Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCampuchia liều lĩnh?

Campuchia liều lĩnh?

150 dự án cơ sở hạ tầng tại Campuchia trị giá 30 tỷ USD được ưu tiên triển khai trong 10 năm tới. Số tiền khổng lồ này không chỉ khiến nhiều người nghi ngờ, mà còn lo ngại “xứ xở Chùa Tháp” sẽ thành con nợ.

Một casino ở Sihanoukville do Trung Quốc đầu tư

Không phải tin đồn, mà là tin thật. Cuối tháng 3/2023, trước khi được loan truyền rộng rãi trên truyền thông Campuchia và quốc tế, thông tin do đích thân Bộ trưởng bộ Giao thông Công chính Campuchia tiết lộ.

Một tháng sau, vào cuối tháng 4, thông tin chính thức được xác nhận trong một thông báo của Bộ Giao thông Công chính. Theo đó, 150 dự án cơ sở hạ tầng được ưu tiên bao gồm các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, cảng, hậu cần và giao thông vận tải khác, nằm trong Kế hoạch Tổng thể Toàn diện Đa phương thức (CIT-MP) Campuchia sẽ thực hiện trong 10 năm tới.

Không thể phủ nhận, đây là một kế hoạch đầy tham vọng. Hiện thực hóa được nó, Campuchia có thể sẽ có bước “lột xác” về cơ sở hạ tầng, kéo theo sự phát triển bùng nổ nhiều lĩnh vực kinh tế khác, biến Campuchia thành một “con hổ” kinh tế mới trong khu vực.

Thậm chí, những người lạc quan còn cho rằng, quốc gia hơn 17 triệu dân này (số liệu chính thức mới nhất) có thể có những bước tiến vượt bậc, qua mặt GDP bình quân đầu người của Việt Nam – nước láng giềng cũng đang vươn lên mãnh mẽ hướng đến mục tiêu hóa “rồng” về kinh tế trong một hai thập kỷ tới.

Campuchia hẳn cũng ý thức được rằng: mục tiêu tham vọng, gắn với nó, bao giờ cũng là những thách thức to lớn. Và họ như đang chứng tỏ, chí ít với các quốc gia trong khu vực là không có ý tô vẽ một tiền đồ lộng lẫy để phủ dụ, vỗ về thần dân.

Theo tờ báo lớn Campuchia Khmer Times, một ủy ban phụ trách CIT-MP đã được thành lập, chịu trách nhiệm phân loại các dự án; đồng thời ủy ban này căn cứ tính chất, điều kiện để tính toán dự án nào sẽ đầu tư bằng vốn vay, dự án nào sẽ được đầu tư theo thỏa thuận hợp tác công tư hoặc ngân sách quốc gia…

Nói cách khác, tính khả thi của CIT-MP được khẳng định bằng một kế hoạch triển khai bài bản và cụ thể.

Vay để đầu tư xây dựng hạ tầng là điều quốc gia nào, trong giai đoạn phát triển ban đầu chẳng làm. Hiếm hoi đồng tiền là câu chuyện của trước kia, chứ thời nay, tiền không hẳn còn là chuyện quá nan giải. Vấn đề là lãi xuất ra sao? Chủ nợ nhận được gì từ con nợ? Bên cho vay có được ưu tiên thi công công trình cơ sở hạ tầng hay không?…Và đặc biệt: món nợ đó, nếu Chính phủ bảo lãnh thì coi như yên tâm rung đùi đợi ngày hái quả.

Xét theo tiêu chí đó, xem ra, Campuchia gần như đáp ứng tất cả.

Vậy mà nhiều người vẫn băn khoăn, thậm chí lo lắng cho Campuchia. Lo rằng, mươi mười lăm năm nữa, quốc gia này sẽ thành con nợ lớn; lớn tới mức không chừng vỡ nợ.

Những người đa nghi – họ là ai? Là hậu duệ của Tào Tháo “hành phương Nam” chăng?

Đừng mỉa mai vội nếu học lại bài học đắt giá từ Hi Lạp. Quốc gia nằm ở Nam Âu này, cách đây hơn 10 năm đã lâm vào tình cảnh vỡ nợ sau nhiều năm đầu tư tràn lan cho các dự án đồ sộ, không hiệu quả. Cú chơi lớn nhất, thành nguyên nhân trực tiếp khiến Athen suy sụp không thể gượng nổi là năm 2004 chi tới 9 tỷ euro để tổ chức Olympics, biến Thế vận hội mùa hè 2004 thành kỳ Olympic đắt nhất thời điểm đó.

Một quốc gia khác, là Lào, láng giềng của Campuchia, năm ngoái cũng lâm vào cảnh coi như vỡ nợ. Chẳng khó khăn khi phân tích nguyên nhân nguy ngập của Lào, đó là: trong nhiều năm, nươc này đã sử dụng và vay nợ rất nhiều từ nước ngoài, nhất là Trung Quốc, để xây dựng cơ sở vật chất trong nước. Vay nhiều, xây nhiều, những không tính toán kỹ khiến đống tiền như bị chôn trong các công trình, chưa kể, nhiều khoản tiền lớn chui vào túi các quan tham của “đất nước Triệu Voi”.

Tới nay, dù tình hình đã được cải thiện, nhưng cả Hy Lạp và Lào vẫn đang phải thực hiện những biện pháp khắc nghiêt về kinh tế để tránh rơi vào thảm cảnh nặng nề và tồi tệ hơn.

Trở lại với câu chuyện Campuchia: cứ cho là Phnom Penh có khát khao chính đáng và giàu quyết tâm đi; cứ cho là ông anh Trung Quốc (hiện chiếm tới 54% số tiền đầu tư vào Campuchia) sẵn lòng vung tiền cho Campuchia vay đi; nhưng với quy mô GDP 27 tỷ USD (năm 2021) mà Campuchia dám vay số tiền khổng lồ tới 30 tỷ USD – điều đó nên được coi là sự quả cảm, hay nên nghĩ đó là sự liều lĩnh mang tầm quốc gia để đẩy “xứ xở Chùa Tháp” thành con nợ?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới