Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngTQ “dằn mặt” Mỹ: Hãy cẩn thận ở Biển Đông!

TQ “dằn mặt” Mỹ: Hãy cẩn thận ở Biển Đông!

Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua (31/3) đã tuyên bố cảnh báo Hải quân Mỹ hãy “cẩn thận” ở Biển Đông và phản ứng gay gắt với thỏa thuận quốc phòng vừa được ký kết giữa Washington và Manila.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua tại Bắc Kinh, đề cập đến một báo cáo gần đây về các chuyến tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch thực thi tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã lên giọng “đề nghị” các tàu Mỹ hoạt động ở Biển Đông hãy cẩn thận.

Đáp trả các cáo buộc thường xuyên của Mỹ về việc Trung Quốc xây dựng đường băng và triển khai vũ khí đến các đảo, bãi ngầm mà nước này chiếm đóng và bồi đắp trái phép ở Biển Đông, gia tăng quân sự hóa khu vực và tạo mối đe dọa cho hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, ông Dương quy kết: “Bây giờ, Mỹ đã trở lại và đang củng cố sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực này và thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông”.

Không chỉ tỏ thái độ “cay cú” đối với hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông – nơi Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền với gần như toàn bộ vùng biển này, Bắc Kinh còn “bất mãn” với thỏa thuận gần đây giữa Washington và Manila. Theo thỏa thuận đó, Philippines cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận 5 căn cứ quân sự của nước này để phục vụ hoạt động luân chuyển máy bay, tàu thuyền, trang thiết bị và binh sỹ, trong đó có một số căn cứ rất gần với Biển Đông – nơi Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp căng thẳng.

Khi được hỏi về thỏa thuận này, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết: “Tăng cường liên minh quân sự là một sự phản ánh của tâm lý chiến tranh lạnh. Đó là hướng ngược lại với xu hướng hòa bình, phát triển và hợp tác của thời đại”.

Ông Dương cũng cảnh báo rằng: “Hợp tác quân sự song phương không nên làm suy yếu lợi ích của bên thứ ba”.

Những tuyên bố này của Bắc Kinh phát đi trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang liên tiếp xảy ra những động thái và diễn biến mới rất phức tạp.

Trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên đường tới Washington tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân toàn cầu, hôm 30/3/2016, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ông Robert Work chính thức cho biết Mỹ sẽ không chấp nhận tính hợp pháp của “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ ra. Ông Robert Work cũng khẳng định Washington đã nói “hoàn toàn rành rẽ” với phía Trung Quốc là Mỹ sẽ không công nhận “vùng đặc quyền” mà Trung Quốc thiết lập trên Biển Đông và coi hành động đó của Bắc Kinh là “gây mất ổn định” ở khu vực.

Để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng Philippines đề nghị mua tàu ngầm trang bị cho Hải quân. Nếu được Quốc hội nước này thông qua thì đây là lần đầu tiên Hải quân Philippines sở hữu tàu ngầm.

Trước vụ khoảng 100 tàu cá Trung Quốc với sự hộ tống của 1 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển Malaysia giữa tuần trước, Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết đã triệu kiến Đại sự Trung Quốc tại Kuala Lumpur đến để giải trình, cũng như để làm nổi bật mối quan tâm của Malaysia về vụ việc này.

Trong một động thái khác cũng liên quan đến “hạm đội tàu cá” Trung Quốc xâm nhập trái phép, vơ vét tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác men theo đường lưỡi bò, Bloomberg ngày 31/3 đưa tin, Indonesia đã quyết định triển khai chiến đấu cơ F-16 đến quần đảo Natuna để săn “kẻ trộm”.

Bộ Quốc phòng Indonesia đã quyết định điều động F-16 đến Natuna chưa đầy 2 tuần sau khi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc vào tận lãnh hải đảo Natuna, tông vào tàu kiểm ngư Indonesia để giải cứu tàu cá Trung Quốc vi phạm đang bị bắt giữ.

Trong khi đó, đầu tuần này, Trung Quốc thừa nhận đã đưa nhiều hệ thống tên lửa chống hạm loại YJ-62 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974) và bao biện cho hành vi phi pháp này là để “phòng thủ”.

Bắc Kinh cũng vừa kéo giàn khoan Hải Dương 943 ra khoan thăm dò ở vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, trong khu vực Việt Nam và Trung Quốc chưa đàm phán phân định – một động thái bị Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ trích là “làm phức tạp thêm tình hình và không có lợi cho việc đàm phán phân định tại vùng biển này”.

RELATED ARTICLES

Tin mới