Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, nhiều trường hợp chỉ bán bằng 50% giá trị thực.
Giải trình về báo cáo của Chính phủ liên quan tình hình kinh tế xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng doanh nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, trước tiên là dòng tiền. Việc điều hành tín dụng có vấn đề khi lúc thả ra quá nhanh, lúc siết lại cũng nhanh khiến các doanh nghiệp rất khó khăn.
“Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán và bán chỉ 50% giá thực, và người mua là nước ngoài. Người mua nước ngoài rất nguy hiểm, nhất là đối với các doanh nghiệp mà chúng ta cần giữ, cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói và nhấn mạnh đây là câu chuyện đã cảnh báo nhiều lần.
Kinh tế khó khăn là vậy, nhưng ông Nguyễn Chí Dũng nêu thực tế tinh thần giải quyết công việc chưa tốt nên rất khó, các thủ tục đầu tư hiện nay hoặc không làm, hoặc mất 2 năm mới giải quyết được một vấn đề, khiến các doanh nghiệp không thể làm gì.
Liên quan đến môi trường đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá là cũng kém. Ông nhắc lại việc đã đấu tranh mấy năm qua để cải thiện, cải tiến thể chế, giảm các điều kiện kinh doanh… Nhưng hiện nay, thông qua các văn bản của bộ, ngành, địa phương cho thấy đã phát sinh hàng ngàn thủ tục.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, hiện cơ quan này đang cho cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát, xem văn bản nào của Bộ, ngành trái quy định, đi ngược, hạn chế quyền của người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã rất nỗ lực với nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện được đưa ra, bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Từ tháng 4/2023 đã có những dấu hiệu tốt. Tới đây sẽ có tham mưu phù hợp hơn để tăng trưởng các quý sau phục hồi, phát triển.
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại với mục tiêu tăng trưởng 6,5%, các quý sau phải tăng trưởng phải quanh 8%. Hiện nay, Chính phủ vẫn giữ mục tiêu này để phấn đấu.
Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng báo cáo của Chính phủ có nhiều “màu hồng” trong khi đó phân tích về tồn tại, hạn chế, đặc biệt phân tích về nguyên nhân không rõ.
Về tình hình kinh tế – xã hội đầu năm 2023, báo cáo của Chính phủ nêu mặc dù có nhiều khó khăn nhưng những biện pháp tháo gỡ ban hành từ đầu năm đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công và khơi thông điểm nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. Nêu quan điểm về nhận định, ông Trần Quang Phương cho biết, qua làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học cho thấy dòng tiền vẫn còn điểm nghẽn, các chính sách mới ban hành chưa phát huy tác dụng. Nếu đánh giá lạc quan quá sẽ dẫn đến công tác điều hành gặp khó.
Báo cáo của Chính phủ nhận định tình hình kinh tế xã hội tháng 4 đạt nhiều kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn “nhiều kết quả tích cực” có sát với thực tế, bởi tăng trưởng thấp so với cùng kỳ. Chính phủ cũng nêu một số khó khăn, hạn chế nhưng không làm rõ tồn tại nội tại nền kinh tế, đặc biệt chưa phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế đã bộc lộ rõ như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự yếu kém của ngân hàng chưa được xử lý dứt điểm, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế bởi tác động bên ngoài còn rất hạn chế…
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, một trong nguyên nhân đó là giải quyết các tồn tại chậm trong xử lý ngân hàng yếu kém, các dự án yếu kém, hiệu quả giải ngân đầu tư công…
Ông Trần Quang Phương cho rằng, công tác dự báo, tham mưu cũng còn bị động, phản ứng chính sách không kịp thời; phối hợp chính sách tài khóa tiền tệ đã thực chất đi vào cuộc sống hay chưa? Phối hợp các bộ, ngành, các cơ quan trung ương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở đã đủ để khơi thông động lực tăng trưởng hay chưa?…
“Chính phủ cần tập trung phân tích cụ thể hơn vào những vấn đề bất cập, nhất là những yếu kém, tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành quyết định những vấn đề trước các tình huống, các giai đoạn có tính chất đặc biệt quan trọng cần có linh hoạt, quyết đoán, mạnh mẽ hơn, không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở các bộ, ngành và địa phương”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.
T.P