Chuyến viếng thăm Ả Rập Xê Út của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan vào ngày 7.5 đang định hình một cấu trúc hợp tác mới ở Trung Đông.
Theo trang Axios, chính phủ Mỹ đang đàm phán với Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về một dự án cơ sở hạ tầng giao thông lớn.
Dự án sẽ bao gồm một mạng lưới đường sắt giữa các quốc gia vùng Vịnh và Ả Rập, được kết nối với Ấn Độ thông qua các tuyến hàng hải liên thông hệ thống cảng biển quan trọng trong khu vực.
Phát triển ý tưởng về mạng lưới hạ tầng kết nối
Cuộc gặp ngày 7.5 không chỉ có Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cùng Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, mà còn có sự tham gia của Cố vấn an ninh quốc gia UAE Sheikh Tahnoon bin Zayed Al Nahyan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval.
Cuộc họp nhằm “thúc đẩy tầm nhìn chung của họ về một khu vực Trung Đông an toàn và thịnh vượng hơn kết nối với Ấn Độ và thế giới”, thông cáo từ Nhà Trắng cho biết.
Một diễn đàn được thành lập vào năm 2021 dành cho Ấn Độ, Israel, Mỹ và UAE (nhóm I2U2) đã khởi nguồn cho ý tưởng thảo luận về các dự án cơ sở hạ tầng kết nối từ Trung Đông sang Nam Á. Ả Rập Xê Út được đưa vào các cuộc thảo luận gần đây hơn.
“Khái niệm cơ bản” của I2U2 nhằm “kết nối Nam Á với Trung Đông và Mỹ theo những định hướng thúc đẩy về công nghệ, kinh tế và ngoại giao theo cách của chúng tôi”, ông Jake Sullivan cho biết trong một bài phát biểu được tờ Nikkei Asia ngày 10.5 dẫn lại. “Một số dự án đang được tiến hành cùng một số bước triển khai thú vị mới mà chúng tôi mong muốn được thực hiện trong những tháng tới”, ông Sullivan khẳng định.
Nhóm I2U2 tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 7.2022. Nhóm được thành lập để giải quyết các vấn đề an ninh liên quan đến nước sạch, năng lượng, giao thông vận tải, không gian, y tế và an ninh lương thực. Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) từng ví I2U2 ở Trung Đông – Nam Á như khối Quad bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng là một phần trong chiến lược của Mỹ dành cho khu vực Trung Đông. Tại đây, Mỹ tìm cách miêu tả Iran trở thành mối đe dọa chung và vận động Israel cùng các quốc gia Ả Rập vượt qua các xung đột về vấn đề Palestine để thúc đẩy hợp tác theo hướng này.
Nỗ lực hòa giải “lệch hướng” của Ả Rập Xê Út
Vào tháng 7.2022, Ả Rập Xê Út bắt đầu mở không phận cho máy bay dân sự từ tất cả các nước bao gồm cả máy bay Israel (vốn bị cấm trước đó). Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ca ngợi quyết định này là “một bước quan trọng hướng tới việc xây dựng một khu vực Trung Đông hội nhập và ổn định hơn”.
Nhưng thỏa thuận gần đây nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Iran đã bác bỏ những giả định làm cơ sở cho hy vọng của Mỹ về việc cô lập Tehran. Sau đó, việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Ả Rập Xê Út và Israel cũng được cho là không thuận ý của chính quyền ông Biden. Mối quan hệ được cho là căng thẳng giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang trở thành một trở ngại, theo tờ Nikkei Asia.
Mỹ cứu vãn ảnh hưởng ở Trung Đông
Việc nối lại quan hệ giữa Ả Rập Xê Út với Iran vào tháng 3 với sự trung gian hòa giải của Trung Quốc cho thấy dường như Mỹ đã bị loại khỏi các mô hình hòa giải ở Trung Đông.
Riyadh và Bắc Kinh đang hợp tác chặt chẽ hơn trong sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Hai nước này cũng thúc đẩy hợp tác trong Tầm nhìn 2030, một kế hoạch nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế của Ả Rập Xê Út vào dầu mỏ.
Thực tế, việc Trung Quốc nhập khẩu hơn 70% lượng dầu của Ả Rập Xê Út đã tạo tiền đề cho mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước. Trung Quốc xem Ả Rập Xê Út là một nguồn cung cấp năng lượng thường xuyên quan trọng mà nước này cần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi lại bằng sự đảm bảo một thị trường xuất khẩu ổn định cho Riyadh.
Do đó, với cuộc gặp 4 bên vừa diễn ra, chính phủ ông Biden dường như muốn định hình thêm một cấu trúc tứ giác mới thuộc ảnh hưởng của Mỹ nhằm tìm kiếm các kết nối giúp gia tăng trở lại ảnh hưởng tại Trung Đông.
T.P