Sunday, November 24, 2024
Trang chủQuân sựTên lửa Storm Shadow Anh chuyển cho Ukraine uy lực cỡ nào?

Tên lửa Storm Shadow Anh chuyển cho Ukraine uy lực cỡ nào?

Việc cung cấp các tên lửa hành trình Storm Shadow đánh dấu một bước tiến đáng kể về khả năng viện trợ vũ khí của Vương quốc Anh cho Ukraine.

Tên lửa Storm Shadow.


Newsweek cho rằng, các tên lửa tầm xa được cung cấp cho lực lượng vũ trang của Ukraine sẽ đặt ra những thách thức mới đầy khó khăn cho hệ thống phòng thủ của Nga.

Hôm 11/5, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với các nhà lập pháp Vương quốc Anh rằng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow “đang ở trên đất Ukraine”. Ông không xác nhận tổng cộng có bao nhiêu tên lửa được gửi tới Ukraine.

Ukraine nhiều lần yêu cầu khả năng tấn công tầm xa song các quốc gia phương Tây từ chối cung cấp loại vũ khí này. Họ cho rằng, động thái này có thể kiến leo thang căng thẳng khi vũ khí này cung cấp cho Ukraine khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, Ukraine khẳng định sẽ không sử dụng những khả năng như vậy để tấn công các mục tiêu bên trong biên giới Nga. Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết “chúng tôi sẽ không sử dụng vũ khí do các đối tác nước ngoài cung cấp để bắn vào lãnh thổ Nga”.

Chuyên gia quân sự David Hambling cho biết, với các nguồn thông tin mà Ukraine có quyền truy cập – một phần do phương Tây cung cấp, “các chỉ huy Ukraine sẽ có thông tin tuyệt vời mục tiêu mà các tên lửa mới của họ nhắm đến để đạt hiệu quả tối đa”.

Ông David Hambling nói với Newsweek rằng các tên lửa này có cơ hội tấn công một mục tiêu cụ thể tốt hơn nhiều so với máy bay không người lái quân sự cơ bản, và “chắc chắn sẽ được dành riêng cho mục tiêu có giá trị rất cao”.

Nhà sản xuất MBDA Missile Systems cho biết, các tên lửa phóng từ trên không Storm Shadow có tầm bắn vượt quá 250 km. Chúng được thiết kế để “đáp ứng yêu cầu khắt khe của cuộc tấn công được lên kế hoạch trước nhằm vào các mục tiêu có giá trị cao, cố định”, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt,

Phát biểu trước Quốc hội Anh, ông Wallace nói: “Nga phải thừa nhận rằng chính hành động của họ đã dẫn đến việc cung cấp những hệ thống như vậy cho Ukraine”. Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak trước đây cho biết Anh sẽ “là quốc gia đầu tiên cung cấp cho Ukraine vũ khí tầm xa”.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay việc Anh cung cấp tên lửa Storm Shadow “sẽ buộc Moskva có phản ứng thích đáng từ quân đội”.

Tầm bắn được cho là của tên lửa Storm Shadow vượt xa các hệ thống vũ khí mà Mỹ chuyển giao cho Ukraine, bao gồm các phiên bản của hệ thống đạn dẫn đường tấn công trực tiếp (JDAM) hoặc hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS Washington cung cấp cho Kiev.

David Jordan, đồng giám đốc Viện Hàng không và Vũ trụ Freeman tại Đại học King’s College London, Vương quốc Anh, cho biết hiện có một số nghi ngờ về tầm bắn thực sự của tên lửa Storm Shadow.

Đầu năm nay, Mỹ cho biết sẽ gửi cho Ukraine các quả bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất. Hồi tháng 2, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder nói Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine “khả năng tấn công tầm xa hơn”. Những quả bom này có tầm bắn khoảng 150 km.

Theo chuyên gia David Jordan, tác động của những vũ khí này cuối cùng sẽ phụ thuộc vào số lượng tên lửa Storm Shadow mà Ukraine nhận được. Tuy nhiên, vị này cho rằng việc Anh chuyển giao tên lửa Storm Shadow cũng giúp Ukraine nâng khả năng “tầm bắn mà họ vốn không có trước đây”.

David Jordan cho biết, quân đội Kiev sẽ có thể tấn công các mục tiêu kiên cố, bao gồm các boong-ke chỉ huy dưới lòng đất, trung tâm hậu cần và sân bay với độ chính xác cao. Tên lửa này cũng có thể giúp Kiev có khả năng tấn công cầu Kerch, nối đất liền Nga với bán đảo Crimea.

“Với các vũ khí như JDAM và HIMARS, Storm Shadow, Nga sẽ phải tính đến phạm vi mà người Ukraine có thể tấn công họ”, chuyên gia David Jordan nói.

Các chuyên gia cho biết tầm hoạt động của Storm Shadow cũng gây ra những vấn đề mới cho việc tổ chức phòng không của Nga trong những tuần và tháng tới.

Chuyên gia quân sự Hambling nhận định “không thể gây nhiễu một cách hiệu quả” với tên lửa Storm Shadow và hệ thống phòng không Nga”rất khó có khả năng bị đánh chặn” tên lửa này. Nga sẽ buộc phải di chuyển các nguồn lực như kho dự trữ đạn dược ra khỏi tầm bắn của những loại vũ khí mới này.

David Jordan cũng cho hay, khi Ukraine thiếu vũ khí tầm xa, các lực lượng Nga chủ động kiểm soát tầm bắn của các loại vũ khí phóng từ trên không của Ukraine. Do đó, Moskva có thể giảm lực lượng phòng không xung quanh các căn cứ chỉ huy và căn cứ hậu cần khác.

Các chuyên gia cho rằng, quân đội Nga hiện sẽ phải xem xét tất cả các mục tiêu mà tên lửa Storm Shadow có thể tiếp cận và sau đó là cách bảo vệ chúng. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc Nga tính toán di chuyển các hệ thống phòng không từ tiền tuyến hoặc các nơi khác để bảo vệ các mục tiêu.

Theo chuyên gia David Jordan, nếu Nga rút các hệ thống phòng thủ khỏi tiền tuyến, điều này sẽ mang lại lợi thế mới cho lực lượng không quân Ukraine.

Động thái này của Anh cũng đặt ra câu hỏi liệu các quốc gia NATO khác, chẳng hạn như Mỹ, có cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tầm xa hơn như ATACMS hay hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội hay không. Đến nay, Washington đã từ chối chuyển giao cho Ukraine các hệ thống tên lửa vốn có thể có tầm bắn tương tự Storm Shadows.

Hồi tháng 3, Tướng Mark Milley – Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, nói rằng Washington có “tương đối ít ATACMS, chúng tôi cũng phải đảm bảo rằng Mỹ duy trì kho vũ khí của riêng mình”.

Trái ngược với sự do dự trước đây của phương Tây trong việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev, quyết định của Anh cho thấy sự thay đổi về quan điểm, giờ đây các quốc gia phương Tây sẵn sàng cung cấp hỗ trợ lớn hơn cho Ukraine.

“Mặc dù số lượng nhỏ tên lửa Storm Shadow từ Vương quốc Anh có thể không tạo ra sự khác biệt lớn về quân sự, nhưng nó có thể báo hiệu sự xuất hiện của nhiều vũ khí hạng nặng hơn từ các nước NATO”, chuyên gia quân sự Hambling nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới