cuộc phản công lớn, Ukraine có thể không cần sử dụng thiết bị công nghệ cao như UAV Bayraktar hoặc hệ thống M142 HIMARS mà nên dựa vào lực lượng bộ binh, pháo binh, xe tăng và tên lửa. Tuy nhiên, nếu xảy ra sự cố trong cuộc phản công, Ukraine sẽ khó có thể nhanh chóng bổ sung nguồn cung đạn dược.

Quân đội Ukraine gần như phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ quân sự nước ngoài, bao gồm các vũ khí quan trọng như đạn cối, đạn pháo 122mm, 152mm và 155mm, hệ thống chống tăng và hộp đạn cho vũ khí nhỏ. Do vậy, nếu cuộc phản công trở nên căng thẳng hơn, Ukraine sẽ thiếu sức mạnh để vượt qua mặt trận có 3-5 tuyến phòng thủ.

Trong cuộc phản công sắp tới, Ukraine có khả năng sẽ sử dụng các đơn vị được thành lập với sự hỗ trợ của phương Tây trong nỗ lực nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến của Nga.

Bên cạnh số lượng binh sĩ và vũ khí dự trữ hiện tại, các vấn đề về hậu cần và những thách thức khác chắc chắn sẽ xuất hiện ngay sau khi Ukraine bắt đầu phản công, lựa chọn thực tế duy nhất của Kiev là tiến hành một cuộc tấn công từ một hướng cụ thể và không được báo trước đối với Moscow.

Theo RT, các địa điểm Ukraine tiến hành phản công có thể bao gồm Kherson, Lugansk hoặc Zaporizhzhia. Kiev cũng có thể cân nhắc tấn công các ngôi làng ở vùng Kursk, Bryansk và Belgorod. Tuy nhiên, thách thức chính đối với Ukraine là cuộc phản công lớn đầu tiên của họ có thể làm mất thế trận, và dẫn đến phá hỏng toàn bộ kế hoạch đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi vùng lãnh thổ hiện do Moscow kiểm soát.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới