Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiGió đã đổi chiều ?

Gió đã đổi chiều ?

Một sự kiện nóng, một cơn gió đã đổi chiều, đang thu hút sự quan tâm của các nhà bình luận quốc tế: Trung Quốc thừa nhận Nga xâm lược Ukraine (!)

Chuyện cụ thể như sau: Trong Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc được thông qua hôm 26/4, cùng với 121 quốc gia khác, Trung Quốc đã bỏ phiếu thuận cho việc khẳng định Nga xâm lược Ukraina. Điều đáng lưu ý, Nghị quyết này được thông qua đúng vào hôm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Ukraina Zelensky, có cuộc điện đàm kéo dài một giờ đồng hồ.

Một sự ngẫu nhiên hay là sự vui mừng của Washington khi Bắc Kinh lần đầu “tỏ thái độ đúng đắn” về cuộc chiến tại Ukraine? Bỏ phiếu chống Nga, liệu ông Tập Cận Bình có “áy náy” với Tổng thống Nga Putin, khi quan hệ giữa hai nước đang khăng khít? Đó là những câu hỏi nóng đối với dư luận quốc tế và có nhiều quan điểm trái chiều.

Nói Washington vui mừng là bởi ngay sau sự kiện bỏ phiếu Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc nối lại đàm phán, nhằm xì hơi quả bóng đang sắp vỡ trong quan hệ giữa hai nước.

Báo chí phương Tây có nhiều bài nói về sự “quay xe” của Trung Quốc khi tố cáo Nga xâm lược nước láng giềng. Vấn đề đáng quan tâm là có đúng gió đã xoay chiều, hay chỉ là động tác tung hỏa mù của Bắc Kinh? Nếu không cẩn thận sẽ bị hít khói độc của quả tù mù này.

Tin rằng Trung Quốc đã có nhận thức mới về cuộc chiến, ngày 2/5, trên Twitter, ông Joseph Borrell – lãnh đạo ngoại giao Liên Âu – hoan nghênh kết quả bỏ phiếu, với sự ủng hộ của “các đối tác quan trọng của G20”, trong đó có Trung Quốc. Ông Borrell ghi nhận, nghị quyết đã coi cuộc chiến chống Ukraina là “cuộc xâm lược do Liên Bang Nga tiến hành”.

Còn trên trang mạng châu Âu euronews, chuyên về thời sự quốc tế thì coi đây là một diễn biến quan trọng. Trang này viết: “Động thái nhỏ này tự nó đã thể hiện một sự phát triển đáng chú ý. Đặc biệt, Trung Quốc đã chịu áp lực mạnh mẽ từ phương Tây, buộc phải công khai chỉ trích điện Kremlin vì đã phát động cuộc xâm lược”.

Một trang mạng tạp chí Le Grand Continent, chuyên về chính trị quốc tế, (Paris) hoan nghênh Trung Quốc thừa nhận Nga là kẻ xâm lược và hi vọng Bắc Kinh sẽ có những giải pháp tích cực vì hòa bình cho Ukraine.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát thì chớ nên vội mừng. Gió xoay chiều hay trở lại chiều cũ là chuyện bình thường trong quan hệ quốc tế hiện nay, nhất là đối với Trung Quốc vốn quá nhiều kinh nghiệm để biến bạn thành thù và ngược lại. Người ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình: “Mèo trắng hay mèo đen cũng được, miễn là bắt được chuột”.

Một số báo địa phương tại Pháp đưa tin với sự dè dặt. Tờ Le Parisien đặt câu hỏi: Liệu có thực Trung Quốc lên án “Nga xâm lược” tại Liên hợp quốc? Còn báo La Dépêche ở miền nam nước Pháp, giật tít mạnh hơn: “Tin thực – tin giả: Trung Quốc có thật sự lên án Nga xâm lược?”.

Mặc dù ý kiến còn khác nhau nhưng có thể thấy những tín hiệu tích cực. Việc Trung Quốc ghi nhận thái độ của các nước châu Âu lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, cũng như cuộc điện thoại đầu tiên giữa chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Ukraina cho thấy sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế ủng hộ – với hạt nhân là phương Tây, là châu Âu – ủng hộ Ukraine.

Hẳn Trung Quốc đã tính toán kĩ lưỡng khi bỏ phiếu thuận cho hai nghị quyết có nội dung lên án Nga là một thay đổi không dễ dàng. Cái cách “đi dây” giữa Mỹ và Nga không còn tỏ ra đắc địa.

Còn có một luồng ý kiến thứ ba là, Trung Quốc đang lừng khừng ở lằn ranh hợp tác với Nga và chống lại Nga. Lý lẽ của việc này như sau: Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc có nội dung bàn thảo về sự hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hội đồng Châu Âu. Bởi vậy nó không phải là một nghị quyết nhằm mục đích lên án Nga. Yếu tố liên quan đến Nga cũng chỉ xuất hiện trong đoạn thứ 9 (paragraph 9), và chỉ trong một paragraph duy nhất. Còn cái từ được dùng trong đoạn đó là “gây hấn” (aggression), chứ không phải “xâm lược” (evasion).

Trong buổi tranh luận, trước khi bỏ phiếu chính thức cho nghị quyết này, đã có một cuộc bỏ phiếu khác về vấn đề có nên thêm paragraph 9 vào nghị quyết hay không, Trung Quốc, Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng. Chỉ đến khi thông qua toàn bộ nghị quyết thì Trung Quốc, Ấn Độ mới đồng ý.

Lập luận như thế cho nên luồng ý kiến thứ ba cho rằng: Trung Quốc đã thể hiện quyền của mình một cách bình thường, không nên coi là nước này đã thay đổi quan điểm. Người Nga có câu: Hãy bình tĩnh và… đợi đấy!

Vậy là chưa thể thở phào nhẹ nhõm. Kiev, nơi đang tập trung theo dõi cao nhất kết quả bỏ phiếu của Liên hợp quốc cũng chưa thấy điều gì thật sáng sủa. Bởi trong cuộc chiến kéo dài này không có bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối, mà tất cả các bên, trước hết là Nga và Ukraine, rồi đến các quốc gia can dự vào cuộc xung đột này, nhất là Mỹ và EU đều có lúc phải nhượng bộ nhau.

Tuy nhiên, với số phiếu áp đảo tại Hội nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc thì dù gọi Nga là kẻ “gây hấn” hay “xâm lược” cũng đã rõ mặt một cuộc chiến phi nghĩa. Cuộc chiến này cần sớm chấm dứt thông qua con đường hòa bình. Càng cố đẩy cỗ xe chiến tranh đi tiếp, Moscow càng sa lầy.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới