Chưa đầy ba tháng sau cuộc gặp lịch sử tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gặp nhau một lần nữa tại Seoul.
Chuyến đi hai ngày từ 7-5 của ông Kishida là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản kể từ năm 2018. Chuyến thăm chính thức lần này của ông Kishida đánh dấu ngoại giao con thoi đã trở lại giữa hai đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á.
Triều Tiên và hợp tác kinh tế
Chuyến đi Hàn Quốc gần nhất của một thủ tướng Nhật diễn ra năm 2018, nhưng đó là chuyến thăm không chính thức. Thủ tướng Abe Shinzo khi đó đến Hàn Quốc và gặp Tổng thống Moon Jae In để chào xã giao nhân dịp sang dự khai mạc Thế vận hội mùa đông Pyeongchang.
Các chuyến thăm chính thức song phương giữa hai nước đã bị chấm dứt trong hơn một thập niên, sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đặt chân lên các hòn đảo đang tranh chấp, được gọi là Takeshima trong tiếng Nhật và Dokdo trong tiếng Hàn, vào tháng 8-2012. Quan hệ hai bên đã trượt dốc nhanh chóng kể từ đó.
Sau khi đến sân bay quân sự Seoul ở ngoại ô thủ đô Hàn Quốc hôm 7-5, Thủ tướng Kishida đã đi thẳng đến nghĩa trang quốc gia Seoul, nơi chôn cất các cựu chiến binh Hàn Quốc và bốn cựu tổng thống, để bày tỏ lòng kính trọng và dâng hoa.
Động thái tạo thiện cảm với dư luận Hàn Quốc báo trước một chuyến đi không mấy dễ dàng với nhà lãnh đạo Nhật Bản.
Triều Tiên dĩ nhiên là vấn đề thảo luận quan trọng trong chuyến thăm, nhưng hợp tác kinh tế cũng là một phần không thể thiếu trong quan hệ Nhật – Hàn.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia ngày 3-5, ông Choo Kyung Ho – phó thủ tướng kiêm bộ trưởng kinh tế và tài chính Hàn Quốc – nói rằng năng lượng là một lĩnh vực khác mà các nước láng giềng có thể hợp tác vì lợi ích chung.
Việc Tổng thống Yoon lên nắm quyền ở Hàn Quốc và cựu Ngoại trưởng Kishida, người có quan điểm ôn hòa, trở thành thủ tướng Nhật Bản đã mở đường cho giai đoạn hòa giải giữa hai nước.
Sau một năm giải quyết các vấn đề trong nước, Tổng thống Yoon là người đã chìa “cành ô liu” trước. Vào tháng 3 vừa rồi, hai nước bắt đầu thực hiện các bước để giải quyết tranh chấp dai dẳng về lao động cưỡng bức thời chiến.
Mười ngày sau khi đạt được thỏa thuận mà theo nhiều người Hàn Quốc nhượng bộ nhiều hơn, ông Yoon sang thăm Nhật Bản. Bước sang tháng 4, Hàn Quốc tuyên bố khôi phục vị thế đối tác thương mại ưu tiên của Nhật Bản, dẫn đến động thái tương tự của Tokyo.
Tuyên bố của Tổng thống Yoon trước chuyến đi Mỹ mới đây rằng Nhật Bản không cần phải khuỵu gối để giải quyết các bất đồng lịch sử đã gây sốc trong nước. Đối với chính quyền Kishida, tất cả diễn biến trên là chỉ dấu cho thấy đã tới lúc nối lại “ngoại giao con thoi” với Hàn Quốc.
Tổng thống Yoon đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì khởi xướng tiến trình hòa giải với Nhật Bản. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người Hàn Quốc phản đối nỗ lực hàn gắn quan hệ của ông.
Phe đối lập Hàn Quốc thì cho rằng Chính phủ Nhật Bản phải đưa ra lời xin lỗi chính thức và trực tiếp về thời kỳ chiếm đóng nước này, trước khi nghĩ đến tăng cường hợp tác kinh tế hoặc quân sự.
Khi gặp Tổng thống Yoon tại Nhật Bản hồi tháng 3, Thủ tướng Kishida đã khẳng định chính quyền của ông sẽ tiếp nối “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác mới Hàn Quốc – Nhật Bản trong thế kỷ 21” được ký kết vào năm 1998 giữa Thủ tướng Nhật Bản Obuchi Keizo và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung.
Trong đó, ông Obuchi bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc và lời xin lỗi chân thành vì những gì phát xít Nhật đã gây ra.
Lời xin lỗi gián tiếp của Thủ tướng Kishida đã không được các đảng phái và người dân Hàn Quốc chấp nhận, ngoại trừ Tổng thống Yoon và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
Không ít nhà phân tích cho rằng ông Yoon đang “đơn thương độc mã” trong tiến trình hòa giải với Nhật Bản, rằng ông đang cho đi nhiều hơn nhận lại.
Trước khi ông Kishida đến, truyền thông Hàn Quốc đã gây áp lực buộc Tokyo phải thể hiện thiện chí, chẳng hạn một lời xin lỗi ngay tại nước này. “Bây giờ là lúc đến lượt Thủ tướng Kishida phải nhượng bộ”, tờ Hankyoreh kêu gọi.
Có thể thấy dư luận Hàn đang đặt quả bóng hòa giải ở phần sân Nhật Bản và những biểu hiện của Thủ tướng Kishida trong chuyến thăm lần này chắc chắn sẽ còn được nhắc đến nhiều trong thời gian tới, bất kể hành động và lời nói đó là gì.
Tuy nhiên với bản tính thận trọng, luôn cân nhắc ý kiến của cử tri và các phe nhóm bảo thủ trong Đảng Dân chủ tự do cầm quyền, việc ông Kishida đưa ra một tuyên bố đột phá tại Hàn Quốc về vấn đề lịch sử vẫn còn nằm trong vòng nghi vấn của nhiều người.
Mặc dù chuyến thăm của ông Kishida rất quan trọng, đây sẽ không phải là cơ hội cuối cùng để giải quyết những vấn đề giữa hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản đã mời tổng thống Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima bắt đầu ngày 19-5 tới. Đó sẽ là dịp để hai bên ngồi lại với nhau thêm một lần nữa.